Tác động từ việc tên lửa do Trung Quốc chế tạo bắn hạ chiến đấu cơ Rafale trong xung đột Ấn Độ-Pakistan
Lần đầu tiên trong lịch sử, máy bay Rafale của Pháp bị bắn hạ bởi tên lửa Trung Quốc PL-15E. Công nghệ quân sự Trung Quốc đang làm thay đổi cuộc chơi?

Máy bay Dassault Rafale tham gia trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris ở sân bay Le Bourget, gần Paris, Pháp ngày 18/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo National (thenationalnews.com) của UAE ngày 10/5, Trung Quốc đã chứng minh được năng lực tên lửa "tiêu chuẩn vàng" và thể hiện bước đột phá lớn trong lĩnh vực phát triển tên lửa không đối không sau khi Pakistan tuyên bố bắn hạ máy bay chiến đấu của Ấn Độ do phương Tây sản xuất.
Hiệu quả của tên lửa PL-15 trên chiến trường
Các báo cáo cho biết ít nhất một máy bay chiến đấu Rafale tiên tiến do Pháp cung cấp đã bị phá hủy bởi tên lửa PL-15 do Không quân Pakistan bắn từ khoảng cách hơn 100km vào giữa tuần này. Đây là lần đầu tiên một máy bay Rafale bị bắn hạ trong chiến đấu và cũng là lần đầu tiên thiết bị quân sự Trung Quốc được thử nghiệm thành công trong chiến đấu với các đối thủ phương Tây.
Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Ishaq Dar phát biểu trước Quốc hội rằng ba chiếc Rafale của Ấn Độ đã bị máy bay phản lực J-10C của không quân Pakistan do Trung Quốc cung cấp bắn hạ. Các nguồn tin tình báo của Mỹ và Pháp sau đó đã xác nhận việc bắn hạ "ít nhất một, có thể là hai chiếc Rafale".
Tim Ripley, biên tập viên của trang web Defence Eye, nhận định: "Chúng ta đã thấy vũ khí của Trung Quốc hoạt động và dấu hỏi lớn về sự gia tăng quân sự của Trung Quốc là liệu vũ khí của họ có thực sự tốt không? Điều này cho thấy là có".
Chìa khóa thành công của Pakistan là tên lửa tầm xa PL-15E được sử dụng lần đầu tiên trong chiến đấu thực tế. Sau khi phóng, PL-15E được đẩy lên tốc độ siêu vượt âm Mach 5 (6.200 km/giờ), sau đó được radar của máy bay chiến đấu J-10C dẫn đường đến mục tiêu trước khi chuyển sang radar Aesa (mảng quét điện tử chủ động) riêng của tên lửa ở giai đoạn cuối.
Tên lửa có thể điều chỉnh chính xác với luồng tốc độ thứ hai được kích hoạt cách mục tiêu khoảng 10km, khiến mục tiêu cực kỳ khó né tránh. Điều này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công nghệ quân sự của Trung Quốc.
Các chuyên gia hàng không đã nói với tờ National rằng sự kiện này báo hiệu "một kỷ nguyên mới của không chiến" với các cuộc không chiến tầm xa, nơi tên lửa tầm xa sẽ thực hiện nhiệm vụ "bắn tỉa" trong tương lai.
Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào khả năng radar mảng pha quét điện tử chủ động (Aesa) mà các chuyên gia gọi là "tiêu chuẩn vàng". Công nghệ này cho phép thu nhỏ hệ thống và đặt vào bên trong tên lửa.
Một điểm quan trọng khác cũng được ghi nhận trong sự kiện này là tầm quan trọng của chiến tranh điện tử đối với sự sống còn trên chiến trường. Máy bay Ấn Độ dường như không được trang bị thiết bị gây nhiễu radar quan trọng như máy bay phản lực của Anh và Mỹ.
Một chuyên gia hàng không từ một công ty quốc phòng cho biết, ngay cả khi được trang bị Aesa, vẫn chưa rõ liệu Rafale có thể né được tên lửa PL-15E hay không: "Một khi đã bị khóa mục tiêu, chúng sẽ rất khó thoát khỏi vùng tiêu diệt vì những tên lửa đó rất nhanh". Hơn nữa, nếu tên lửa phát hiện bị gây nhiễu, nó có khả năng nhanh chóng chuyển sang tần số khác.
Lời cảnh tỉnh cho phương Tây
Xác máy bay Rafale được tìm thấy gần thành phố Bathinda của Ấn Độ, theo Paul Beaver, chuyên gia hàng không quân sự, sẽ "được Pháp nghiên cứu kỹ lưỡng vì họ thực sự muốn biết chuyện gì đã xảy ra".
Đây là một sự "mất mặt" đối với cả Ấn Độ và Pháp, đặc biệt khi lực lượng không quân Ấn Độ đang vận hành một phi đội gồm 36 chiếc Rafale F3R, được coi là phiên bản máy bay chiến đấu tiên tiến nhất.
Một nguồn tin từ ngành hàng không gọi đây là "một đòn giáng mạnh vào Pháp" vì Rafale được "quảng cáo là giải pháp thay thế giá rẻ" cho máy bay chiến đấu Typhoon của Không quân Anh và Mỹ.
Fabian Hoffmann, chuyên gia tên lửa tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, cho biết nếu vụ bắn trúng mục tiêu của PL-15E được xác nhận thì đây sẽ là "một minh chứng công khai cho sức mạnh của công nghệ hàng không vũ trụ quân sự Trung Quốc".
Về phần mình, chuyên gia Ripley nhận định sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới về chiến tranh trên không: "Chiến đấu không đối không tầm xa hiện đang là xu hướng lớn trong không chiến. Tiếp theo, nhiều lực lượng không quân sẽ bận rộn tìm cách cải tiến hiệu quả tác chiến điện tử của họ để vô hiệu hóa các tên lửa này. Đây là một lĩnh vực tăng trưởng lớn".
Chuyên gia Beaver cũng đánh giá cao kỹ năng của không quân Pakistan: "Điều này chứng tỏ Không quân Pakistan hiệu quả như mọi người vẫn nghĩ. Dù có quy mô nhỏ hơn Không quân Ấn Độ nhưng bù lại về mặt huấn luyện và kỹ năng".
Tóm lại, sự kiện trên không chỉ làm thay đổi cục diện cuộc không chiến giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, mà còn báo hiệu một sự chuyển dịch quan trọng trong cân bằng công nghệ quân sự toàn cầu.