Tâm tư của Tổng thống Pháp ở thượng đỉnh G7

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến khu nghỉ dưỡng sang trọng Borgo Egnazia của Ý để tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), ông có thể mang theo tâm trạng nặng trĩu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Reuters)

Nhưng sau khi giải tán quốc hội và đẩy nước Pháp vào thời kỳ chính trị đầy trắc trở chỉ vài tuần trước khi nước này đăng cai Thế vận hội Olympic, ông đã mỉm cười và thể hiện sự thoải mái khi được Thủ tướng Ý Giorgia Meloni chào đón.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết, quyết định đầy kịch tính của Tổng thống Pháp, sau khi đảng RN cực hữu đánh bại đảng cầm quyền của ông trong cuộc bầu cử Nghị viện Liên minh châu Âu (EU), đã giáng một đòn mạnh vào các đồng minh thân cận nhất của ông Macron và làm suy yếu vai trò của nhà lãnh đạo này trên toàn khối.

Họ cho rằng hiện nay, ông Macron có thể gặp khó khăn trong việc thể hiện vai trò của mình trong các kế hoạch và thỏa thuận ngoại giao, đặc biệt khi khối trung dung của ông trong Nghị viện châu Âu bị thu hẹp, khiến ông khó gây ảnh hưởng lớn hơn đến quá trình đàm phán về các vị trí trong EU sau này.

Trong thời gian cầm quyền 7 năm qua, ông Macron tự nhận là người đóng vai trò dẫn dắt của châu Âu, cố gắng thể hiện vai trò của Pháp trong các cuộc khủng hoảng từ Ukraine đến Trung Đông.

Phong cách đó của ông khiến một số người khó chịu, sáng kiến của ông khiến những người khác bực tức, nhưng ít nhất ông cũng có thể tác động đến các vấn đề chính và thể hiện hình ảnh của nước Pháp với bên ngoài.

Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu tại Paris nhận xét: “Sẽ không còn sự lãnh đạo nào ở châu Âu nữa. Macron là người Mohican cuối cùng cố gắng đảm nhận vai trò này”.

Nhà ngoại giao này hy vọng bằng cách nào đó, ông Macron sẽ tập hợp được một liên minh các đảng chính trị truyền thống của Pháp để có thể đánh bại đối thủ trong cuộc bầu cử lập pháp gồm 2 vòng, vào ngày 30/6 và ngày 7/7 sắp tới.

Sau ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 13/6, ông Macron vẫn tỏ ra mạnh mẽ, nói rằng ông không tin các sự kiện hiện tại sẽ ảnh hưởng đến quyết định của ông trong các vấn đề như Ukraine, rằng các nhà lãnh đạo khác biết ông sẽ nắm quyền cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2027.

Một nguồn tin cho biết, Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc nói chuyện với nhau về các vấn đề chính trị trong nước của mỗi người.

Lấp lửng vì chờ đợi

Theo các nguồn tin, bộ ngoại giao và quốc phòng Pháp đang trong tình trạng lấp lửng để chờ ngày bầu cử.

Các vấn đề quan trọng như đề xuất của ông Macron về việc thành lập một liên minh huấn luyện viên quân sự châu Âu tại Ukraine có thể bị hoãn lại, vì ý tưởng nhạy cảm như vậy sẽ khó thuyết phục được cử tri trong chiến dịch bầu cử.

Giới chức Ukraine hy vọng các quyết định hành pháp trước mắt vẫn sẽ được triển khai, nhưng các quốc gia có thể nhìn vào Pháp để chờ kết quả.

Các nhà ngoại giao cho biết, tình trạng này cũng có thể làm suy yếu vai trò của Pháp trong việc thúc đẩy bất cứ điều gì mạnh mẽ hơn cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sắp tới ở Washington vào tháng 7.

Ukraine lo lắng về những gì có thể xảy ra sau cuộc bỏ phiếu ngày 7/7 ở Pháp. Dù có chủ trương khác nhau, RN và đảng cực tả France Unbowed (Nước Pháp không khuất phục) từ lâu đã được đánh giá là không gay gắt với Nga. Ông Macron cáo buộc cả hai đảng này mơ hồ đối với Mátxcơva.

Nếu RN giành được đa số ghế trong Quốc hội Pháp, ông Macron sẽ vẫn giữ chức tổng thống thêm 3 năm nữa, tiếp tục phụ trách chính sách quốc phòng và đối ngoại của đất nước.

Tuy nhiên, ông sẽ mất quyền kiểm soát chương trình nghị sự trong nước, bao gồm chính sách kinh tế, an ninh, nhập cư và tài chính. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các chính sách khác, như viện trợ cho Ukraine, vì ông sẽ cần sự ủng hộ của quốc hội để thông qua đề xuất ngân sách.

Bình Giang

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tam-tu-cua-tong-thong-phap-o-thuong-dinh-g7-post1646100.tpo