Tác động lâu dài của thuế quan từ câu chuyện 'thuế gà'

Mặc dù được gọi là 'thuế gà', nhưng loại thuế này lại áp dụng lên xe bán tải. Và nó là minh chứng cho thấy chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể thay đổi nền kinh tế Mỹ lâu dài hơn người ta tưởng.

Xe tải Ford F-150 Raptor được trưng bày tại Triển lãm ô tô Bắc Mỹ tại Detroit, Michigan, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Xe tải Ford F-150 Raptor được trưng bày tại Triển lãm ô tô Bắc Mỹ tại Detroit, Michigan, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

"Thuế gà" được cựu Tổng thống Lyndon Johnson áp đặt vào năm 1963 và vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay, mặc dù lý do ban đầu của nó đã không còn tồn tại. Tuy nhiên, “tuổi thọ” của loại thuế nhập khẩu này cho thấy cách thuế quan có thể định hình lại thị trường toàn cầu, đôi khi vượt xa cả bối cảnh ban đầu mà chúng được thiết lập. Cuộc chiến thương mại của ông Trump có thể thay đổi cách người Mỹ và thế giới mua sắm trong nhiều thế hệ tới.

Cho đến nay, "thuế gà" về cơ bản ngăn các nhà sản xuất ô tô bán xe bán tải sản xuất tại châu Âu hoặc châu Á ở Mỹ. Hầu hết xe bán tải của Mỹ được sản xuất tại Bắc Mỹ, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những nhà sản xuất ô tô Mỹ, nhưng lại khiến người mua Mỹ có ít lựa chọn hơn và phải trả giá cao hơn, cũng như khiến các nhà sản xuất ô tô phải thực hiện những biện pháp phức tạp để lách thuế.

Câu chuyện “thuế gà”

Không có gì ngạc nhiên, "thuế gà" bắt nguồn từ gà.

Năm 1962, các nước châu Âu áp thuế đối với gà của Mỹ. Việc này gần như loại bỏ các nhà sản xuất gia cầm Mỹ khỏi thị trường béo bở và đang phát triển ở châu Âu. Ngay sau khi ông Johnson nhậm chức vào năm 1963, ông đã áp đặt thuế quan "đáp trả" đối với một số sản phẩm của châu Âu, trong đó có xe tải. Vào thời điểm đó, chỉ một phần nhỏ doanh số bán ô tô ở Mỹ là hàng nhập khẩu và rất ít người Mỹ từng nghe nói về Toyota hay Honda.

Mức thuế 25% đối với "xe cơ giới vận chuyển hàng hóa" chủ yếu nhằm trừng phạt nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen, nhà sản xuất ô tô nước ngoài duy nhất thâm nhập vào thị trường Mỹ vào thời điểm đó. Mỹ cũng áp thuế đối với tinh bột khoai tây, dextrin và rượu brandy, ba sản phẩm quan trọng khác đối với các nhà xuất khẩu châu Âu.

Bằng cách loại bỏ sự cạnh tranh từ nước ngoài, "thuế gà" đã mở đường cho "ba ông lớn" của ngành ô tô Mỹ, General Motors, Ford và Chrysler, tăng giá xe tải của họ. Theo phân tích sơ bộ về giá xe ô tô và xe tải của ông Jonathan Smoke, nhà kinh tế trưởng tại công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường ô tô Cox Automotive, giá xe tải do Mỹ sản xuất, mặc dù không phải chịu thuế quan, đã tăng khoảng 5% đến 6% mỗi năm trong khi giá xe ô tô chỉ tăng 2% mỗi năm.

Ông Smoke cho biết, lợi nhuận lớn hơn đã thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô Mỹ tập trung nhiều hơn vào sản xuất xe tải. Vì vậy, ngay cả khi châu Âu bỏ thuế đối với gà của Mỹ vào năm 1964, bộ ba “ông lớn” nói trên và tổ chức công đoàn công nhân ô tô vẫn sử dụng sức mạnh đáng kể của mình để giữ nguyên mức thuế nhập khẩu đối với xe tải nước ngoài.

"Thuế gà" thậm chí còn tồn tại qua nhiều vòng đàm phán các hiệp định thương mại toàn cầu nhằm thúc đẩy thương mại tự do, trong đó có cả việc thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 1995.

Ông Lawrence Friedman, một luật sư thương mại toàn cầu, cho biết nguyên nhân là vì một khi thuế quan đã được áp dụng, chúng có xu hướng được giữ nguyên. Ví dụ, vẫn còn thuế quan đối với máy thu hình (TV) màn hình cathode ray - loại máy thu hình lớn, cồng kềnh đã không còn được ưa chuộng so với màn hình phẳng - và máy thu hình có đầu đĩa VCR tích hợp.

Các “thủ thuật” lách thuế

Nhưng các hạn chế thương mại thường có lỗ hổng, tạo cơ hội cho những “thủ thuật” lách thuế.

Để lách "thuế gà", một số nhà sản xuất ô tô nước ngoài đã vận chuyển xe tải đến Mỹ mà không gắn thùng xe vào khung gầm. Những hãng khác thì lắp thêm ghế để xe tải được phân loại là xe chở khách. Chiếc Subaru BRAT đã lắp thêm hai ghế quay mặt về phía sau ở thùng xe.

Và không chỉ các nhà sản xuất ô tô nước ngoài mới tìm cách để tránh "thuế gà". Từ năm 2009 đến năm 2013, Ford, thời điểm đó đang sản xuất xe tải nhỏ Transit Connect ở châu Âu, đã vận chuyển loại xe này đến Mỹ với các ghế bổ sung sẽ được tháo bỏ sau khi thông quan. Bộ Tư pháp Mỹ cuối cùng đã phạt Ford 365 triệu USD vào năm 2024 vì vấn đề này.

Tuy nhiên, chính Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ năm 1994, hay NAFTA, mới thực sự mở ra một con đường pháp lý để lách "thuế gà".

NAFTA đã mở cửa biên giới thương mại với Canada và Mexico, vì vậy các nhà sản xuất ô tô đã sớm sản xuất xe tải dành cho thị trường Mỹ ở cả hai nước này. Ví dụ, General Motors sản xuất chiếc xe tải bán chạy nhất của mình, Silverado, ở Canada và Mexico cũng như ở Mỹ.

Bên cạnh đó, vì xe bán tải nhập khẩu bị đánh thuế, nhiều nhà sản xuất ô tô châu Á và châu Âu đã chuyển sang một thị trường ngách khác bị đánh thuế ít hơn: xe con, đặc biệt là những loại xe cỡ nhỏ tiết kiệm nhiên liệu.

Thời điểm đã đứng về phía họ. Vì giá xăng tăng vào đầu những năm 1970, người Mỹ đổ xô đi mua những loại ô tô đó. Khi các thương hiệu nước ngoài bắt đầu xây dựng nhà máy ở Mỹ, bắt đầu với nhà máy Honda ở Ohio vào năm 1982, ban đầu họ tập trung vào ô tô, chứ không phải xe tải.

Tuy nhiên, các thương hiệu nước ngoài không xây dựng nhà máy ở Mỹ vì "thuế gà", mà vì xây dựng gần nơi bán cuối cùng sẽ tiết kiệm chi phí hơn. Ông Ikenson cho biết thuế quan không phải là yếu tố thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều như chúng ta nghĩ. Trước đây có rất nhiều khoản đầu tư đổ vào sản xuất ô tô, trong khi thuế đối với mặt hàng này lúc đó chỉ là 2,5%.

Mặc dù "thuế gà" đã hạn chế xe bán tải nước ngoài, cộng thêm việc người Mỹ vốn ưa chuộng dòng xe này, tưởng chừng như ba “ông lớn" General Motors, Ford và Chrysler sẽ thống trị tuyệt đối thị trường ô tô Mỹ. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. Trong suốt 60 năm qua, thị phần tổng thể của họ vẫn liên tục suy giảm. Và đến năm 2007, lần đầu tiên các thương hiệu châu Á và châu Âu đã vượt qua ba “ông lớn" này về tổng doanh số bán xe con và xe tải tại Mỹ. Mặc dù ba công ty trên vẫn chiếm ưu thế trong phân khúc xe tải, nhưng thị phần tổng thể của họ trên thị trường ô tô Mỹ hiện chỉ còn 38%. Năm ngoái, các nhà máy của họ tại Mỹ sản xuất được 4,6 triệu xe, ít hơn con số 4,9 triệu xe do các nhà sản xuất nước ngoài sản xuất tại Mỹ.

Ông Jonathan Smoke của Cox Automotive nhận định rằng rất khó để nói chính sách thuế quan của ông Trump sẽ thay đổi thị trường như thế nào và chúng sẽ tồn tại trong bao lâu. Tuy nhiên, bài học từ "thuế gà" cho thấy việc bãi bỏ thuế quan không bao giờ là điều dễ dàng.

Khánh Ly/TTXVN (Theo CNN, Washington Post)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tac-dong-lau-dai-cua-thue-quan-tu-cau-chuyen-thue-ga-20250422141307802.htm