Tại sao người nhập cư bắt đầu xa rời nước Đức?
Dựa trên một cuộc khảo sát 50.000 người nhập cư đến Đức trong độ tuổi từ 18 đến 65, nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ bốn người thì có một người đang cân nhắc việc rời đi.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nước Đức hứa hẹn cơ hội và sự ổn định nhưng nhiều người nhập cư cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội. Khi nhiều người nhập cư cân nhắc việc rời khỏi Đức, câu chuyện của họ không chỉ cho thấy những lỗ hổng chính sách mà còn chỉ ra nhu cầu thay đổi xã hội sâu sắc hơn.
"Mọi thứ đưa tôi đến Đức giờ đã không còn nữa, và đến một lúc nào đó tôi nghĩ, thế là đủ, tôi không muốn con mình sau này lớn lên ở đất nước này"- Giannis N., người không muốn tiết lộ họ của mình, đã rời đảo Samos của Hy Lạp ở tuổi 18 để đến Đức học kỹ thuật dân dụng. Anh bị cuốn hút bởi nước Đức nổi tiếng về cung cấp các cơ hội bình đẳng và bảo vệ công lý xã hội.
Năm 2020, với tấm bằng Thạc sỹ trong tay, anh quyết định trở về quê hương sau 16 năm.
Anh từng làm việc tại thành phố Essen ở phía Tây nước Đức với vai trò là quản lý dự án trong khu vực tư nhân và sau đó là kỹ sư xây dựng cầu trong khu vực công, rồi cuối cùng thử vận may với kinh doanh tự do.
"Tôi đã làm mọi thứ có thể để xây dựng cuộc sống ở Đức, nhưng tôi liên tục gặp phải rào cản", người đàn ông hiện 39 tuổi này nói với DW.
Anh nhớ lại một câu chuyện nhớ đời: "Lúc đó tôi đang làm việc tại một công trường xây dựng và khách hàng từ chối thanh toán hóa đơn cuối cùng — hơn 100.000 euro", anh kể. "Câu trả lời của khách hàng này là: 'Tôi sẽ không để anh làm giàu tại nước Đức này đâu.'"
Giannis cho biết đó là một biểu hiện phẫn nộ rõ ràng đối với xuất thân nước ngoài của anh.
Đối với anh, chính cảm giác không bao giờ thực sự được chấp nhận đã khiến anh rời khỏi Đức. Giannis cuối cùng đã rời bỏ Đức sau khi nhận ra rằng, dù anh có hội nhập tốt đến đâu, anh vẫn luôn bị coi là "người Hy Lạp."
"Khi ở trường học thì bạn bị coi là người Hy Lạp lười biếng, khi ở nơi làm việc thì bạn bị gán cho là người Hy Lạp tham nhũng. Tôi tự hào là người Hy Lạp - nhưng cuối cùng, tư duy của người khác về tôi trở nên độc hại đối với tôi," anh nói.
25% người nhập cư nghĩ đến việc rời khỏi Đức
Những rào cản mà Giannis N. phải đối mặt ở Đức được phản ánh trong một nghiên cứu mới do Viện Nghiên cứu Việc làm Đức công bố.
Dựa trên một cuộc khảo sát 50.000 người nhập cư đến Đức trong độ tuổi từ 18 đến 65, nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ bốn người thì có một người đang cân nhắc việc rời đi. Những người xin tị nạn, những người chưa được công nhận là thường trú nhân tại Đức, không thuộc đối tượng của nghiên cứu này.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 12/2024 đến tháng 4/2025, cho thấy những người có khả năng rời đi cao nhất là những người có trình độ học vấn cao, thành đạt và hội nhập tốt - lại chính là những người mà nước Đức cần nhất.
Theo nghiên cứu, ý định di cư ra khỏi Đức là "kết quả của sự tương tác phức tạp giữa các đặc điểm cá nhân, hòa nhập xã hội, lý do kinh tế và sự chấp nhận của xã hội."
Những người trả lời cũng nêu lý do muốn rời đi là gia đình, bất mãn về chính trị, thuế cao và thủ tục hành chính.
Hơn một phần tư số người sống ở Đức có xuất thân nước ngoài. Chỉ tính riêng từ năm 2015, đã có khoảng 6,5 triệu người đến nước này, chủ yếu là người Syria và Ukraine.
Nếu không có tiếng Đức, bạn sẽ sống 'như bóng ma'
Utku Sen, một kỹ sư an ninh mạng 33 tuổi, rời Đức sau ba năm - cũng vì cảm giác bị gạt ra bên lề xã hội tương tự.
Mô tả năm đầu tiên ở Berlin là "tuần trăng mật", Sen nói với DW rằng sau đó anh nhận ra cuộc sống khó khăn như thế nào đối với một người mới đến mà không có kỹ năng tiếng Đức vững chắc.
"Là một người Thổ Nhĩ Kỳ, tôi luôn cảm thấy mình như một công dân hạng hai. Tôi nghĩ rằng việc trở thành một phần của cộng đồng người Đức sẽ mất hàng thập kỷ - có lẽ điều đó sẽ không bao giờ xảy ra," anh nói.
Ngay sau khi đăng một video trên YouTube bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ về sự phân biệt đối xử hàng ngày ở Đức - thu hút gần nửa triệu lượt xem - Sen đã chuyển đến London.
Trong video, anh so sánh cuộc sống ở Đức với nhân vật mà diễn viên Bruce Willis đóng trong phim "The Sixth Sense" (Giác quan thứ sáu):
"Có một cuộc sống ngoài kia tách biệt với bạn, và bạn không thuộc về nó. Bạn lang thang quanh nó như một bóng ma. Những người khác thậm chí còn không biết rằng bạn tồn tại, và bạn cũng không thể kết nối với họ," anh nói.
Sen cho biết khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh giúp cuộc sống của anh ở London dễ dàng hơn nhiều.
"Không giống như Đức, người Anh nói chung cởi mở và chấp nhận người nước ngoài và các nền văn hóa khác biệt hơn. Tôi chưa từng trải qua bất kỳ sự phân biệt đối xử nào ở đây. Điều này khiến tôi cảm thấy mình là một phần của xã hội và ngày càng yêu thích xã hội này hơn," anh kể.
Tiếng Đức lưu loát cũng không phải tất cả
Theo Kalina Velikova đến từ Bulgaria, ngay cả khi nói trôi chảy ngôn ngữ này cũng không nhất thiết phá vỡ được rào cản ở Đức.
Velikova, 35 tuổi, đã dành chín năm ở Bonn để học tập và làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội, cho biết lần đầu tiên cô cảm thấy bị xa lánh trong những năm học đại học - mặc dù nói tiếng Đức hoàn hảo.
"Tôi sẽ không bao giờ quên phải mất bao lâu mọi người mới chấp nhận tôi - ngay kể cả là bạn học. Có nói chuyện với ai đó thì ngày hôm sau, họ cũng hành xử như thể chưa từng biết mình. Điều đó không xảy ra ở quê hương tôi," cô nói.
Theo thời gian, cảm giác xa cách xã hội liên tục bắt đầu ảnh hưởng đến cô.
"Tôi bắt đầu thấy lạnh hơn. Tôi cảm thấy như mình bị dị ứng với nước Đức — và tôi không muốn điều đó."
Năm 2021, Velikova rời Bonn quay lại Sofia, nơi cô hiện làm quản lý dự án.
"Tất nhiên, ở đây cũng có những khó khăn hàng ngày," cô nói. "Nhưng nhìn chung, chất lượng cuộc sống của tôi đã được cải thiện - mặc dù tôi kiếm được ít tiền hơn và làm nhiều hơn."
Đức: Đi trên dây“ trong vấn đề nhập cư
Đối với nhà kinh tế Christian Dustmann, Giám đốc Viện Rockwool Foundation về Kinh tế và Tương lai Công việc tại Berlin, ngôn ngữ vẫn là yếu tố chính trong quá trình hội nhập. Ông nhấn mạnh rằng việc học tiếng Đức là điều cần thiết - không chỉ đối với thị trường lao động và doanh nghiệp, mà còn đối với chính những người di cư.
Đồng thời, Dustmann lập luận cũng không chỉ có Đức mới có nhận thức không hoan nghênh người nhập cư.
"Nếu bạn thực hiện [cuộc khảo sát] trên ở Vương quốc Anh, phản hồi có lẽ sẽ không khác mấy so với những gì bạn thấy ở Đức," ông nói.
Ông Dustmann cũng lưu ý rằng một quốc gia càng tiếp nhận nhiều người nhập cư thì dân cư tại đó càng lo ngại.
"Điều đó có thể khiến hình thành một nền văn hóa không chào đón người nhập cư," ông nói.
Một nghiên cứu năm 2024 của Quỹ Bertelsmann phát hiện ra rằng mối quan tâm của công chúng về vấn đề nhập cư ở Đức đang gia tăng - một xu hướng phản ánh sự ủng hộ ngày càng tăng đối với đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), đảng này đã lợi dụng nỗi lo về vấn đề nhập cư trong cuộc bầu cử tháng 2/2025 ở Đức để trở thành đảng mạnh thứ hai.
Nhiều người dân Đức ngày càng lo lắng về những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn của việc nhiều người di cư đến Đức, chẳng hạn như chi phí tăng cao cho nhà nước phúc lợi, tình trạng thiếu nhà ở tại các khu vực thành thị và những thách thức ngày càng tăng trong hệ thống trường học.
Theo quan điểm của ông Dustmann, "chính trị phải đi trên một ranh giới rất mong manh - giữa việc không làm quá tải dân số thường trú - điều cũng tạo thêm không gian cho các đảng dân túy cánh hữu, và đồng thời chào đón những người mới đến - là một phần quan trọng của nền kinh tế và xã hội."

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Berlin (Đức). (Ảnh: THX/TTXVN)
Cần có sự thay đổi về nhận thức xã hội
Trong khi chính trị phải cân bằng giữa sự gắn kết xã hội và sự cởi mở, Anastasios Penolidis tin rằng sự thay đổi thực sự phải diễn ra sâu sắc hơn.
Anh Anastasios Penolidis, một người quản lý trại tị nạn, đã chuyển đến Đức cách đây bảy năm, cho biết việc giáo dục toàn xã hội là điều cần thiết để giải quyết những thách thức mà người di cư phải đối mặt.
"Cần có các giải pháp giáo dục chính trị và xã hội, các thể chế mới để chống lại các hiện tượng như phân biệt chủng tộc và giảm thuế cho người thu nhập thấp," anh nói, liệt kê những gì cho là cần thiết.
Anh Penolidis nói thêm rằng anh làm việc hầu như không đủ sống, mặc dù cả anh và bạn gái đều làm việc toàn thời gian. Anh chỉ trích mức thuế cao đối với những người chưa lập gia đình và không có con, gọi đó là bất công và làm giảm động lực.
Người đàn ông 33 tuổi này cho biết gần đây anh đã cân nhắc quay trở lại Hy Lạp, coi chính sách thuế và nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống mà anh vẫn phải đối mặt là những mối lo ngại lớn.
Tuy nhiên, anh Penolidis không phải đã hết hy vọng. Nếu có sự thay đổi có ý nghĩa, anh cho biết anh muốn ở lại Đức và lập gia đình.
Với anh, tương lai đó không chỉ phụ thuộc vào các chính sách tốt hơn mà còn phụ thuộc vào sự thay đổi sâu sắc trong cách nhìn nhận và hỗ trợ của xã hội Đức đối với những người chọn nơi này làm quê hương thứ hai./.