Tài chính xanh vẫn gặp rào cản là khuôn khổ pháp lý

Tại Tọa đàm 'Hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) liên quan đến tài chính xanh' diễn ra ngày 15/7, TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, khung pháp lý chưa đồng bộ đang là rào cản trong phát triển tài chính xanh.

TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

Tọa đàm do Ủy ban Chính sách thuộc VNBA phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức diễn ra trong bối cảnh ngành ngân hàng thực hiện kế hoạch đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới theo Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 140/NQ-CP của Chính phủ.

Thiếu tiêu chí định lượng đối với khung pháp lý tín dụng xanh

Thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh là 20%/năm, cao hơn tăng trưởng tín dụng của toàn ngành kinh tế.

"Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đẩy mạnh huy động vốn phục vụ các hoạt động tín dụng xanh. Cụ thể, về phát hành trái phiếu ESG, BIDV, Vietcombank và một số TCTD khác đã rất tích cực triển khai, từ đó, có điều kiện triển khai cho các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, công trình xanh, nhà ở xã hội - góp phần lan tỏa các giá trị bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp", ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách (VNBA) cho biết.

Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách (VNBA).

Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách (VNBA).

Theo ông Trần Phương, khung pháp lý định lượng là yếu tố then chốt để giúp các TCTD và nhà đầu tư có cơ sở rõ ràng trong việc đánh giá, lựa chọn và giám sát các dự án xanh một cách hiệu quả. “Việc thiếu các tiêu chí cụ thể và có thể định lượng đang khiến các bên liên quan gặp khó trong việc xác định đâu là dự án thực sự xanh cũng như trong quá trình phân bổ nguồn vốn và quản trị rủi ro”, ông Trần Phương cho biết.

“Các ngân hàng đang gặp lúng túng trong việc phân loại, sàng lọc và lập báo cáo về tín dụng xanh, do thiếu tiêu chí định lượng cụ thể. Bên cạnh đó, hướng dẫn về quản lý rủi ro xã hội, một yêu cầu quan trọng trong đánh giá tín dụng xanh cũng chưa được ban hành, khiến các tổ chức tín dụng thiếu cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống quản trị rủi ro môi trường - xã hội đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế”, TS Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank cho biết.

Điều kiện vay vốn xanh quốc tế rất khắt khe

Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Theo TS Nguyễn Thu Hà, việc tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế rất khó khăn vì các điều kiện vay rất khắt khe, quy trình xét duyệt phức tạp và lãi suất không còn thực sự ưu đãi. Nếu cộng cả lãi suất và chi phí mà các TCTD phải bỏ ra để đáp ứng điều kiện kỹ thuật thì không thể có nguồn vốn rẻ cho các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

“Việc thiếu các cơ chế hỗ trợ như Quỹ bảo lãnh tín dụng xanh hay chính sách cấp bù lãi suất càng khiến các ngân hàng dè dặt khi tiếp nhận và triển khai nguồn vốn quốc tế vào các dự án nông nghiệp xanh, vốn có độ rủi ro cao và thiếu tài sản đảm bảo”, bà Nguyễn Thu Hà cho biết.

Từ những thực tế trên, đại diện một số ngân hàng đề xuất nhóm giải pháp quan trọng để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tín dụng xanh.

Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế ưu đãi tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng triển khai tín dụng xanh. Cụ thể, Nhà nước nên sớm ban hành hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định số 21 về phân loại dự án xanh; đồng thời áp dụng các chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động cho vay xanh.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế cấp bù lãi suất hoặc trợ cấp lãi suất để giảm chi phí vay cho các dự án nông nghiệp xanh, hữu cơ hoặc tuần hoàn; thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng xanh, giúp chia sẻ rủi ro và hỗ trợ ngân hàng mạnh dạn cho vay không tài sản đảm bảo với quy mô lớn hơn.

Thứ hai, cần có các chính sách khuyến khích rõ ràng đối với các TCTD tiên phong trong triển khai tín dụng xanh. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng xanh cao, từ đó tạo động lực tài chính thực chất để các ngân hàng chuyển hướng danh mục tín dụng theo hướng xanh hóa.

Thứ ba, NHNN cần sớm ban hành hướng dẫn về quản lý rủi ro xã hội trong cấp tín dụng. Việc xây dựng bộ tiêu chí rủi ro xã hội theo thông lệ quốc tế sẽ là nền tảng giúp các TCTD hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro môi trường - xã hội; đồng thời đáp ứng yêu cầu của các định chế tài chính quốc tế trong việc nhận vốn tài trợ và ủy thác đầu tư vào các dự án xanh.

Thứ tư, cần xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về đánh giá rủi ro môi trường, xã hội và có cơ chế, chính sách để các TCTD khai thác tối đa nguồn dữ liệu này.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Đảng, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề về tăng trưởng xanh. Mới đây ngày 4/7, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.

Thời gian qua, NHNN đã chủ động công bố Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng. Trong 10 năm trở lại đây, ngành ngân hàng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực về tăng trưởng xanh. Các TCTD cũng thực hiện rất nghiêm túc việc xanh hóa, giảm phát thải trong quá trình hoạt động như: Sử dụng năng lượng hiệu quả, áp dụng các biện pháp giảm rác thải tại nguồn, giảm lượng rác thải ra môi trường...

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, quá trình triển khai phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản. Một trong những rào cản lớn nhất hiện là khuôn khổ pháp lý vẫn chưa thật sự đồng bộ và hoàn thiện; đồng thời kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ.

Theo đó, đối với nguồn vốn ngân hàng là vốn tập trung, trong khi việc huy động nguồn lực tài chính cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 cần khoản đầu tư khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương 368 tỷ USD cho đến năm 2050 (theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới).

“Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực của kinh tế xanh”, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Bên cạnh đó, dữ liệu là công cụ hỗ trợ đắc lực cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, là “nguồn tài nguyên mới, một loại tài sản chiến lược” của Quốc gia, cần cơ chế, chính sách để khai thác tối đa nguồn dữ liệu này.

Minh Phương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tai-chinh-xanh-van-gap-rao-can-la-khuon-kho-phap-ly-20250715174552952.htm