Tại sao Bộ Tài chính đề xuất không giảm 50% phí trước bạ ô tô?

Bộ Tài chính đề xuất không thực hiện giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước sau khi phân tích các ưu nhược điểm của việc này…

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án cho việc thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, sản xuất, lắp ráp trong nước lần thứ 4.

Tại văn bản gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định dự án Nghị định thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi trình Chính phủ, Bộ Tài chính cho hay, về cơ bản, ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương nhất trí với dự thảo Nghị định.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương có ý kiến lo ngại về vi phạm cam kết quốc tế. Theo đó, việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang, cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Bàn về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, đã đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc vi phạm các cam kết quốc tế và đề xuất 2 phương án:

Theo đó, phương án 1 sẽ cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; phương án 2, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023.

Sau khi phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1, cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trước đó, tại công văn gửi các bộ, ngành, cơ quan liên quan xin ý kiến về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính cũng đã chia sẻ nhiều băn khoăn, trong đó là nỗi lo về tác động đối với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cụ thể, chính sách thuế, phí, lệ phí hiện được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Việc thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các FTA.

Bộ Tài chính cho hay, thời gian qua Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu từ quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.

Bộ này cũng cho biết, phía Việt Nam đã giải thích lý do ban hành biện pháp này là để giúp các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước vượt qua khó khăn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Đây là biện pháp tạm thời, chỉ thực hiện trong 6 tháng và hết hiệu lực vào tháng 12/2023.

Đối với việc tiếp tục gia hạn thực hiện chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính thẳng thắn nhìn nhận biện pháp này được đánh giá là vi phạm cam kết về hàng hóa giữa các quốc gia với nhau, không thuộc trường hợp tranh chấp giữa nhà đầu tư và một quốc gia.

Theo đó, khả năng khiếu nại, khiếu kiện là có thể xảy ra nhưng được đánh giá là không quá căng thẳng. Việc khiếu kiện chỉ nhằm mục đích chấm dứt các biện pháp đang được áp dụng.

Trên thực tế, khi thực hiện giảm lệ phí trước bạ, Việt Nam chỉ nhận được yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho rằng, việc giảm lệ phí trước bạ giúp doanh số các loại xe xăng, xe chạy dầu trong nước tăng là tất yếu. Nhưng điều này có khả năng đi ngược với xu hướng "xanh hóa" phương tiện giao thông đã được đề ra.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có 3 lần giảm LPTB với xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước (gồm năm 2020, năm 2021 và năm 2023). Mỗi lần giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước kéo dài 6 tháng.

Trong những ngày qua, khá nhiều người mua xe đang có tâm lý chờ đợi giờ G (1/8) để được giảm 50% lệ phí trước bạ như đề xuất của Bộ Tài chính trước đó, thậm chí nhiều người tranh thủ “đặt cọc” mua xe chờ Nghị định thông qua để được hưởng ưu đãi kép.

"Tôi cho rằng, nhu cầu tiêu dùng ô tô phụ thuộc rất nhiều yếu tố và có những biến động. Do đó, nếu được giảm thuế trước bạ, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên. Chính sách hỗ trợ được ban hành sẽ giúp người dân tiếp cận mức giá tốt, kích thích mua sắm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ ô tô đang có xu hướng sụt giảm mạnh" - Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam chia sẻ.

Thực tế cho thấy, kinh tế khó khăn khiến sức mua giảm là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc cho các hãng xe và đại lý đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi lớn, giảm tiền mặt trực tiếp vào giá bán để kích cầu. Có nhiều mẫu ô tô từ xe sang đến bình dân, được giảm từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng. Vậy nhưng, doanh số bán vẫn tăng trưởng âm, thị trường ô tô vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Sản lượng của hầu hết các mẫu ô tô sản xuất lắp ráp đều giảm mạnh

Từ những lần trước, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số.

Quỳnh Chi

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tai-sao-bo-tai-chinh-de-xuat-khong-giam-50-phi-truoc-ba-o-to-204241807055020865.htm