Tổn thất của voi chiến Ấn Độ khi ngăn chặn cuộc chinh phục của Alexander Đại đế

Ấn Độ là một trong những nơi phát triển nghệ thuật tác chiến bằng voi. Những thớt voi chiến tại đây từng ngăn chặn ý đồ của Alexander Đại đế chinh phục Ấn Độ đến cùng.

Quần thể voi Ấn Độ từng giảm mạnh do nhu cầu về voi chiến

Các nhà khoa học về tiến hóa phát hiện ra rằng những con voi Ấn Độ đối mặt với sự sụt giảm số lượng đáng kể vào thời điểm cách đây gần 2.000 năm và tình trạng đó kéo dài 1.500 năm. Sự sụt giảm lớn này không phải là kết quả của dịch bệnh hoặc thay đổi trong môi trường sống hay do dòng di cư, mà chủ yếu là do các cuộc chiến tranh. Voi từng được sử dụng trong chiến tranh tại Ấn Độ. Thậm chí Alexander Đại đế của xứ Macedonia cũng phải ngừng cuộc bành trướng sang phía Đông do vấp phải các đội tượng binh Ấn Độ.

Voi chiến Ấn Độ. Ảnh: RT.

Voi chiến Ấn Độ. Ảnh: RT.

Ghi chép lịch sử cho thấy quần thể voi ở Ấn Độ cổ xưa đã được sử dụng trong tác chiến từ trước thời kỳ đế quốc Maurya (năm 321 đến năm 185 trước Công nguyên) cho đến một thời gian ngắn trước thời của đế quốc Mogul (khoảng 500 năm trước đây). Các sử liệu Hy Lạp cổ cho thấy Vua Chandragupta Maurya (thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên) có khoảng chừng 3.000 - 6.000 thớt voi (“thớt” là lượng từ dùng để chỉ cá thể voi).

Các tác giả cho biết, voi đực bị bắt lúc còn bé và chúng nhớ tự do và nguồn thức ăn, rồi chết héo mòn trong giam cầm. Những chú voi chiến tử trận đóng góp thêm vào đà sụt giảm này. Sau đó là giai đoạn số lượng voi Ấn Độ suy giảm mạnh.

Nhà sinh thái học Raman Sukumar tại Trung tâm Khoa học sinh thái học thuộc Viện Khoa học Ấn Độ tại thành phố Bangalore nhận định: “Đây có lẽ cách thức số lượng cá thể voi suy giảm trong lịch sử loài này”.

Uma Ramakrishnan - nhà sinh thái học phân tử tại Trung tâm các Khoa học sinh học quốc gia (Ấn Độ) cho rằng dịch bệnh có thể là một nguyên nhân nhưng theo các bút lục lịch sử, chiến tranh là nguyên nhân khả thi hơn.

Sau đó nhờ điều kiện thuận lợi (về khí hậu, khả năng sinh sản cao, tỷ lệ tử vong thấp), quần thể voi Ấn Độ tăng trở lại.

Binh chủng hàng đầu trong quân đội Ấn Độ cổ xưa

Một trong những tư liệu sống động về việc sử dụng voi chiến tại Ấn Độ cổ đại là bức điêu khắc bên trong Đền Channakesha - tượng binh, kỵ binh, bộ binh và xa binh (lực lượng chiến đấu trên xe chiến).

Trong cuốn “Câu chuyện voi châu Á”, tác giả Raman Sukumar cho biết, các sử thi thần thoại Mahabharata và Ramayana đề cập việc sử dụng voi trong chiến tranh. Ông cũng mô tả chi tiết trận chiến Hydaspes giữa Alexander Đại đế của xứ Macedonia và vua Hindu (Ấn Độ) Puru, cũng như việc khoảng 80 thớt voi trong đội quân Ấn Độ đã giết chết cả quân địch lẫn quân ta.

Mặc dù Alexander và đội quân của ông giành chiến thắng trong trận này, họ đã từ bỏ ý đồ chinh phục Ấn Độ, quyết định quay về quê nhà sau khi nghe được tin tức những vị vua hùng mạnh hơn nữa ở phía Đông sở hữu thậm chí còn nhiều voi chiến hơn nữa. Sukumar viết: “Voi chính là nhân tố khiến Alexander hủy cuộc hành quân chinh phục”.

Người La Mã không có phương tiện đáng kể nào để thu nhận voi trực tiếp từ Ấn Độ. Số lượng voi Ấn Độ ít ỏi mà La Mã có được là những chú voi mà họ chiếm được của kẻ thù. Tuy nhiên vào thời điểm La Mã trở thành đế quốc khu vực, văn hóa voi chiến đã lụi tàn. La Mã có triển khai những thớt voi chiến thu giữ của kẻ thù nhưng họ cũng sử dụng voi trong những buổi trình diễn công cộng, để giải trí tại các rạp xiếc và nhà hát trôn ốc hoặc trong những nghi lễ diễu hành.

Trong cuốn sách “Voi và Vua”, sử gia Thomas Trautmann viết rằng việc sử dụng voi làm công cụ chiến tranh chịu ảnh hưởng của dân tộc Aryan di cư tới Ấn Độ, mang nền văn hóa cưỡi ngựa của họ sang một xứ sở không có ngựa nhưng lại có rất nhiều voi.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: RT

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/ton-that-cua-voi-chien-an-do-khi-ngan-chan-cuoc-chinh-phuc-cua-alexander-dai-de-post1150403.vov