Tăng cường các giải pháp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động
Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm, cũng như công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và hướng tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới, UBND huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép kết hợp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho người lao động là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, hiện số doanh nghiệp trên địa bàn là 186 đơn vị và 1 khu công nghiệp có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19, tình hình chiến sự Nga - Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu dẫn đến thị trường lao động trong và ngoài nước bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng giảm việc làm, mất việc làm, dẫn đến giảm thu nhập, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Từ đó, công tác tư vấn đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm cho người lao động cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp đã đề ra, các cấp, các ngành, địa phương trong huyện có sự nỗ lực để công tác tư vấn giới thiệu việc làm, quản lý, tổ chức đào tạo nghề trên địa bàn cơ bản được thực hiện tốt, phát triển ổn định, đi vào nề nếp.
Cụ thể giai đoạn từ 2021 - 2023 đã giải quyết việc làm cho 8.732 lượt người lao động (trong đó có 48 lượt người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sóc Trăng tổ chức 9 phiên việc làm lưu động tại các xã, thị trấn, điểm trường trung học phổ thông; 6 cuộc tư vấn việc làm tại các xã, thị trấn, 1 phiên giao dịch việc làm tại trung tâm huyện có 731 lượt người lao động và 31 lượt doanh nghiệp tham dự; tổ chức 16 cuộc tọa đàm về thông tin chính sách hỗ trợ việc làm, có 880 lượt người tham dự. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm để giải quyết việc làm tại chỗ; kết quả hỗ trợ cho 1.864 lượt người vay vốn với kinh phí trên 69,7 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn từ 2021 - 2023, huyện đào tạo nghề (kể cả tư nhân) cho 3.184 người lao động. Trong đó, có 1.791 lao động tham gia học nghề tại các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp theo hình thức kèm cặp, truyền nghề và sau thời gian học nghề 100% người lao động được các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tiếp nhận làm việc; đồng thời có 1.393 lao động tham gia học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện với các ngành nghề như may công nghiệp, đan đát, kỹ thuật xây dựng, chăn nuôi, trồng trọt… Và sau khi hoàn thành khóa học đối với các ngành nghề phi nông nghiệp, Trung tâm GDNN-GDTX huyện giới thiệu vào làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó khu công nghiệp chiếm 90%. Đối với nghề nông nghiệp, lao động được UBND các xã, thị trấn hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội để tạo việc làm tại chỗ.
Chị Lê Thị Diệu Hiền, ngụ ấp Phước Quới, xã Phú Tân (Châu Thành) là một điển hình. Chị năm nay đã 46 tuổi, hoàn cảnh gia đình trước đây rất khó khăn do chồng mất sớm, một mình chị nuôi 2 con đang tuổi ăn học. Không có nghề nghiệp, chị phải bươn chải bằng cách ai kêu gì làm đó nên thu nhập hết sức bấp bênh. Năm 2022, nhờ được địa phương vận động, chị tham gia học nghề may, đồng thời được giới thiệu vào làm việc tại Công ty May Sắc Màu trên địa bàn huyện Châu Thành. Làm việc hưởng theo sản phẩm, thu nhập của chị tại công ty giờ được hơn 3 triệu mỗi tháng; thời gian còn lại chị nhận sửa quần áo tại nhà cũng kiếm thêm kha khá, đủ tiền trang trải cuộc sống cho 3 mẹ con.
Chị Hiền xúc động kể: “Lúc được vận động học nghề, chị cũng đắn đo vì sợ lớn tuổi không làm được việc nhưng nhờ sự chỉ dẫn tận tình của các giáo viên nên học cũng thành thạo. Vui mừng hơn nữa là mình được nhận vào làm việc ngay sau 3 tháng học nghề, có thu nhập ổn định. Hiện tại, chị cũng cho con trai lớn đi học nghề, hy vọng sắp tới có việc làm, cuộc sống của 3 mẹ con sẽ ổn định hơn”.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Châu Thành, mặc dù đạt được một số kết quả tích cực trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm nhưng hiện nay, công tác này vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, Trung tâm GDNN-GDTX huyện có quy mô tuyển sinh đào tạo nhỏ, năng lực tuyển sinh có giới hạn, chỉ đào tạo nghề dưới 3 tháng và sơ cấp; phần lớn doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực gia công, lắp ráp sản phẩm nên tuyển lao động ban đầu không yêu cầu đã qua đào tạo nghề; nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo đơn hàng thường xuyên, nên thường có sự biến động trong sử dụng lao động...
Để làm tốt hơn nữa công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và GDNN đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới, UBND huyện Châu Thành tiếp tục phát huy những việc đã làm được; đồng thời chỉ đạo khắc phục những khó khăn, hạn chế đã nhìn nhận. Trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm mới; tăng cường bố trí nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo nghề cho Trung tâm GDNN-GDTX. Đồng thời, thực hiện chính sách thu hút, ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động GDNN; đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng nâng cao năng lực thực hành cho người học nghề; lựa chọn các nghề phù hợp, hiệu quả, mang tính bền vững nhằm kết nối thông tin giữa người lao động, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Với những giải pháp phù hợp cùng cách làm quyết liệt, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và GDNN trên địa bàn huyện Châu Thành đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Qua đó, thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.