'Tấm áo đẹp sang trọng' làm tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm OCOP
Các sản phẩm OCOP phải nêu được giá trị đặc trưng của văn hóa địa phương, văn hóa truyền thống mỗi vùng miền vào trong câu chuyện sản phẩm mới tạo ra sự tò mò, hình thành nhu cầu của các đối tác nhập khẩu.
Tính đến tháng 7/2025, cả nước đã có 17.068 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 9.195 chủ thể OCOP. Trong đó 126 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia và nhiều sản phẩm OCOP đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.
Sản phẩm OCOP muốn bán đắt cũng không phải dễ
Sản phẩm tiêu chuẩn OCOP đang tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn có truy xuất nguồn gốc và nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu hướng đến cả những thị trường khó tính.

Nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng
Tuy vậy, theo ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, do sản phẩm OCOP Việt Nam chỉ có quy mô rất nhỏ, lại phụ thuộc vào mùa vụ, thổ nhưỡng từng địa phương nên không thể có sản lượng lớn cho xuất khẩu số lượng lớn. Hơn nữa, vì sản phẩm OCOP mang tính hữu hạn kết hợp yếu tố độc lạ nên giá bán phải đắt.
“Sản phẩm OCOP Việt Nam hiện nay muốn bán đắt cũng không phải dễ. Đơn cử như sản phẩm xoài Cát Chu ở Đồng Tháp rất ngon và có giá trị cao, Văn phòng đã động viên các chủ thể thay vì bán xoài theo cân, có thể bán xoài theo quả để tăng giá trị sản phẩm. Nhưng muốn bán xoài theo quả các chủ thể lại cần phải có sự đầu tư rất lớn”, ông Phương Đình Anh thừa nhận.
Theo ông Anh, hiện nay Văn phòng điều phối đang tích cực phối hợp đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP truyền tải được toàn bộ giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương, mỗi làng xã, mỗi vùng miền vào sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị. Các sản phẩm OCOP của Việt Nam phải nêu được giá trị đặc trưng của văn hóa địa phương, văn hóa truyền thống mỗi vùng miền vào trong câu chuyện sản phẩm mới tạo ra sự tò mò, hình thành nhu cầu của các đối tác nhập khẩu.
Qua đó, bất cứ khách hàng nào mỗi khi cầm 1 sản phẩm OCOP của Việt Nam phải thấy thú vị và tò mò, vì sao người Việt Nam lại có thể làm ra được nó. Khi chủ thể truyền tải được các yếu tố tài năng từ bàn tay khối óc của những con người địa phương, những sản phẩm chỉ có con người địa phương nơi đó mới làm được vào trong câu chuyện sản phẩm OCOP chắc chán sẽ tạo ra được sự thu hút.
Ngoài ra, các chủ thể cũng phải tạo ra được sự sang trọng cho sản phẩm OCOP, hướng tới giá trị cao và riêng có để thu hút sự chú ý của khách hàng. “Thực tế hiện nay, nhiều chủ thể đã biết tạo ra “tấm áo đẹp sang trọng” cho sản phẩm, biến sản phẩm OCOP trở thành món quà tặng, quà biếu có giá trị, khiến người tặng cũng như người nhận cảm thấy tự hào khi trao sản phẩm cho nhau”, ông Anh thông tin.

Cả nước đã có 17.068 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên
Một vấn đề khác quan trọng không kém, đó là tiêu chí để công nhận cho 1 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia thường rất khó và ngặt nghèo. Trong tất cả các nhóm sản phẩm OCOP cơ bản đã có hình dáng sản phẩm OCOP quốc gia, duy nhất chỉ còn nhóm sinh vật cảnh là chưa được công nhận.
“Trong số 126 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, nhóm thực phẩm vẫn đang giữ vị trí dẫn đầu, kế đến là nhóm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Văn phòng điều phối mong muốn các sản phẩm OCOP cấp quốc gia của Việt Nam không dừng lại nhiều ở nhóm thực phẩm, cần hướng đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ hay ngành nghề nông thôn”, ông Phương Đình Anh cho biết.
Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm OCOP trên nền tảng số.
Thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP Việt Nam, ông Bùi Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn và hỗ trợ các DN và chủ thể xác nhận tiêu chí công nhận sản phẩm OCOP. Đồng thời đồng hành cùng các chủ thể tiếp cận với các sàn TMĐT để hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm OCOP thông qua xúc tiến thương mại trên nền tảng số.
“Thông qua hình thức gian hàng quốc gia trên các nền tảng trực tuyến, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ nghiên cứu và có hợp tác chặt chẽ với các đối tác có nền tảng TMĐT uy tín và quy mô lớn trên thế giới. Từ đó tiếp tục xây dựng các gian hàng trực tuyến quốc gia Việt Nam theo hướng chuyên ngành, trong đó sẽ có những sản phẩm OCOP có chất lượng, uy tín để tiếp cận được các đối tượng khách hàng phù hợp và có hiệu quả hơn”, ông Hưng nói.

Các sản phẩm OCOP của Việt Nam phải nêu được giá trị đặc trưng
Cũng theo ông Hưng, để phẩm đặc sản OCOP có tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với quy mô sản xuất, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại còn tổ chức các chương trình theo dõi và hỗ trợ DN và chủ thể OCOP tiếp cận được các thị trường, thông qua việc gặp gỡ các nhà nhập khẩu, các phân phối tại nước ngoài. Đồng thời, Cục hỗ trợ và đồng hành với các DN và chủ thể OCOP có khả năng cung sản phẩm với số lượng lớn; xây dựng sản phẩm OCOP gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc đáp ứng cho quá trình xuất khẩu lâu dài và bền vững.
Từ ngày 1-3/8 tới đây, tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội sẽ diễn ra Hội chợ các sản phẩm OCOP xuất khẩu (VIETNAM OCOPEX 2025). Đây là sự kiện xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&MT, UBND TP Hà Nội và Liên minh HTX Việt Nam chủ trì. Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Sở Công Thương Hà Nội tổ chức thực hiện.
VIETNAM OCOPEX 2025 có quy mô lớn với 300 gian hàng của gần 200 đơn vị trưng bày hàng nghìn mặt hàng đạt chứng nhận OCOP đến từ 34 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, hội chợ còn thu hút sự tham gia của các gian hàng quốc tế đến từ Peru, Lào, Campuchia cũng như các gian hàng kết nối của các đơn vị thương mại.