Tận dụng cơ hội đến từ các FTA
Việt Nam đang thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khung khổ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định thương mại song phương (PTA) với mức bao phủ hơn 80% kim ngạch nhập khẩu. Giới chuyên gia nhận định, việc tham gia các FTA/PTA tiếp tục tạo động lực lớn cho tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2023.
Tại hội thảo “Thực thi hiệu quả cam kết thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do” do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, bà Nguyễn Phương Linh - Trưởng phòng Hợp tác đa phương, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, tiếp tục thực hiện cam kết thuế xuất khẩu ưu đãi và nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong các FTA/PTA, đồng thời thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 17 Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA/PTA giai đoạn 2022 - 2027 có hiệu lực từ ngày 30/12/2022 để thay thế các Nghị định cho giai đoạn 2018 - 2022. Theo đó, đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế, hải quan, phù hợp với cam kết quốc tế.
Về tác động của việc thực thi cam kết ưu đãi, bà Linh nêu rõ, cam kết ưu đãi thuế giai đoạn mới sẽ giúp tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu bền vững hơn, giảm tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; tạo điều kiện tăng hiệu qua phân bổ nguồn lực và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; đóng góp vào dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu và cơ cấu kinh tế, đồng thời làm gia tăng cạnh tranh của hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Tại hội thảo, chia sẻ về thực tiễn tận dụng các ưu đãi thuế quan của các Hiệp định FTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của hàng nhập khẩu thấp hơn hẳn hàng xuất khẩu, đây là điều khá đáng tiếc.
Theo bà Trang, năm 2022, Trung tâm đã tiến hành khảo sát việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định EVFTA. Khi được hỏi lợi ích lớn nhất mà doanh nghiệp (DN) nhận được sau 2 năm thực thi EVFTA, các DN cho biết ưu đãi thuế quan là lợi ích lớn nhất mà DN nhận được, trong đó, DN hưởng lợi từ ưu đãi xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu. Với một số DN chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan, một số DN khẳng định, họ không biết đến các ưu đãi thuế quan được quy định tại Hiệp định này. “Đây cũng là điều đáng tiếc” – bà Trang chia sẻ và cho biết, dù vậy, hầu hết các DN đều đánh giá các FTA sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, qua đó giảm khó khăn và tạo lợi thế cho chúng ta khi đàm phán.
Cũng theo đại diện VCCI, trên thực tế, việc tận dụng các ưu đãi thuế quan trong các FTA, các DN đã gặp phải khá nhiều rào cản, trong đó phải kể đến yếu tố biến động của thị trường, môi trường kinh doanh không thuận lợi; khó đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng lợi; thiếu thông tin cụ thể về các cam kết; năng lực cạnh tranh của DN còn hạn chế... “DN cần phải tiếp tục thay đổi, còn những lực cản đến từ quá trình triển khai, thực thi cam kết thì DN cần lên tiếng để các cơ quan thực thi có sự điều chỉnh” - bà Trang khuyến nghị.
Để DN có thể tận dụng được các cam kết ưu đãi thuế quan của các FTA, nhiều ý kiến cho rằng, DN cần tìm hiểu kỹ các cam kết của các Hiệp định. Với 17 hiệp định kèm theo đó là 17 biểu thuế xuất ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, khi DN xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nào thì phải tìm hiểu các hiệp định mà Việt Nam đã ký với thị trường đó, khi đó có thể nắm bắt đầy đủ thông tin về các cam kết ưu đãi thuế quan của FTA, từ đó tận dụng một cách hiệu quả. Điều này một lần nữa khẳng định, việc nắm rõ thông tin về các hiệp định thương mại tự do là vô cùng quan trọng đối với các DN trong bối cảnh hội nhập.
Giới chuyên gia cũng khuyến cáo, các DN cần chủ động tìm hiểu các cam kết, những tác động của chúng đối với hoạt động xuất khẩu của DN để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng tránh những yếu tố rủi ro. Cùng với đó, DN cần cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng để có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội khi tham gia các FTA.
“DN cần phải tiếp tục thay đổi, còn những lực cản đến từ quá trình triển khai, thực thi cam kết thì DN cần lên tiếng để các cơ quan thực thi có sự điều chỉnh” - bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến nghị.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tan-dung-co-hoi-den-tu-cac-fta-5718544.html