Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp: Lợi đủ đường
Việc tái chế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, gia cầm không những giải quyết bài toán thức ăn trong chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với diện tích trồng trọt và tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nhì cả nước, mỗi năm Hà Nội có một nguồn phụ phẩm nông nghiệp khá dồi dào. Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT Hà Nội, trung bình mỗi năm ngành nông nghiệp của TP phát sinh khoảng gần 1 triệu tấn rơm rạ; 180.073 tấn trấu; 90.037 tấn cám; 205.650 tấn thân lá từ cây ngô; 41.467 tấn thân lá cây đậu tương. Ngoài ra, còn có các loại rau màu cũng có một lượng phụ phẩm lớn.
Thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn TP đã tận dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, đệm lót sinh học, ủ thành phân… đem lại hiệu quả cao. Đơn cử như hộ ông Vũ Kim Tuyền ở thôn 6, xã Thuần Mỹ, Ba Vì, nhờ đầu tư mua máy cuốn rơm sau vụ gặt làm thức ăn cho bò, mỗi năm tiết kiệm được 220 triệu đồng tiền thức ăn thô. “Công thức chế biến rơm của gia đình tôi là cho 0,5kg rỉ mật đường trộn với 5kg rơm, 4 - 5kg thức ăn tinh, 1,5kg cỏ cho 1 con bò/ngày để vỗ béo” – ông Vũ Kim Tuyền bật mí.Chủ tịch Hội Chăn nuôi TP Hà Nội Bùi Tuấn Khải cho biết: Thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá thành sản phẩm chăn nuôi và liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong thức ăn cho gia súc, sản phẩm phụ thu từ cây trồng có tỷ lệ sinh khối lớn, hàm lượng xơ cao. Vì vậy, việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc là vấn đề mang tính chiến lược, góp phần hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi. Theo ông Bùi Tuấn Khải, có nhiều cách chế biến nguồn phụ phẩm đơn giản, dễ thực hiện như ủ rơm khô dạng cuộn với ure, ủ rơm tươi với ure theo phương pháp đóng bánh, ủ men phục vụ chăn nuôi bò sữa, bò thịt…Hiện nay, mỗi năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Trong khi đó, việc tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp trong chăn nuôi trâu, bò còn ít, chủ yếu là dạng tươi, chưa được chế biến tạo nguồn thức ăn dự trữ. Phần còn lại bị bỏ phí ngoài đồng ruộng hoặc đốt bỏ… gây ô nhiễm môi trường. “Nếu biết tận dụng và xử lý đúng cách phụ phẩm nông nghiệp, người nông dân sẽ có lợi đủ đường, vừa góp phần tăng lợi nhuận, lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường” – ông Bùi Tuấn Khải khẳng định.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tan-dung-phu-pham-nong-nghiep-loi-du-duong-395650.html