Tân binh SUV cỡ B chen chân thế nào giữa cuộc đua khốc liệt?

Chỉ trong nửa đầu năm, gần 10 mẫu SUV hạng B mới xuất hiện. Thế nhưng có phải mẫu xe nào cũng ghi nhận thành công?

Trong nửa đầu năm 2025, khoảng 30 mẫu xe mới gia nhập thị trường Việt, chủ yếu là SUV hạng B. Phân khúc nóng nhất này đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, nhưng không phải cái tên nào cũng có thể trụ vững.

Peugeot 2008 thu hút tệp khách riêng

Đầu tháng 2, Peugeot mang mẫu 2008 facelift về Việt Nam. Xe được bán với 2 phiên bản Premium và GT, giá lần lượt 829 triệu và 899 triệu đồng. Là mẫu xe nâng cấp giữa vòng đời, 2008 không có nhiều thay đổi, mà chỉ được tinh chỉnh một số chi tiết ngoại thất.

Bên dưới nắp ca-pô của Peugeot 2008 là động cơ 1.2L Turbo Puretech, cho công suất tối đa 133 mã lực và mô-men xoắn cực đại 230 Nm. Mẫu SUV cỡ B sử dụng hộp số tự động 6 cấp.

 Peugeot 2008 không phải một mẫu xe dành cho số đông. Ảnh: Thaco.

Peugeot 2008 không phải một mẫu xe dành cho số đông. Ảnh: Thaco.

Đương nhiên ở mức giá khởi điểm vượt mốc 800 triệu, đây vẫn là một mẫu xe thu hút tệp khách hàng riêng biệt, không dành cho số đông.

Việc định giá cao phần nào thể hiện rõ mục tiêu của hãng, nhưng cũng là rào cản khiến Peugeot 2008 khó thu hút nhóm khách phổ thông – những người vốn ưu tiên yếu tố kinh tế khi chọn SUV cỡ B.

Geely Coolray cần thêm chiến lược

Đầu năm là thời điểm mà Geely lựa chọn mang tân binh đầu tiên đến Việt Nam. Và Coolray, một chiếc SUV hạng B, được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội khi gia nhập vào cuộc đua nóng nhất thị trường.

Xe được trang bị động cơ JLH-3G15TD tăng áp đơn dung tích 1.5L đi cùng hộp số tự động 7 cấp DCT, sản sinh công suất 177 mã lực ở 5.500 vòng/phút, mô men xoắn cực đại đạt 255 Nm.

Coolray không chỉ sở hữu ưu điểm về mức giá, mà còn được trang bị nhiều tính năng vượt phân khúc như camera 360 độ, 12 LiDAR, chế độ hỗ trợ đỗ xe tự động...

 Geely Coolray cần được tập trung quảng bá nhiều hơn. Ảnh: Đan Thanh.

Geely Coolray cần được tập trung quảng bá nhiều hơn. Ảnh: Đan Thanh.

Về sản phẩm, Geely Coolray (hay Proton X50) là một mẫu xe bán tốt, đã có sức ảnh hưởng đủ để cạnh tranh sòng phẳng với các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc ở thị trường nước bạn (Malaysia hay Indonesia). Về bán hàng, Tasco - nhà phân phối của Geely - là một trong những đối tác tốt nhất với một hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam.

Tuy nhiên có vẻ những lợi thế này vẫn chưa giúp được Coolray trong cuộc đua mới. Thương hiệu Geely dù là tên gọi của cả tập đoàn mẹ nhưng tại Việt Nam vẫn còn rất mới và chưa thể so bì với những gã khổng lồ trong nhóm xe phổ thông như Honda, Toyota, Hyudai hay Kia.

Geely nói chung và Coolray nói riêng cần thêm thời gian và chiến lược cũng như những khoản đầu tư lớn để tạo dấu ấn với người dùng và gây dựng độ nhận diện thương hiệu mới có khả năng đạt được doanh số tốt trong tương lai.

Omoda C5 tìm cơ hội với bản rẻ

Sau khi giới thiệu mẫu xe mới Jaecoo J7, Omoda nhanh chóng bổ sung thêm bản giá rẻ Luxury cho chiếc SUV hạng B C5. Phiên bản "giảm cấp" này có giá thấp hơn mẫu xe tiêu chuẩn khoảng 50 triệu đồng. Vì là bản giảm cấp, C5 Luxury sẽ được lược bỏ nhiều trang bị như cần số điện tử, ghế bọc da hay đèn chiếu sáng dạng LED.

Thay đổi lớn nhất ở bản giá rẻ nằm bên dưới nắp ca-pô, nơi Omoda C5 Luxury được trang bị động cơ xăng hút khí tự nhiên dung tích 1.5L, cung cấp công suất tối đa 115 mã lực, mô-men xoắn cực đại 138 Nm.

Omoda C5 Luxury được kỳ vọng sẽ mang lại doanh số tốt cho mẫu SUV cỡ B này. Ảnh: Phúc Hậu.

Omoda C5 Luxury được kỳ vọng sẽ mang lại doanh số tốt cho mẫu SUV cỡ B này. Ảnh: Phúc Hậu.

Với mức giá 539 triệu đồng, mẫu SUV này cho thấy nỗ lực tìm kiếm doanh số của Omoda tại Việt Nam. Khi thương hiệu vẫn còn mới mẻ, việc ra mắt những mẫu xe giá thấp hơn sẽ dễ tạo được doanh số bán. Điều này đã từng được MG áp dụng thành công trên nhiều sản phẩm. Và không quá ngạc nhiên nếu Omoda muốn tiếp bước đồng hương.

Honda HR-V HEV chưa đủ ấn tượng

Ở phiên bản nâng cấp được mang đến Việt Nam vào đầu tháng 4, Honda đã bổ sung phiên bản hybrid cho mẫu SUV cỡ B HR-V.

Theo thông số kỹ thuật, Honda HR-V e:HEV RS sử dụng kết hợp động cơ xăng 1.5L (mạnh 105 mã lực, cung cấp 127 Nm mô-men xoắn) với motor điện (129 mã lực, 253 Nm mô-men xoắn).

So với CR-V Hybrid hay Civic Hybrid, sức mạnh trên có phần thua kém đáng kể. Và điều này đã khiến mẫu xe có phần kém hấp dẫn so với bản tiền nhiệm dù tiết kiệm về chi phí vận hành.

 Honda HR-V bản hybrid không mang lại đủ ấn tượng như bản tiền nhiệm. Ảnh: Đan Thanh.

Honda HR-V bản hybrid không mang lại đủ ấn tượng như bản tiền nhiệm. Ảnh: Đan Thanh.

Với giá bán vượt mốc 800 triệu đồng, HR-V chưa bao giờ là một mẫu xe phổ thông. Người dùng chọn HR-V vì đây là một mẫu xe "chơi". Bởi nếu ưu tiên tiết kiệm chi phí, thị trường không thiếu những đại diện phổ thông với giá bán hấp dẫn hơn.

Nhìn chung Honda HR-V là một trong những mẫu xe tiên phong sở hữu trang bị hybrid trong phân khúc, nhưng có lẽ sự thay đổi chưa tạo được đủ hấp dẫn.

Hyundai Creta 2025 thắng thế

Hyundai Creta bản nâng cấp đã được ra mắt tại Việt Nam từ đầu tháng 6. Có thể nói trong toàn bộ SUV hạng B xuất hiện từ đầu năm đến nay, Creta đang là mẫu xe có thành công nhất định. Điều này không khó hiểu bởi phiên bản nâng cấp được thay đổi nhiều nhất ở ngoại thất.

Sức mạnh của xe vẫn đến từ động cơ xăng hút khí tự nhiên Smartstream dung tích 1.5L, cung cấp công suất tối đa 115 mã lực tại 6.300 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 144 Nm tại 4.500 vòng/phút.

Với các thay đổi về mặt ngoại thất, giá bán của Hyundai Creta mới tăng thêm 6-9 triệu đồng ở các phiên bản Cao cấp và Đặc biệt thành 659 triệu và 705 triệu đồng. Bản tiêu chuẩn vẫn giữ nguyên mức giá 599 triệu đồng. Ngoài ra, Hyundai mang thêm biến thể hiệu suất thể thao N Line về Việt Nam (715 triệu đồng).

 Hyundai bổ sung bản N Line với ngoại thất thể thao cho Creta mới. Ảnh: Top Gear.

Hyundai bổ sung bản N Line với ngoại thất thể thao cho Creta mới. Ảnh: Top Gear.

Với thiết kế mới được đánh giá cao, không ngạc nhiên khi Creta 2025 nhận được sự quan tâm của người dùng. Dù chưa công bố doanh số của tháng đầu tiên ra mắt, ta vẫn có thể thấy sự xuất hiện của Creta mới trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, phần nào thể hiện mức độ phổ biến của mẫu SUV hạng B này.

Skoda Kushaq cần thời gian

Hãng xe từ Cộng hòa Czech đã mang chiếc Kushaq đến Việt Nam vào cuối tháng 6. Đặc biệt, mẫu xe này là sản phẩm đầu tiên của Skoda được lắp ráp tại nhà máy ở tỉnh Quảng Ninh. Xe có giá bán lần lượt 599 triệu và 649 triệu đồng cho 2 phiên bản.

Mặc dù vẻ ngoài không quá hấp dẫn theo kiểu thể thao hay hiện đại như những đối thủ khác, Kushaq vẫn ghi điểm nhờ xuất xứ châu Âu, giá bán thân thiện.

Mẫu xe được sở hữu công nghệ khung gầm MQB của Volkswagen cùng động cơ TSI tăng áp dung tích 1.0L, sản sinh công suất tối đa 115 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 178 Nm.

 Mẫu xe này từng được trưng bày tại Triển lãm ôtô Việt Nam 2024. Ảnh: Đan Thanh.

Mẫu xe này từng được trưng bày tại Triển lãm ôtô Việt Nam 2024. Ảnh: Đan Thanh.

Đây chắc chắn không phải là một mẫu xe có thể "yêu từ cái nhìn đầu tiên" hay nhanh chóng sở hữu doanh số bán tốt.

Tuy nhiên với công nghệ châu Âu, khung gầm từ tập đoàn Volkswagen và động cơ TSI turbo nhưng lại sở hữu mức giá khởi điểm dưới 600 triệu, Skoda Kushaq có thể thu hút được những khách hàng chịu làm quen thương hiệu. Và điều này chắc chắn cần thêm thời gian.

Cơ hội nào cho Lynk & Co 06 CorePlus?

Có thể nói hiện tại, Lynk & Co là hãng xe Trung Quốc đang tiếp cận thị trường Việt tốt nhất. Lynk & Co có những bước đi đủ chậm rãi để tìm hiểu người dùng, không vội bán xe mà tập trung xây dựng thương hiệu.

Đây là một đối thủ có những sản phẩm cá tính hơn so với phần đông hãng đồng hương với dải sản phẩm Flagship phong cách châu Âu. Tuy nhiên, sau gần 2 năm xây dựng lòng tin với người dùng, đã đến lúc Lynk & Co phải tạo ra được doanh số.

 Lynk & Co 06 bản thấp sẽ là quân bài để hãng cạnh tranh về mặt doanh số trong thời gian tới. Ảnh: Tasco.

Lynk & Co 06 bản thấp sẽ là quân bài để hãng cạnh tranh về mặt doanh số trong thời gian tới. Ảnh: Tasco.

Vì vậy, Lynk & Co 06 CorePlus được mang đến Việt Nam. Trước bản CorePlus, tùy chọn Flagship của 06 đã ghi nhận những phản hồi tốt từ người dùng. Tuy nhiên mức giá 729 triệu đồng vẫn chưa đủ thân thiện để những khách hàng mới chịu xuống tiền cho một hãng xe lạ.

Bản CorePlus với một số trang bị được lược bỏ có chọn lọc, tinh chỉnh hệ thống an toàn để hợp lý với mức giá 679 triệu đồng. Khi giá khởi điểm được hạ về dưới mốc 700 triệu, sức cạnh tranh của 06 sẽ tăng lên, đáp ứng lại kỳ vọng doanh số của hãng.

BYD Atto 2 được kỳ vọng

BYD Atto 2 được ra mắt vào đầu tháng 7 là một trong những sản phẩm thuần điện được hãng đặt nhiều kỳ vọng. Điều đó không quá khó hiểu bởi đây là sản phẩm có giá bán thân thiện nhất, lại nằm trong phân khúc nóng của thị trường.

Atto 2 được trang bị motor điện đặt trước, cho công suất 174 mã lực, mô men xoắn cực đại 290 Nm. Xe có khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 8,3 giây. Dưới sàn xe là pin Blade dung lượng 45,12 kWh, cho phạm vi hoạt động khoảng 400 km/lần sạc.

 Atto 2 được kỳ vọng gánh vác doanh số cho BYD tại Việt Nam. Ảnh: Đan Thanh.

Atto 2 được kỳ vọng gánh vác doanh số cho BYD tại Việt Nam. Ảnh: Đan Thanh.

Xe được bán với mức giá 669 triệu đồng, đủ để củng cố khả năng cạnh tranh của chính nó trong nhóm SUV cỡ B. Hiện tại vẫn còn quá sớm để khẳng định về sự thành bại của Atto 2.

Tuy nhiên với các nỗ lực và chiến lược giá rõ ràng, có thể thấy mẫu xe vẫn đủ khả năng để tạo được cuộc đua sòng phẳng, ít nhất là so với các đồng hương. BYD chắc chắn kỳ vọng đây sẽ là cái tên gánh vác doanh số cho thương hiệu trong thời gian tới thay vì chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào mẫu PHEV hiện tại (BYD Sealion 06).

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tan-binh-suv-co-b-chen-chan-the-nao-giua-cuoc-dua-khoc-liet-post1567470.html