Tại sao các cơ quan vũ trụ chạy đua tới cực nam của Mặt trăng?
Băng nước có thể là một trong những tài nguyên có giá trị nhất của Mặt trăng. Nhiều cơ quan và công ty tư nhân nghiên cứu về vũ trụ coi băng nước là chìa khóa để chinh phục Mặt trăng và thậm chí là sứ mệnh lên sao Hỏa.
Cơ quan vũ trụ của Ấn Độ đang nỗ lực đưa một tàu vũ trụ hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng. Đây được coi là sứ mệnh có khả năng thúc đẩy tham vọng chinh phục không gian của Ấn Độ và mở rộng tri thức về băng nước trên Mặt trăng.
Băng nước có thể là một trong những tài nguyên có giá trị nhất của Mặt trăng. Nhiều cơ quan và công ty tư nhân nghiên cứu về vũ trụ coi băng nước là chìa khóa để chinh phục Mặt trăng và thậm chí là sứ mệnh lên sao Hỏa.
Các nhà khoa học đã phát hiện nước trên Mặt trăng như thế nào?
Ngay từ những năm 1960, trước khi tàu Apollo lần đầu đáp xuống Mặt trăng, các nhà khoa học đã suy đoán nước có thể tồn tại trên Mặt trăng.
Các mẫu vật mà các phi hành đoàn trên tàu Apollo gửi lại để phân tích vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 dường như đã bị khô.
Năm 2008, các nhà nghiên cứu của Đại học Brown (Mỹ) đã nghiên cứu lại các mẫu vật nêu trên bằng công nghệ mới và tìm thấy hydro bên trong các hạt rất nhỏ của thủy tinh núi lửa.
Năm 2009, một thiết bị của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trên tàu thăm dò Chandrayaan-1 của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã phát hiện nước trên bề mặt của Mặt trăng.
Cũng trong năm đó, một tàu thăm dò khác của NASA tại cực nam của Mặt trăng đã phát hiện băng nước bên dưới bề mặt của Mặt trăng.
Trước đó, tàu thăm dò Lunar Prospector 1998 đã tìm thấy bằng chứng cho thấy mật độ băng nước cao nhất là ở các hố phễu bị che khuất ở cực nam của Mặt trăng.
Vì sao nước trên Mặt trăng lại quan trọng?
Nước có thể cung cấp cho các nhà khoa học "hồ sơ" về các núi lửa trên Mặt trăng, vật chất mà sao Chổi và các tiểu hành tinh mang đến cho Trái đất, cũng như nguồn gốc của các đại dương.
Nếu tồn tại với số lượng đủ thì băng nước có thể sẽ là nguồn nước uống phục vụ sứ mệnh khám phá Mặt trăng và giúp làm mát thiết bị.
Băng nước cũng có thể được phân hủy để tạo ra hydro làm nhiên liệu và oxy để thở, hỗ trợ các sứ mệnh lên sao Hỏa hoặc khai thác tài nguyên của Mặt trăng.
Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967 của Liên hợp quốc cấm tất cả các quốc gia tuyên bố quyền sở hữu đối với Mặt trăng. Tuy nhiên, Hiệp ước này không có điều khoản ngăn chặn các hoạt động thương mại trong không gian vũ trụ.
Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu, cam kết tuân thủ các nguyên tắc như minh bạch và tôn trọng các hiệp ước hiện có về sử dụng không gian. Đến nay, có 27 bên đã tham gia Hiệp định này.
Điều gì khiến cực nam của Mặt trăng đặc biệt phức tạp?
Trong nhiều năm qua, không ít nỗ lực hạ cánh xuống Mặt trăng đã bị thất bại. Mới đây, trong thông báo đưa ra ngày 20/8, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Nga Roscosmos cho biết, tàu thăm dò Luna-25 đã bị mất kiểm soát và đâm vào Mặt trăng.
Nằm cách xa khu vực xích đạo, cực nam của Mặt trăng là nơi có nhiều hố phễu và rãnh sâu. Đây là đích đến của nhiều sứ mệnh khám phá Mặt trăng trước đây.
Tàu thám hiểm Chandrayaan-3 của Ấn Độ dự kiến hạ cánh xuống bề mặt của Mặt trăng vào khoảng 18 giờ ngày 23/8 tới (theo giờ địa phương).
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã lên kế hoạch cho các sứ mệnh tới cực nam của Mặt trăng.