Tận tâm với trẻ tự kỷ
Dạy trẻ tự kỷ là một chặng đường khó khăn, một hành trình nhiều vất vả và muôn vàn thử thách đòi hỏi có sự xúc tác từ tâm sức và tình yêu thương của các giáo viên. Sự cố gắng thầm lặng của họ đã giúp cho nhiều em nhỏ tự kỷ có cơ hội hòa nhập cuộc sống. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Dạy trẻ tự kỷ là một chặng đường khó khăn, một hành trình nhiều vất vả và muôn vàn thử thách đòi hỏi có sự xúc tác từ tâm sức và tình yêu thương của các giáo viên. Sự cố gắng thầm lặng của họ đã giúp cho nhiều em nhỏ tự kỷ có cơ hội hòa nhập cuộc sống.
Giọng nói dịu dàng, dễ mến là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Thu ở thị trấn Lâm (Ý Yên). Năm 2010, cầm trên tay tấm bằng Đại học Sư phạm, Thu xin giảng dạy tại Trường THPT Ý Yên và đến năm 2013 chuyển ra sinh sống tại thành phố Nam Định. Cơ duyên đến với nghề khi cô được Trung tâm Mặt trời nhỏ, đường Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Nam Định) nhận vào làm giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Những ngày đầu bỡ ngỡ, với kiến thức lý thuyết trên giảng đường và kinh nghiệm từng giảng dạy, chưa đủ cho công việc dạy trẻ tự kỷ, một công việc thật sự khó khăn vất vả. Những ngày mới bắt đầu công việc cô mệt đến nỗi tan dạy về, tay run run không muốn làm việc gì khác, rồi có những ngày quá mệt, cô muốn dừng lại… nhưng nhìn những ánh mắt ngây ngô của trò nhỏ, lại càng thôi thúc quyết tâm. Càng làm càng thấy yêu thương, cô đã tìm được niềm vui, hạnh phúc và gắn bó với nghề. Bản thân cô cảm thấy cần học hỏi sâu hơn nữa, phải có kiến thức nhiều hơn thì sẽ giúp được học sinh một cách toàn diện nhất. Với suy nghĩ đó, quyết tâm vừa đi dạy, vừa đi học để nâng cao kiến thức, những ngày cuối tuần, cô Thu lại bắt xe lên Hà Nội học thêm các lớp về kỹ năng dạy trẻ tự kỷ, tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ do Viện Nghiên cứu tâm lý giáo dục đặc biệt tổ chức để nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm thực hành. Dù đã được đào tạo bài bản, nhưng khi tiếp xúc với những trẻ tự kỷ, cô Thu gặp phải không ít khó khăn. Đến giờ, cô vẫn còn nhớ như in những ngày đầu dạy cho trẻ tự kỷ. Đó là khi cô tiếp xúc với cậu bé 4 tuổi nhưng thường xuyên la hét, những ngày đầu chỉ trốn vào góc, nếu cô đến gần, bé sẽ chạy vòng quanh nhà hoặc bột phát cơn giận dữ. Hơn 1 tháng, trẻ mới chịu giao tiếp với cô và phải mất 3 tháng trời, cô mới dạy bé biết nói từ đầu tiên “ạ”. Dẫu bé chỉ nói được 1 từ nhưng bản thân cô rất mừng khi biết mình đã áp dụng thành công chương trình, giáo án. Từ đó, cứ mỗi ngày, bé lại có nhiều tiến triển tốt.
Năm 2021, sau khi tìm hiểu và được biết nhiều phụ huynh ở quê nhà thị trấn Lâm (Ý Yên) có con mắc hội chứng tự kỷ và chậm nói phải khăn gói đưa con ra tận thành phố Nam Định, Hà Nội để học, chi phí đi lại, sinh hoạt, ăn ở trọ, học phí rất cao, trong khi thu nhập giảm xuống vì bỏ việc theo con… nên hầu hết không theo được lâu dài, chỉ đi vài tháng rồi trở về và tình trạng của trẻ lại trở về như ban đầu. Suy nghĩ thôi thúc hành động, bằng niềm tin, tình yêu, sự kiên trì chịu khó, sau một thời gian chuẩn bị các điều kiện, cô Thu đã cùng với gia đình về quê mở lớp dạy học. Đến năm 2022, cô Thu đã thành lập Trung tâm dạy trẻ tự kỷ thuộc Viện Nghiên cứu giáo dục đặc biệt tại thị trấn Lâm (Ý Yên). Hiện, trung tâm có 5 giáo viên với nhiều kinh nghiệm chuyên can thiệp sớm cho các trẻ có hành vi chậm nói, trẻ tự kỷ, tăng động, giảm chú ý, chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ, nói ngọng, nói lắp, rối loạn ngôn ngữ, bại não, trẻ khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội. Tại trung tâm, vẫn những ánh mắt trong trẻo ngây thơ của trẻ nhỏ, nhưng khi tiếp xúc vài ba câu là có thể nhận ra các con bị hạn chế rất nhiều về giao tiếp và kỹ năng sống, có những em đã 10 tuổi nhưng vẫn chưa biết tự xúc ăn. Có em 6 tuổi chưa một lần gọi “mẹ”. Theo cô Thu, với nghề nuôi dạy trẻ tự kỷ thì ngoài bằng cấp, kiến thức, kinh nghiệm đòi hỏi cần phải có tình yêu thương, lòng kiên nhẫn. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn ở ba vấn đề: hành vi, ngôn ngữ và tương tác xã hội. Trẻ được phát hiện và can thiệp sớm trước 3 tuổi thì cơ hội hòa nhập mới có khả năng đạt từ 70% trở lên, nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức được điều này, và thường đưa con đi học khi quá muộn nên cơ hội hòa nhập thấp. Bản thân cô Thu cũng như giáo viên tại trung tâm dạy cho trẻ từ cách nhai thức ăn, cách cầm nắm đến cách điều phối hơi thở để phát âm, có những em chỉ học 5-8 tháng là đi học hòa nhập được, nhưng cũng có những em học gần nửa năm nhưng gọi chưa biết “ạ”, chưa nhìn vào mắt cô một lần… Đến nay, trung tâm của cô có 40 em đang theo học ở các độ tuổi từ 3-5 tuổi, chủ yếu đến từ các vùng lân cận trong địa bàn huyện. Dạy trẻ mắc chứng tự kỷ, cô Nguyễn Thị Thu cũng như các cô giáo khác đều thừa nhận, chính các em giúp mình rèn luyện sự kiên trì và nhẫn nại. “Tuy vất vả, mệt mỏi nhưng hầu hết các cô giáo ở trung tâm đều yêu thương, kiên trì với học trò vì chúng tôi hiểu rằng, mình đang chia sẻ thiệt thòi với các cháu, nỗi niềm của các bậc cha mẹ. Nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi lắm nhưng khi thấy các cháu tiến bộ là chúng tôi rất hạnh phúc. Có hôm, phụ huynh chỉ cần khoe con mình nói được 2 từ “cảm ơn” mà tôi vui mừng đến phát khóc”, cô Thu cho biết thêm.
Bao năm qua, cô Thu cũng như các cô giáo tại Trung tâm dạy trẻ tự kỷ luôn phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi, cùng học với các bé. Và niềm vui mà các cô nhận được từ công việc là ánh mắt của phụ huynh tin tưởng, hy vọng hơn mỗi ngày đón con. Nhìn họ hồ hởi kể với nhau về sự thay đổi của con, nghe tiếng các con bi bô trò chuyện với bố mẹ… các cô giáo ở đây hiểu rằng mình đang nỗ lực làm một công việc thực sự có nghĩa cho cuộc đời./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202211/tan-tam-voi-tre-tu-ky-2554043/