Tác phẩm tham dự Giải Báo chí Búa liềm vàng lần thứ IX-2024: Huyện Nghĩa Hưng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Trong quá trình toàn cầu hóa, sự tác động của nền kinh tế thị trường và sự phát triển của internet, mạng xã hội dẫn đến những tác động văn hóa diễn ra nhanh hơn, sự tiếp thu thiếu chọn lọc thông tin có thể tạo ra những lệch chuẩn văn hóa xã hội, ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của người dân. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là truyền thống lịch sử, cách mạng, những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc ta trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu.

Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm di tích đình - đền - chùa - phủ Hưng Nghĩa, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) nơi còn lưu giữ được 17 đạo sắc phong.

Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm di tích đình - đền - chùa - phủ Hưng Nghĩa, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) nơi còn lưu giữ được 17 đạo sắc phong.

Từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" năm 1943 cho tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) đều nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, dân tộc. Tiếp tục kế thừa và phát triển tư duy lý luận về văn hóa, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định quan điểm: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”; “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Để phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam theo quan điểm của Đảng thì việc bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là tài sản vô giá, kết tinh những giá trị lao động, sáng tạo của cha ông để lại, gắn với đặc trưng văn hóa của mỗi địa phương. Và các di tích lịch sử - văn hóa trên mảnh đất Nghĩa Hưng - một huyện ven biển với phần lớn diện tích được khai khẩn, hình thành trong hai thế kỷ trở lại đây cũng không phải là ngoại lệ.

Nơi tôn vinh những danh nhân, anh hùng dân tộc

Đến nay, trên địa bàn huyện có 80 di tích trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 33 di tích đã được Nhà nước xếp hạng. Các di tích được xây dựng gắn liền với công cuộc khai khẩn đất đai, lập ấp, lập làng để hình thành nên mảnh đất Nghĩa Hưng, thờ các vị thánh, thần, danh tướng có công đánh giặc giữ nước, những danh nhân văn hóa, những người có công khẩn hoang, mở mang bờ cõi. Đó vừa là chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng, vừa thể hiện sâu sắc đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người dân Nghĩa Hưng.

Các di tích thờ các Anh hùng dân tộc, tiêu biểu như: Thờ Đức Thánh Trần (đền Hà Dương, xã Hoàng Nam; đền Tân Liêu, xã Nghĩa Sơn; đình Giáo Phòng, xã Nghĩa Hồng; đền Quần Lạc và đền Trần làng Thành An, xã Nghĩa Phong; đền Trần làng Thịnh Phú và đền Trần làng Thiên Bình, xã Nghĩa Bình; đền Trần làng Sĩ Hội, xã Nghĩa Hùng; đền Bình Lãng, xã Phúc Thắng); thờ Triệu Việt Vương (đền Liêu Hải, xã Nghĩa Trung; đền Bình Hải, xã Nghĩa Phú)… Đặc biệt, có nhiều di tích thờ những nhân vật có liên quan đến sự hình thành và phát triển của mảnh đất Nghĩa Hưng, thể hiện sự tôn kính, trân trọng của nhân dân nơi đây với những tấm gương sáng về sự nghiệp vẻ vang của các vị danh nhân văn hóa, có thể kể đến như: Thái úy Phạm Cự Lượng, tướng Đinh Lôi, Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị; các Tiến sĩ: Phạm Nguyên Bảo, Phạm Đạo Phú, Vũ Huy Trác, Doãn Khuê…

Nơi lưu giữ tư liệu lịch sử và bảo tồn nghệ thuật truyền thống

Chiếu theo Luật Di sản văn hóa, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng ngoài tiêu chí về công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc, danh nhân của đất nước còn là công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng; công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc có giá trị.

Mỗi một di tích đều có những ý nghĩa riêng, từ thời điểm hình thành và trải qua hàng trăm năm vẫn thể hiện rõ về một cộng đồng dân cư yêu nước, có tinh thần đoàn kết cao, là những minh chứng cho một thời kì lịch sử hào hùng vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách để lập ấp, lập làng, bảo vệ làng xã. Tiêu biểu là đền thờ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, xã Nghĩa Lâm, ở đây còn giữ được nguyên vẹn tấm bia lập trại Sĩ Lâm. Nội dung bia ghi lại việc trại Sĩ Lâm được lập vào năm Nhâm Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852); tổng đốc Nam Định đã cho phép công việc khai hoang lập ấp, Phạm Văn Nghị cùng với anh trai và 14 sĩ phu ở các nơi đứng ra tiếp tục công việc chiêu mộ dân nghèo về đây khai hoang; sau khi khẩn hoang lập trại họ được miễn sưu thuế trong vòng 23 năm; đặt ra các điều ước, lập đền thờ để con cháu ngày sau đời đời không được quên đi nguồn cội. Việc thành lập trại Sĩ Lâm đánh dấu công cuộc khẩn hoang, lập ấp đã thành công, hình thành nên khu vực trù phú của các xã khu vực miền hạ huyện Nghĩa Hưng ngày nay.

Lễ hội truyền thống làng Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh

Lễ hội truyền thống làng Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh

Các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng cũng là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Năm 1945 là nơi mở các trường dạy học để xóa nạn mù chữ cho nhân dân, tuyên truyền nếp sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu của chế độ cũ. Các di tích cũng là một trong những cơ sở cách mạng tin cậy để duy trì hoạt động và mở rộng phong trào cách mạng; là nơi được sử dụng làm kho chứa vật tư, kho chứa thóc ủng hộ kháng chiến; đồng thời là nơi tiễn đưa con em trong làng, trong xã lên đường tòng quân đánh giặc.

Di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng còn là nơi bảo tồn những công trình nghệ thuật, hệ thống thờ tự đặc sắc, quý giá, thể hiện sự kết tinh của bàn tay tài hoa và công sức do cha ông ta tạo nên để tôn thờ những vị Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa của quê hương, đất nước. Ngoài ra, các di tích còn lưu giữ được những bộ thần tích, thần phả hay những đạo sắc phong do triều đình các triều đại phong kiến ban tặng, là những hiện vật quý giá ghi lại công lao của các nhân vật lịch sử, nhất là ghi lại chính xác địa danh, đơn vị hành chính thời điểm được cấp sắc. Hiện nay, hầu hết các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện còn lưu giữ được các sắc phong. Đặc biệt, di tích đình, đền, chùa, phủ thôn Hưng Nghĩa, xã Nghĩa Thịnh là một trong số ít di tích còn lưu giữ được tới 17 sắc phong (trong đó có sắc phong niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670), niên hiệu Vĩnh Khánh 2 (1730) là những sắc phong rất quý giá còn được bảo tồn đến ngày nay).

Nơi phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, để tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống, sức mạnh con người Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn bó chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.

Giá trị văn hóa truyền thống chính là sự kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua dòng chảy lịch sử của quê hương, dân tộc, được truyền lại cho các thế hệ sau. Và một trong những nơi mà giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Nghĩa Hưng cũng như của dân tộc được thể hiện và phát huy rõ nét chính là qua các sự kiện, lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa. Một trong những lễ hội tiêu biểu là lễ hội làng Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 3 âm lịch. Ngoài các nghi thức tế, rước kiệu, trong 3 ngày tổ chức lễ hội có chương trình văn nghệ và các tích trò cổ diễn ra theo một quy trình khép kín; từ xay xát gạo, kéo dây lấy lửa đến giã bánh dày, thổi cơm thi, chăn cóc - róc mía đun nước cúng thần (theo tích khi tướng quân Đinh Lôi ra trận đã chỉ đạo quân lính vừa hành quân vừa thổi cơm để đảm bảo thời gian). Hội làng Hạ Kỳ còn giữ được nhiều nét riêng độc đáo, bởi tất cả các tích trò khi biểu diễn đều được gắn với diễn ca các làn điệu hát trống quân, cò lả, hát văn, hát chèo…

Trong thời đại ngày nay, các lễ hội truyền thống của cả nước nói chung cũng như tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng nói riêng ngày càng mang lại nhiều giá trị to lớn. Các lễ hội là dịp để những người con của quê hương Nghĩa Hưng ở khắp mọi miền Tổ quốc tìm về cội nguồn, thể hiện niềm tự hào về lịch sử truyền thống, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Từ đó, góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa dân tộc, giá trị nhân văn cao đẹp, ý thức cộng đồng vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của quê hương, đất nước.

Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện Nghĩa Hưng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ”. Việc quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa của huyện Nghĩa Hưng cũng đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, hiếu học của quê hương, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ quyết tâm học tập xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Vào những ngày lễ lớn của dân tộc, dịp lễ hội hoặc khai giảng, tổng kết năm học, các địa phương của huyện Nghĩa Hưng tổ chức dâng hương, giáo dục truyền thống tại các di tích. Các trường học đã đưa chương trình giáo dục lịch sử địa phương và tổ chức các hoạt động học tập ngoại khóa tìm hiểu về di tích, thân thế sự nghiệp của các vị đại khoa, danh nhân văn hóa của quê hương, dân tộc. Trong những ngày diễn ra lễ hội ở một số địa phương, cán bộ, nhân dân cùng con cháu các dòng họ thành kính làm lễ dâng hương, sau đó tuyên dương những cá nhân có thành tích học tập xuất sắc ngay tại di tích. Hiện nay, ở xã Nghĩa Thành có trường Trung học cơ sở mang tên Tiến sĩ Doãn Khuê. Đặc biệt, Quỹ khuyến học của huyện mang tên Phạm Văn Nghị được đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân Nghĩa Hưng ở khắp mọi miền Tổ quốc quan tâm đóng góp, ủng hộ; đến nay tổng vốn quỹ có khoảng 5 tỷ đồng; hàng năm, Quỹ vinh danh và trao thưởng khoảng 250 triệu đồng để động viên, khích lệ những giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, học tập và học sinh vượt khó vươn lên.

Như vậy, có thể nói việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng cũng như trên cả nước là nhiệm vụ của chiến lược phát triển văn hóa, trước hết vì hàm chứa các giá trị văn hóa cốt lõi của quốc gia, dân tộc, thực hiện chức năng giáo dục của văn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng và vun đắp tư tưởng, đạo đức, lối sống nhân văn của con người Việt Nam, đúng như mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Khải, (Văn phòng Huyện ủy Nghĩa Hưng)

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202408/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-ix-2024-huyen-nghia-hung-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-cac-di-san-van-hoa-theo-tinh-than-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-dbc04af/