Tái diễn san ủi đất lâm nghiệp ở Yên Bài
Những tưởng sau hàng loạt vụ việc bị xử lý, tình trạng xâm hại đất lâm nghiệp tại xã Yên Bài (thành phố Hà Nội) sẽ được kiểm soát, song mới đây, một vụ san gạt trái phép trên diện tích hàng nghìn mét vuông đất quy hoạch rừng sản xuất tại thôn Việt Yên, xã Yên Bài bị phát hiện.
Điều này cho thấy, thực trạng vi phạm đang có dấu hiệu tái diễn với phương thức ngày càng tinh vi trong khi công tác kiểm tra, xử lý vẫn còn lúng túng và thiếu kiên quyết.

Đồi Ba Vành ở thôn Việt Yên, xã Yên Bài bị san gạt trái phép. Ảnh: Đức Duy
San gạt quy mô lớn, không phép
Ngày 25-6, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội nhận được phản ánh của dư luận về tình trạng san gạt đất quy hoạch lâm nghiệp ở khu vực đồi Ba Vành, thôn Việt Yên, xã Yên Bài (thành phố Hà Nội).
Vào cuộc kiểm tra, cơ quan chức năng của Sở ghi nhận tại hiện trường có 4 máy múc, 1 máy ủi đã dừng hoạt động; khu đất bị san gạt trên diện tích rất lớn. Cụ thể, khu vực bị san gạt nằm tại lô 45, khoảnh 2, tiểu khu 9709, rừng sản xuất, thuộc bản đồ kiểm kê hiện trạng rừng năm 2015 và Quyết định số 1083/QĐ-UBND ngày 27-2-2025 của UBND thành phố Hà Nội. Kết quả đo đạc cho thấy đã có hơn 7.900m² đất bị san gạt, gồm khu đỉnh đồi rộng khoảng 1.200m² và hai tuyến đường băng có tổng diện tích gần 6.800m²...
Theo trình bày của ông Trần Quang Thắng (người được thuê trông nom thửa đất) thì ông chỉ đang "dọn đất để trồng cây". Khu đất này vốn được Nông trường Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ giao khoán cho ông Nguyễn Huy San từ năm 2000 theo Hợp đồng số 206/HĐK, với diện tích hơn 23.000m² để sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, mảnh đất này sau đó được chuyển nhượng qua nhiều người nhưng thiếu minh bạch về pháp lý, đặc biệt là hành vi san gạt không phép cho thấy đây không đơn thuần là hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, có thể thấy, việc sử dụng đất tại khu vực nói trên tồn tại nhiều điểm bất thường. Cụ thể, người đứng tên hợp đồng giao khoán ban đầu là ông Nguyễn Huy San (xã Yên Bài) nhưng nay đất lại do bà Nguyễn Thị Đại (phường Thanh Xuân) sử dụng, thông qua người trông nom là ông Trần Quang Thắng. Đặc biệt, theo kiểm tra ban đầu của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và xã Yên Bài, không có bất kỳ tài liệu nào chứng minh việc chuyển nhượng này là hợp pháp...
Đáng chú ý, việc san gạt được tiến hành bằng máy móc hạng nặng với khối lượng lớn, làm biến dạng địa hình, song chủ sử dụng đất không xuất trình được bất cứ giấy phép nào từ cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, vi phạm diễn ra đúng thời điểm chuẩn bị sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã khiến dư luận đặt nghi vấn về việc cố tình “tranh thủ” giai đoạn chuyển tiếp...
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, đây không phải lần đầu tiên tại xã Yên Bài xảy ra tình trạng này. Trước đó, nhiều khu đất rừng được sang tay, san ủi, biến thành biệt thự nghỉ dưỡng, nhưng việc xử lý của chính quyền địa phương thường chỉ dừng ở lập biên bản vi phạm mà thiếu biện pháp, chế tài đủ mạnh để răn đe.
Siết chặt kỷ cương, chặn vi phạm từ gốc
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm, dù việc san gạt này chưa gây thiệt hại đến rừng, nhưng hành vi tự ý can thiệp vào hiện trạng đất quy hoạch rừng sản xuất là vi phạm pháp luật. Theo Luật Lâm nghiệp 2017, việc cải tạo, san gạt đất rừng, dù không phá rừng, cũng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Hơn nữa, Luật Đất đai cũng quy định rõ việc thay đổi hiện trạng đất phải có sự chấp thuận bằng văn bản của chính quyền địa phương.
Trong vụ việc này, trách nhiệm trước hết thuộc về người sử dụng đất và những người trực tiếp tổ chức san gạt mà không được cấp phép; đồng thời, cũng cần xem xét đến trách nhiệm giám sát, quản lý địa bàn của chính quyền xã Yên Bài và Hạt Kiểm lâm số 6. Dù tổ công tác đã kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu dừng san gạt, song sự việc chỉ bị phát hiện sau khi dư luận phản ánh, cho thấy dấu hiệu buông lỏng quản lý và thiếu sự chủ động kiểm tra thường xuyên của chính quyền địa phương cũng như lực lượng chức năng tại những điểm nhạy cảm về đất rừng.
Yên Bài là địa bàn giàu tiềm năng về sinh thái, cảnh quan, đồng thời cũng là “điểm nóng” về vi phạm đất rừng trong nhiều năm qua. Sự buông lỏng trong quản lý, đặc biệt trong giai đoạn chuyển giao giữa các cấp chính quyền dễ tạo ra "kẽ hở" để một số đối tượng trục lợi.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, cần sớm có giải pháp tổng thể và kiên quyết hơn nhằm siết chặt kỷ cương, ngăn chặn vi phạm từ gốc. Trước hết, chính quyền địa phương cần công khai hiện trạng sử dụng đất rừng, công bố bản đồ quy hoạch cho người dân được biết; tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên tại các khu vực có nguy cơ cao, thiết lập cơ chế tiếp nhận phản ánh từ người dân để phát hiện vi phạm sớm, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi cố tình vi phạm, không để tồn tại "vùng cấm".
Mặt khác, chính quyền các cấp cũng cần xem xét lại cơ chế giao khoán đất rừng theo Nghị định số 01‑CP ngày 4-1-1995 của Chính phủ quy định việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp nhà nước, vốn đã thực hiện từ hơn 20 năm trước. Nhiều diện tích rừng đã bị chuyển nhượng lòng vòng, thiếu hồ sơ pháp lý rõ ràng, tạo ra khoảng trống trong kiểm soát, dễ bị biến tướng thành hoạt động đầu cơ, phân lô, xây dựng trái phép.
Vụ san gạt đất lâm nghiệp ở xã Yên Bài là hồi chuông cảnh báo cho toàn bộ hệ thống quản lý đất lâm nghiệp ở thành phố Hà Nội. Nếu không có biện pháp đủ mạnh thì không chỉ tài nguyên rừng bị xâm hại mà còn tạo tiền lệ xấu, khuyến khích các hành vi lách luật, hợp thức hóa sai phạm...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tai-dien-san-ui-dat-lam-nghiep-o-yen-bai-709004.html