Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững

Ngày 24-2-2016, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 405/QĐ-UBND, phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến nay, đề án mang lại hiệu quả thiết thực, sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng về giá trị. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, góp phần quan trọng nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.

Bài 1: Nâng cao giá trị sản xuất từ chuyển đổi đất lúa

Từ năm 2016 đến nay, Kiên Giang chuyển hàng trăm ngàn héc ta đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi này mang lại hiệu quả cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và giúp nông dân gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập.

Xác định chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giúp nông dân cải thiện thu nhập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Chủ trương chuyển đổi này được các địa phương, nhiều nông dân hưởng ứng.

TRỒNG CÂY CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO

Về huyện Giang Thành hôm nay, nhiều người nhận xét vùng biên giới giờ được điểm tô thêm sắc mới bởi những cánh đồng sen bát ngát. Những ruộng sen này là kết quả từ việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Đang cùng vợ thu hoạch gương sen, anh Trần Văn Thủy, ngụ ấp Cỏ Quen, xã Phú Lợi (Giang Thành) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa, do ruộng trũng nên thường bị ngập úng, mất mùa, thu nhập bấp bênh. Vốn đam mê trồng sen, tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng sen. Trồng sen tuy cực nhưng hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần trồng lúa”. Anh Thủy cho biết gia đình anh trồng sen chủ yếu thu hoạch, bán gương sen, năng suất bình quân 6 tấn/ha, giá bình quân 15.000 đồng/kg. Có thời điểm trúng giá, gương sen bán được từ 30.000-40.000 đồng/kg.

Theo UBND huyện Giang Thành, sen là một trong những cây trồng được huyện vận động, khuyến khích người dân trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Sen được người dân trồng ở những ruộng trũng không thích hợp trồng lúa do thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa. Ngoài sen, nông dân còn chọn một số rau màu và cây ăn trái như cam, quýt, xoài để trồng trên những vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Kết thúc giai đoạn 2016-2020 thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, diện tích trồng cây công nghiệp, cây ăn trái của tỉnh đạt 23.721ha, tăng 2.883ha so năm 2015. UBND tỉnh lý giải do phần lớn nông dân cải tạo vườn tạp và chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái nên diện tích cây ăn trái của tỉnh có xu hướng tăng. Cây ăn trái của tỉnh phát triển ngày càng ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhà vườn với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như xoài, sầu riêng, măng cụt, dừa, chuối. Một số nông dân cho biết trồng cây ăn trái cho thu nhập gấp 1,5-3 lần so canh tác lúa.

Ông Lê Văn Huệ, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao) trao đổi kỹ thuật trồng măng cụt với cán bộ khuyến nông huyện Gò Quao tại vườn măng cụt của gia đình ông.

Ông Lê Văn Huệ, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao) trao đổi kỹ thuật trồng măng cụt với cán bộ khuyến nông huyện Gò Quao tại vườn măng cụt của gia đình ông.

Gia đình ông Lê Văn Huệ, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao) là một trong những hộ “sống khỏe” nhờ trồng cây ăn trái nhiều năm qua. Theo ông Huệ, nhận thấy diện tích đất của gia đình trước đây trũng, dễ bị ngập úng, trồng lúa không hiệu quả nên ông mạnh dạn lên liếp trồng cây ăn trái và một số cây khác. Khu vườn của ông đem lại cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Các loại cây trồng được ông trồng nhiều năm qua là khóm, mía, tiêu, măng cụt.

PHÁ THẾ ĐỘC CANH CÂY LÚA

Sau nhiều tháng khoai môn rớt giá và khó tiêu thụ do ảnh hưởng dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022, nhiều nông dân xã Kiên Bình (Kiên Lương) khôi phục lại diện tích khoai môn, tiếp tục trồng luân canh khoai môn - lúa. Thời gian qua, khoai môn giúp nhiều nông dân cải thiện thu nhập so với độc canh cây lúa. Đồng chí Trần Bình Trọng - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương cho biết mô hình luân canh lúa - khoai môn là mô hình nổi bật trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của huyện. Mô hình này đã tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích 150-200 triệu đồng/ha/năm.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua, Kiên Lương còn chuyển đổi đất lung trũng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam, mít, mãng cầu ta. Một số diện tích được nông dân kết hợp trồng lúa với nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đem lại thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm, nếu độc canh cây lúa chỉ 20-30 triệu đồng/ha/năm.

Phá thế độc canh cây lúa, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa nhằm tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất được Kiên Giang thực hiện những năm qua trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, tình trạng thiếu nước tưới và mặn lấn sâu vào nội đồng. Tỉnh có chủ trương đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa, tập trung phát triển rau màu ngắn ngày vụ xuân hè hàng năm như bắp, mè, đậu nành, dưa lê, dưa hấu, khoai lang, sen. Tại huyện Giang Thành, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020, huyện chuyển đổi đất trồng lúa sang luân canh rau màu theo vụ 2 lúa - 1 màu, 1 lúa - 1 màu và đã hình thành một số mô hình có hiệu quả, phù hợp thổ nhưỡng. UBND huyện đánh giá các mô hình trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 2-4 lần so trồng lúa.

Mỗi khi có dịp đi công tác các huyện vùng U Minh Thượng, chúng tôi thường được nghe câu chuyện về những nông dân làm giàu từ mô hình “con tôm ôm cây lúa”. So với trước đây khi độc canh cây lúa, việc chuyển sang nuôi tôm - lúa giúp người dân tăng lợi nhuận gấp 2-3 lần. Nhờ thực hiện mô hình này, nhiều gia đình đã đổi đời, xây dựng nhà khang trang, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Kết thúc giai đoạn 2016-2020 thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Kiên Giang chuyển đổi được 32.864ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản; trong đó, 10.290ha thực hiện mô hình tôm - lúa, 940ha cây hàng năm và 15.524ha lúa mùa chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Đó là nhờ tỉnh chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả hoặc không đảm bảo nguồn nước tưới sang thực hiện mô hình luân canh tôm - lúa, tập trung vùng U Minh Thượng và tứ giác Long Xuyên. Từ khi chuyển đổi, nông dân không còn phải “gồng mình” chống chọi với mặn xâm nhập để sản xuất lúa trong mùa nắng hạn. Vụ lúa thường được nông dân gieo cấy trong các tháng mùa mưa, từ tháng 8 năm trước đến tháng 1 năm sau. Đến đầu năm sẽ thu hoạch, đưa nước mặn vào nuôi tôm. Ngay cả khi có lúa, nông dân vẫn có thể nuôi được tôm trong ruộng. Mô hình luân canh tôm - lúa mang lại cho nông dân từ thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha lên 100-130 triệu đồng/ha.

Chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc nuôi trồng thủy sản qua thực tế triển khai đã khẳng định là một chủ trương đúng. Việc chuyển đổi này góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng đất sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng năng suất cây trồng và nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chuyển đổi phải bảo đảm đúng quy hoạch, tránh tình trạng tự phát và phát triển ồ ạt ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm dẫn đến điệp khúc “trồng, chặt”.

Bài và ảnh: TÚ LY

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//phong-su-ghi-chep/tai-co-cau-nong-nghiep-de-phat-trien-ben-vung-8985.html