Mục sở thị nơi giữ gìn nòi giống 'ông hoàng' loài rắn

Rong ruổi những ngày xuân Ất Tỵ, đến mục sở thị tận nơi giữ gìn nòi giống 'ông hoàng' loài rắn ở Trại rắn Đồng Tâm mới thấy 'độc nhất vô nhị' như thế nào. Những con rắn hổ mang chúa có kích thước 'khủng' ngóc đầu, khèn, phùng mang, thủ thế làm nhiều người đứng gần quan sát phải thót tim, lạnh cả xương sống.

Từ Vòng xoay An Lạc ở Tp.HCM, chạy xe máy theo Quốc lộ 1A khoảng 70km, đến ngã ba Trung Lương rồi rẽ phải thêm chừng năm cây số, đến ngã tư Đồng Tâm là đã vào “vương quốc” của loài rắn tại Đồng bằng sông Cửu Long - tức Trại rắn Đồng Tâm, nằm cặp theo bờ sông Tiền ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Đến gần là thót tim

Nghĩ cũng thú vị, năm 2025 là năm con rắn lại nhẩn nha tham quan trại rắn (có tổng quy mô với khoảng 1.000 con rắn nuôi ở môi trường tự nhiên hoặc bán tự nhiên) và tò mò xem ở đây người ta bảo tồn loài rắn hổ mang chúa (được mệnh danh là “ông hoàng” các loài rắn) như thế nào.

Một góc khu bảo tồn rắn hổ mang chúa ở Trại rắn Đồng Tâm.

Ấn tượng trước tiên là cổng chính của trại rắn này trông như một doanh trại quân đội. Cũng đúng thôi, bởi vì đây chính là Trung Tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu, Cục Hậu cần Quân Khu 9 - nơi bảo tồn các loài rắn và lấy huyết thanh kháng nọc cứu chữa cho những người bị rắn cắn (mỗi năm chữa trị trên 1.000 ca).

Sau khi loanh quanh tham quan một số chuồng trại, tôi hướng đến mục tiêu chính mà mình cần tìm. Kia rồi, nhìn xa xa đã thấy bảng chỉ dẫn “khu bảo tồn rắn hổ mang chúa”. “Đại bản doanh” này nằm chễm chệ trên bãi cỏ và biệt lập ở một khu vực rộng lớn trong trại rắn, dưới hàng cao xanh và những tán cây lưa thưa.

Lúc tiến đến gần có cảm giác hồi hộp làm sao khi được tận mắt nhìn thấy những con rắn hổ mang chúa thân dài hơn 3 mét và trọng lượng khoảng 10 – 15kg nằm khoanh tròn, nhô cái đầu bè lên thủ thế, hai mắt long lanh như định lao thẳng vào người đối diện.

Rắn hổ mang chúa được mệnh danh là “ông hoàng” của loài rắn.

Nghe có hơi người, những “ông hoàng” của loài rắn lập tức xà nộ khí, khè khè rồi phùng mang hùng dũng. Đặc biệt những cá thể rắn hổ mang chúa có kích thước “khủng” ngóc đầu thủ thế, cộng với hơi rắn khè khiến tôi như lạnh xương sống, thót tim.

Trong khu vực bảo tồn này có hơn 40 chuồng lồng rắn được xây dựng khá hoàn chỉnh, phù hợp với tập tính, sinh lý, sinh thái của loài rắn hổ mang chúa. Diện tích mỗi chuồng là một mét vuông và chỉ chứa duy nhất một cá thể rắn.

Điều này được lý giải là nhằm đảm bảo an toàn trong bảo tồn nòi giống hổ mang chúa, trong khi vẫn phải đảm bảo tăng năng suất (nọc, khối lượng con vật, khả năng sinh sản), nên các cá thể rắn được nuôi riêng từng con.

Tuy vậy, vẫn có đặc cách dành cho những cá thể rắn hổ mang chúa thuộc loại “khủng” nhất ở đây (dài 3 - 4m, nặng tới 20kg) khi được bố trí riêng trong ngôi nhà lưới thép nho nhỏ nhưng chắc chắn (cũng để nhằm đảm bảo an toàn cho khách tham quan), có cả sân phơi nắng và vận động, có nhà hầm cho các “ông hoàng” rắn tha hồ nghỉ ngơi. Vì là nơi nuôi loài rắn cực độc nên khu này được che chắn cẩn thận.

Tính đến nay, riêng khu vực bảo tồn này đã có vài trăm con rắn hổ chúa, một con rắn hổ chúa trưởng thành có trọng lượng từ khoảng 6kg, chiều dài có thể đạt từ 3 đến 4m. Mỗi con rắn hổ mang chúa trưởng thành có thể ăn 1,5kg thức ăn cho mỗi lần ăn. Mỗi tuần chúng ăn 2 lần, con mồi chủ yếu là những loài rắn khác, bao gồm rắn săn chuột, trăn nhỏ và thậm chí nhiều loài rắn độc khác.

Như chia sẻ anh Lương Minh Hải, nhân viên của trại rắn, để rắn hổ mang chúa ăn nhanh, con mồi phải chết hẳn. Nếu để mồi cử động, rắn sẽ tiết nọc ra để giết chết con mồi, khiến quá trình ăn chậm hơn. Thức ăn khoái khẩu của chúng là các loài rắn tạp như rắn lục, rắn ráo được nuôi riêng.

Sinh sản kiểu “độc nhất vô nhị”

Để nuôi được loài rắn hổ mang chúa là cả một quá trình dày dặn kinh nghiệm và đầy nguy hiểm, chỉ cần sơ suất nhỏ có thể đánh đổi cả tính mạng. Các nhân viên của Trại rắn Đồng Tâm trước khi mở cửa chuồng phải rất cẩn thận, nhẹ nhàng và chậm rãi để con rắn đang đói không phóng ra ngoài, hoặc tấn công người. Chưa kể, họ thường xuyên theo dõi để kịp phát hiện con rắn nào có dấu hiệu bệnh để điều trị kịp thời, chẳng khác nào chăm sóc một đứa trẻ.

Với loài rắn hổ mang chúa, mùa động dục và mùa sinh sản của chúng thường vào hạ tuần tháng ba đến hết tháng năm hàng năm. Điểm đặc biệt của loài rắn hổ mang chúa là mỗi năm chúng chỉ giao phối một lần với thời gian từ 20-34 giờ. Mỗi năm đẻ một lứa và mỗi lứa được một con.

Nói về việc giữ gìn nòi giống loài rắn quý hiếm này (có tên trong sách Đỏ), anh Hải cho rằng đó là cả thách thức, từ việc ghép đôi cho đến duy trì sinh sản. Sau khi giao phối, rắn hổ mang chúa sẽ đẻ trứng trong vòng hai tháng. Trứng được đưa vào khu vực ấp kỹ thuật, tách riêng rắn non và chăm sóc cẩn thận, bảo đảm tỷ lệ sống đạt 75%.

Khó khăn cho các nhân viên trại rắn là trong chuồng dạng hầm đứng, ít ánh sáng, việc phát hiện rắn hổ mang chúa động dục là việc khó khăn. Chỉ khi áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi chuẩn cho đực và cái, có đủ sức khỏe, rắn mới động dục sung mãn. Cho nên nhân viên của trại phải thuộc tính cách từng con rắn tham gia sinh sản.

Tiêu bản rắn hổ mang chúa trong Bảo tàng rắn của Trại rắn Đồng Tâm.

Không những thế, vào thời kỳ động dục những con rắn cái hổ mang chúa không chịu nằm im, chúng liên tục hoạt động và luôn “đứng” dựng theo thành chuồng, chúng đòi gặp rắn khác giới để làm nhiệm vụ duy trì giống nòi. Ngược lại, nếu rắn bị bỏ đói, ăn thiếu dưỡng chất, hiện tượng động dục mờ nhạt và biến mất sau một vài ngày, nếu có giao phối thì trứng khó có phôi.

Các nhà khoa học từng đánh giá cao việc nhiều năm nay khu bảo tồn rắn hổ mang chúa đã được Trại rắn Đồng Tâm áp dụng phương pháp chăn nuôi khoa học và ổn định. Các nhân viên của trại rắn thường xuyên thăm khám sức khỏe, theo dõi động dục, hỗ trợ rắn sinh sản nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng rắn con.

Nhất là sau giao phối, tách riêng đực – cái, có chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho rắn cái, thích hợp cho rắn đực. Các ổ ấp trứng cũng đã được nghiên cứu, áp dụng. Giải pháp làm ổ ấp bằng cát pha đất sét có khả năng duy trì nhiệt độ, độ ẩm, sạch và thông thoáng được lựa chọn. Nhờ đó, các lứa rắn con khỏe mạnh lần lượt ra đời giúp tăng nhanh số lượng đầu rắn hổ mang chúa theo phương pháp khoa học.

Quả thật, có đến mục sở thị mới hiểu được sự cực nhọc và tính chất “độc nhất vô nhị” của việc giữ gìn nòi giống “ông hoàng” của loài rắn như thế nào. Và tôi cũng không quên mua vài lọ thuốc xoa bóp cobratoxan (Trại rắn Đồng Tâm điều chế từ nọc rắn hổ mang chúa) dùng để chữa bệnh nhức mỏi, viêm xương, viêm khớp dạng thấp, chữa đau nhức khớp…, để như cảm nhận được rằng, khi cần, đôi lúc mình cũng phải cảm ơn “công dụng” mà loài rắn hổ mang chúa mang lại cho con người.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//phong-cach/muc-so-thi-noi-giu-gin-noi-giong-ong-hoang-loai-ran-1104469.html