Suy thận ở tuổi 19, đôi mươi

Bên cạnh bệnh lý tự nhiên, nguyên nhân dẫn đến suy thận một phần bắt nguồn từ lối sống không lành mạnh của giới trẻ hiện nay.

 Bệnh nhân 17 tuổi, suy thận mạn, được điều trị ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Bệnh nhân 17 tuổi, suy thận mạn, được điều trị ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Số lượng bệnh nhân trẻ tuổi phải lọc máu thời gian gần đây có dấu hiệu tăng lên rõ rệt tại nhiều đơn vị thận nhân tạo.

Tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), số người bệnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Người bệnh trẻ dưới 35 tuổi đến viện khám, điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn năng 4-5.

Theo PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu của bệnh viện này, hiện khoa không đáp ứng được nhu cầu chạy thận nhân tạo chu kỳ cho tất cả bệnh nhân.

Đơn vị này chỉ đáp ứng được nhu cầu lọc máu cấp cứu, sau khi tình trạng bệnh nhân ổn phải chuyển về địa phương hoặc chuyển bệnh viện tư nhân điều trị tiếp.

Bật khóc vì sốc

Cô gái 19 tuổi, phát hiện mình bị suy thận trong một lần đi khám tổng quát do tăng huyết áp, thiếu máu, chức năng thận kém tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Cầm tờ kết quả sinh thiết "xơ hóa cầu thận toàn bộ", cô gái bật khóc.

Lúc bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, nữ sinh lờ mờ nhớ ra cơ thể đã "gửi cảnh báo" từ khá lâu nhưng bản thân phớt lờ.

Trước khi phát hiện bệnh 6 tháng, cô ăn uống kém, hay nôn ói, nhưng vẫn mải mê học tập và vui chơi, vô tình khiến bệnh nặng hơn.

Giờ đây, chức năng thận chỉ còn 8 ml/phút, trong khi người bình thường ở mức trên 90 ml/phút, cô buộc phải chạy thận nhân tạo.

Sau 5 năm lọc máu, cô gái được nhận thận từ cha ruột. May mắn sức khỏe của cô dần ổn định, nhưng để cơ thể khỏe mạnh hoàn toàn như trước khi bị suy thận, thì không thể lấy lại được.

Khoa Nội thận - Lọc máu của Bệnh viện Thống Nhất thời gian gần đây cũng tiếp nhận một nam bệnh nhân mới 23 tuổi, bất ngờ phát hiện mắc suy thận trong hoàn cảnh trớ trêu.

Ban đầu, thanh niên này nhập viện vì gãy tay do tai nạn giao thông. Trước đó, chàng trai không có tiền sử bệnh lý đặc biệt.

Tuy nhiên, tại bệnh viện, thanh niên được chẩn đoán tăng huyết áp, phát hiện có hồng cầu trong nước tiểu. Kết quả xét nghiệm và sinh thiết cho biết anh bị suy thận do viêm cầu thận. Đây là nhóm bệnh thận nguyên nhân tự miễn.

 Nhiều người trẻ bất ngờ phát hiện mình mắc suy thận ở giai đoạn nặng, phải chạy thận nhân tạo. Ảnh: Bệnh viện Thống Nhất.

Nhiều người trẻ bất ngờ phát hiện mình mắc suy thận ở giai đoạn nặng, phải chạy thận nhân tạo. Ảnh: Bệnh viện Thống Nhất.

Chứng kiến nhiều người trẻ phải gác lại công việc, học tập, hoài bão để hàng tuần nằm bên máy lọc máu, PGS.TS Nguyễn Bách chia sẻ đây là thực trạng đáng buồn, rất tiếc.

"Họ không thể có cuộc sống học tập, lao động bình thường, sinh hoạt và kinh tế phụ thuộc vào gia đình, xã hội. Đây thực sự là một gánh nặng cho bản thân, xã hội", bác sĩ Bách nói.

Ngoài ra, nhiều người trẻ bị bệnh thận, xã hội sẽ mất nguồn lao động trẻ, tạo ra gánh nặng tài chính. Việc điều trị cho nhóm bệnh nhân này cũng gián tiếp gây ra gánh nặng cho ngành y tế do quá tải chăm sóc bệnh nhân.

Thay đổi lối sống để "giải cứu" thận

Theo bác sĩ Bách, nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh suy thận một phần bắt nguồn từ lối sống không lành mạnh của giới trẻ hiện nay.

Lối sống hiện đại làm cho con người ít vận động, gây béo phì, chế độ ăn nhiều muối, đạm động vật, dầu mỡ, sử dụng nhiều thực phẩm chức năng sẵn có được bày bán online… Tất cả điều này góp phần gây bệnh thận ở người trẻ.

Ngày càng có nhiều loại thuốc, hóa chất, thực phẩm độc hại sẵn có trên thị trường nên người dân vô tình hoặc bị “dụ dỗ”, quảng cáo sử dụng chúng và hậu quả gây ra suy thận.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo mọi người không tự ý dùng lâu dài các loại thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen và các thuốc đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, người bị suy thận cũng đến từ sự thay đổi môi trường, khí hậu gây ra. Nhóm này thường không triệu chứng và diễn biến âm thầm.

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa nội Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết chi phí điều trị suy thận rất tốn kém, chưa kể phải mất thời gian chữa trị. Do đó, người trẻ nên thực hiện những nguyên tắc bảo vệ thận càng sớm càng tốt.

Cụ thể, người trẻ nên tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần, giữ cân nặng cân đối, ít ăn muối (5-6 g/ngày), chất bột đường, ăn nhiều rau và trái cây.

Các bạn cần dành thời gian để thường xuyên kiểm tra đường huyết, huyết áp, khi có bất thường nên gặp bác sĩ, có thể đó là dấu hiệu bất ổn của cơ thể.

Để hạn chế nguy cơ bị thận, mọi người cần uống đủ nước, ít nhất 1,5-2 lít/ngày (8 ly). Các bạn nên loại bỏ các thói quen không tốt như hút thuốc, thường xuyên dùng kháng viêm hay giảm đau.

Nếu là người có yếu tố nguy cơ như mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì hay tiền căn gia mắc bệnh thận cần khám tầm soát tổng quát định kỳ.

Quan trọng nhất, bạn cần lắng nghe cơ thể. Khi có những dấu hiệu bất thường như mệt mỏi kéo dài, đau lưng, khó thở, phù nề tay chân, tiểu nhiều hoặc ít hơn so với bình thường, nước tiểu có màu hoặc mùi bất thường cần đến cơ sở y tế uy tín thăm khám, kiểm tra chức năng thận.

Nguyễn Thuận - Linh Thùy

Nguồn Znews: https://znews.vn/suy-than-o-tuoi-19-doi-muoi-post1456082.html