Tả Thàng: 'Cơn sốt' chè cổ thụ

Sau hơn 3 tháng 'ngủ đông', những cây chè Shan Tuyết cổ thụ tại vùng cao Tả Thàng (Mường Khương) bật những búp non xanh khởi đầu cho một vụ chè mới. Chè xuân cổ thụ Tả Thàng bao giờ cũng được thị trường 'săn đón' với giá cao ngất ngưởng. Nhưng năm nay, thị trường mua - bán chè xuân lại 'sốt' hơn bao giờ hết do các doanh nghiệp, tiểu thương, cơ sở chế biến cùng cạnh tranh thu mua.

[E-Magazine]

Từ tháng 3, hàng trăm gốc chè cổ thụ của gia đình chị Sùng Sung, thôn Sú Dí Phìn bắt đầu vào vụ thu hái. Năm nào cũng vậy, lứa chè đầu tiên luôn được giá rất cao, nên chị Sung chờ đợi lứa chè này sẽ mang về một khoản thu đáng kể. Từ sáng sớm, chị Sung đeo gùi lên nương để thu hái những búp non đầu tiên của cây chè sau hơn 3 tháng “ngủ đông”. Lứa đầu tiên, búp chè to, mập hơn những lứa sau, người dân nơi đây chỉ thu hái phần búp non nhất, hay được gọi là “tôm” chè để bán cho các cơ sở thu mua. Chè “tôm” chỉ cho thu hái vào lứa đầu, giá cũng rất cao, trên 300.000 đồng/kg tươi. Đây là nguyên liệu chính để sản xuất “trà móc câu”, bạch trà, thuộc phân khúc cao cấp, trên thị trường có giá bán khoảng 7 triệu đồng/kg trà thành phẩm. Chị Sung cho biết: “Trước đây, có thương lái thu mua để bán sang thị trường Trung Quốc, gần đây có thêm Công ty Cổ phần Trà Tiên Thiên thu mua loại chè này. Tôi đi hái từ sáng sớm đến chiều được 2 kg chè “tôm” tươi, bán được hơn 600.000 đồng. Khi hết lứa chè “tôm”, gia đình tôi chuyển sang hái chè búp (1 tôm, 2 lá), giá bán hiện nay là 32.000 đồng/kg, mỗi ngày tôi hái được khoảng 20 kg, cũng được hơn 600.000 đồng”. Không chỉ người dân phấn khởi, huy động cả gia đình đi hái chè cho kịp thời vụ, mà tư thương cũng đến tận nương, chè hái ra đến đâu là có người đón và thu mua đến đó.

Hơn 30.000 đồng/kg chè búp tươi là mức giá “đáng mơ ước” của nhiều vùng chè khác trong tỉnh. Thế nhưng, với người dân Tả Thàng, đây vẫn là mức giá khá “khiêm tốn” so với lứa chè xuân này, có thời điểm người dân nơi đây bán được tới 90.000 đồng/kg (bởi thương lái Trung Quốc thu mua). Tuy được đánh giá là “khiêm tốn”, nhưng mức giá 32.000 đồng/kg chè búp tươi, chè cổ thụ vẫn đang là loại cây “hái ra tiền” với người dân Tả Thàng. Anh Thào Vàng, thôn Sú Dí Phìn chia sẻ: Trước đây, thương lái Trung Quốc sang gom mua búp chè xuân giá rất cao, nhưng họ chỉ mua vụ đầu tiên thôi, còn cả năm người dân bán cho các cơ sở chế biến nhỏ trong xã, giá rất bấp bênh. Năm trước, Công ty Cổ phần Trà Tiên Thiên đầu tư xưởng chế biến trên địa bàn xã, toàn bộ sản lượng được thu mua với mức giá trung bình khoảng 32.000 đồng/kg chè búp tươi, nên người dân rất phấn khởi, quan tâm chăm sóc cây chè.

Người dân thu hái chè búp từ cây chè cổ thụ.

Người dân thu hái chè búp từ cây chè cổ thụ.

Cũng theo anh Vàng, khoảng hơn 5 năm trước, khi không có thương lái thu mua, chè cổ thụ chỉ được chế biến thủ công, nhỏ lẻ trên địa bàn xã, với giá thu mua chỉ ở mức 8.000 - 9.000 đồng/kg búp tươi, tương đương với chè Shan thường, nên người dân Tả Thàng không mặn mà với cây chè. Nhiều hộ dân từng chặt, đào bỏ chè cổ thụ để trồng ngô lấy lương thực. Những năm gần đây, chè cổ thụ mang lại giá trị kinh tế cao, người dân trong xã chăm sóc chè tốt hơn, phát dọn cỏ dại, bón phân, đốn tỉa cành già cỗi để tăng năng suất.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, trên địa bàn xã Tả Thàng hiện có 16,5 ha chè Shan Tuyết cổ thụ. Diện tích này đã giảm khá nhiều so với giai đoạn trước (hơn 5 năm trước, diện tích chè cổ thụ khoảng 20 - 30 ha) do cây chè thiếu thị trường, giá bán không ổn định, hiệu quả kinh tế không cao. Những năm gần đây, cây chè phát huy được hiệu quả kinh tế, thị trường tiêu thụ mở rộng, có doanh nghiệp bao tiêu ổn định, nên diện tích chè được giữ ổn định và tạo tiền đề cho sự mở rộng trong thời gian tới. Đây là vùng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi có chất lượng cao, đã được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Mỗi năm, diện tích chè cổ thụ cho sản lượng khoảng 100 tấn búp tươi, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

Công ty Cổ phần Trà Tiên Thiên là doanh nghiệp chính bao tiêu sản phẩm chè cổ thụ tại Tả Thàng. Hiện nay, doanh nghiệp thu mua chè búp tươi cổ thụ để chế biến thành các loại trà cao cấp như hồng trà, bạch trà, hoàng trà… Ông Phan Quốc Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Trà Tiên Thiên cho biết: Vụ chè xuân năm nào cũng sôi động, tuy nhiên năm này sôi động hơn, bởi có nhiều xưởng, tư thương tìm đến thu mua chè búp tươi cổ thụ. Mặc dù có xưởng chế biến tại chỗ, nhưng công ty cũng phải cạnh tranh với các xưởng, tư thương để có nguyên liệu sản xuất chè.

Người dân thôn Sú Dí Phìn có thu nhập cao từ cây chè cổ thụ.

Người dân thôn Sú Dí Phìn có thu nhập cao từ cây chè cổ thụ.

Hiện, để đảm bảo nguyên liệu sản xuất, Công ty Cổ phần Trà Tiên Thiên đã ký hợp đồng liên kết với 20 hộ có diện tích chè cổ thụ lớn. Không chỉ hỗ trợ tiền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè, công ty còn điều chỉnh giá mua phù hợp với thị trường, để các hộ dân đã ký hợp đồng liên kết yên tâm và không cảm thấy thiệt so với các hộ khác.

Chè búp tươi từ cây chè cổ thụ được tư thương "săn đón" trong vụ xuân.

Chè búp tươi từ cây chè cổ thụ được tư thương "săn đón" trong vụ xuân.

Cũng theo ông Phan Quốc Tuấn, vụ chè xuân này, cạnh tranh về giá thu mua chè búp tươi cổ thụ khá gay gắt, các hộ dân có quyền lựa chọn bán chè búp tươi cho các đầu mối. Công ty luôn sẵn sàng thu mua chè búp tươi cổ thụ của bà con trong thôn, không chỉ vụ xuân mà các vụ còn lại trong năm, với giá hợp lý nhất, cho dù vào thời điểm được giá nhất, bà con có thể không bán cho công ty.

Được biết, sau vụ xuân, hầu như các xưởng và tư thương chỉ mua “nhỏ giọt”, nhưng không vì thế mà đầu ra cho chè búp tươi cổ thụ ở Tả Thàng gặp khó; bởi công suất xưởng chế biến chè của Chi nhánh Công ty Cổ phần Trà Tiên Thiên tối đa là 800 kg chè búp tươi/ngày, nhưng hiện mới thu mua được 200 -300 kg chè búp tươi/ngày. “Nếu bà con thu hái được bao nhiêu, công ty cam kết thu mua hết bấy nhiêu và bất kỳ lúc nào, bởi sản phẩm hồng trà, bạch trà, hoàng trà của chúng tôi không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường”, ông Phan Quốc Tuấn khẳng định.

Tuy nhiên, do tranh thủ giá thu mua cao, nên người dân đã thu hái triệt để, không có khoảng nghỉ cho cây, thậm chí có hộ còn chặt cành để hái búp, làm “tổn thương” cây, về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của cả vùng chè.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương nhận định: Nhờ chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến sâu các loại chè cũng như sự cạnh tranh từ các cơ sở chế biến trong và ngoài huyện, tại Tả Thàng hiện có khoảng 6 doanh nghiệp, cơ sở chế biến và tư thương khai thác vùng chè cổ thụ này. Vụ chè năm 2022, thị trường tiêu thụ sôi động hơn rất nhiều dù thiếu vắng tư thương Trung Quốc. Muốn thu mua chè búp tươi cổ thụ, nhiều cơ sở chế biến phải đến tận nương để đặt hàng, thu mua chè cho bà con. Đây là tín hiệu vui cho người dân Tả Thàng, từ đó kích thích người dân quan tâm chăm sóc, mở rộng vùng chè.

Búp chè cổ thụ Tả Thàng được đánh giá có chất lượng cao.

Búp chè cổ thụ Tả Thàng được đánh giá có chất lượng cao.

Để khai thác tốt thế mạnh vùng chè, đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho các dây chuyền chế biến chè trên địa bàn, ngành nông nghiệp huyện Mường Khương khuyến khích người dân Tả Thàng mở rộng vùng chè Shan Tuyết cổ thụ. Dự kiến trong năm 2022, người dân Tả Thàng sẽ trồng mới 20 ha chè (giống chè Shan Tuyết gieo ươm bằng hạt từ cây chè cổ thụ Tả Thàng). Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng tăng cường phối hợp với địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật như đốn tỉa, tạo tán, chăm bón đúng phương pháp để nâng cao năng suất trên diện tích chè hiện có. Đây cũng là cơ sở để giúp người dân xã Tả Thàng, hiện đang là 1 trong 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh phát triển kinh tế, tăng thu nhập trong những năm tới.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356058-ta-thang-con-sot-che-co-thu