Tài liệu lưu trữ về quan hệ truyền thống Việt Nam - Liên bang Nga

Sách 'Việt Nam - Liên Xô: Giai đoạn đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam. Hội nghị Paris' tô thắm tinh thêm thần đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam - Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay).

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/1/1950, mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay luôn vững bền theo năm tháng, ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực.

Nhân dịp Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19 đến 20/6/2024 theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho ra mắt cuốn sách Việt Nam - Liên Xô: Giai đoạn đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam. Hội nghị Paris.

Cuốn sách là kết quả hợp tác giữa Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam và Lưu trữ quốc gia Liên bang Nga trong thời gian qua và là minh chứng cho quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Liên Xô, góp phần khẳng định thêm mối quan hệ chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay).

Việt Nam - Liên Xô: Giai đoạn đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam. Hội nghị Paris viết về quá trình đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã trở thành chủ đề, tâm điểm của nhiều diễn đàn, dư luận trong nước và thế giới.

Cuốn sách giới thiệu gần 200 tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam, được khảo sát, tổng hợp, lựa chọn, biên soạn để xuất bản từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau: Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Lưu trữ Bộ Ngoại giao, Thông tấn xã Việt Nam, gia đình Đại sứ Hà Văn Lâu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Nội dung sách được bố cục gồm 3 phần: Phần 1 “Việt Nam - Liên Xô và những nỗ lực hòa bình trước Hội nghị Parisgiới thiệu các tài liệu đề cập đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay); về các chính sách, giải pháp hòa bình của Liên bang Xô viết; quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; sự ủng hộ chí tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; những nỗ lực của Chính phủ Liên bang Xô viết trong quá trình đàm phán với Chính phủ Mỹ về những giải pháp hòa bình cho vấn đề Việt Nam…

Phần 2, Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử và sự ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam, giới thiệu các tài liệu phản ánh chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh; các cuộc gặp riêng, các cuộc hội đàm chung từ khi chỉ có hai phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Mỹ cho tới khi có sự hiện diện của Chính phủ Lâm thời Cách mạng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên bàn đàm phán bốn bên.

Đặc biệt, phần này giới thiệu những tài liệu phản ánh vai trò của phía Chính phủ Liên Xô trong cuộc hội đàm lịch sử này; quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, tình đoàn kết quốc tế trong sáng và sự ủng hộ chí tình của nhân dân Liên Xô và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới...

Phần 3 Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, giới thiệu tài liệu đề cập đến thắng lợi của Hội nghị Paris và Hiệp định Paris được ký kết cùng sự bảo đảm của Định ước Hội nghị quốc tế về Việt Nam được 12 quốc gia trên thế giới ký ngày 02/3/1973 dưới sự chứng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Phần này cũng giới thiệu các tài liệu về cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân dân Việt Nam để yêu cầu các bên thực thi Hiệp định Paris; tinh thần, ý chí quyết tâm, không quản ngại khó khăn, hy sinh, gian khổ để đi đến thắng lợi trọn vẹn, thống nhất nước nhà của dân tộc Việt Nam.

Việt Nam - Liên Xô: Giai đoạn đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam. Hội nghị Paris được thể hiện bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Nga, hướng đến tinh thần đoàn kết, hữu nghị cũng như phục vụ cho nhu cầu đọc của độc giả hai nước và các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài khác.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-lieu-luu-tru-ve-quan-he-truyen-thong-viet-nam-lien-bang-nga-post1481908.html