Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại các làng nghề
Những năm qua, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại các làng nghề luôn là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần đẩy lùi việc sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm không an toàn, cơ quan chức năng cùng các địa phương của thành phố Hà Nội đã tích cực kiểm tra, tuyên truyền tới từng hộ sản xuất kinh doanh.
Nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm
Nổi tiếng hơn 500 năm với nghề làm giò, chả, người dân làng nghề Ước Lễ, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) đã chủ động đầu tư máy móc, công nghệ, nhằm đưa ra những sản phẩm giò, chả chất lượng, bảo đảm vệ sinh, ATTP. Bà Nguyễn Thị Loan, thôn Ước Lễ chia sẻ, nhằm bảo đảm cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng, bảo đảm vệ sinh, ATTP, gia đình bà đã đầu tư hệ thống máy xay, máy hấp, bảo quản. Không những thế, nguồn thịt nhập làm giò, chả đều được mua tại các khu chăn nuôi an toàn, người lao động được tập huấn quy trình chế biến bảo đảm ATTP.
Theo Ủy ban nhân dân xã Tân Ước, hiện thôn Ước Lễ còn gần 30 hộ làm nghề giò, chả, hầu hết các hộ đều đầu tư máy móc, dây chuyền chế biến hiện đại để vừa tăng năng suất, vừa bảo đảm vệ sinh, ATTP.
Không riêng gì làng nghề giò, chả Ước Lễ, tại làng nghề truyền thống làm bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) việc nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP cũng đang có sự chuyển biến tích cực. Là chủ hộ sản xuất kinh doanh bún trên địa bàn phường Phú Đô, chị Phạm Thị Duyên cho biết, gia đình chị cũng như nhiều hộ sản xuất bún khác trên địa bàn, mỗi ngày sản xuất hàng tạ bún. Theo chị Duyên, những năm gần đây, sản phẩm bún Phú Đô được chính quyền, địa phương quan tâm nhiều hơn. Nhiều công đoạn sản xuất được thay thế bằng công nghệ tiên tiến, vừa đảm bảo ATTP, vừa đảm bảo chất lượng.
Người dân đã chủ động đầu tư máy móc trong sản xuất như: Máy lọc bột, máy làm ra sợi bún, máy vo gạo, máy xay bột... nên đã tiết kiệm được sức lao động, mỗi ngày có thể làm tới 1-2 tấn gạo một ngày. Nhờ đó, mỗi ngày Phú Đô đưa ra thị trường tiêu thụ lên đến 90 tấn bún.
Tương tự tại phường Xuân Đỉnh và Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), do đang gần đến Trung thu nên các hộ sản xuất bánh trung thu truyền thống tại đây đã bắt đầu tất bật làm việc. Ngoài đầu tư mẫu mã, việc đảm bảo vệ sinh ATTP đang được các cơ sở sản xuất bánh được chú trọng.
Theo bà Bùi Thị Bình, chủ cơ sở bánh trung thu Bình Chung (phường Xuân Tảo), một chiếc bánh ngon phải là một chiếc bánh sạch. Để chuẩn bị cho một mùa Trung thu an toàn, cơ sở sản xuất của gia đình cùng các hộ kinh doanh của làng nghề bánh trung thu truyền thống phường Xuân Tảo đều được tập huấn, tuyên truyền về công tác đảm bảo vệ sinh ATTP.
“Các công nhân của chúng tôi đều được trang bị bảo hộ lao động, găng tay, khám sức khỏe, tập huấn đầy đủ trước khi vào sản xuất. Bên cạnh đó, năm nay, gia đình tôi cũng đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại để tăng năng suất lao động và đảm bảo vệ sinh an toàn hơn”, bà Bình chia sẻ.
Nhờ tiếp cận với công nghệ làm bánh tân tiến, đáp ứng nhu cầu thị trường, toàn bộ công đoạn chế biến, sản xuất đều được sử dụng bằng máy móc công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thương hiệu bánh trung thu tại hai phường Xuân Tảo, Xuân Đỉnh ngày càng được người dân Thủ đô tin dùng.
Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh, ATTP cho người tiêu dùng, thời gian qua, chính quyền, các tổ chức chính trị tại các địa phương trên địa bàn Thành phố đã chủ động có các giải pháp nâng cao ý thức cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Với cương vị là chủ hợp tác xã (HTX) làng nghề truyền thống cốm Mễ Trì, bà Ngô Thị Thức cho biết, những năm qua, HTX làng nghề luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương về công tác ATTP. Vì vậy, thương hiệu “Cốm Mộc Thức” luôn được người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng về chất lượng sản phẩm.
Cứ vào thứ 6 tuần cuối cùng của tháng, HTX tổ chức lớp học, tập huấn về ATTP, cập nhật kiến thức mới cũng như nâng cao nhận thức về ATTP cho các công nhân, thành viên HTX. HTX luôn thực hiện tốt các khâu từ lựa chọn giống lúa, vùng trồng và các nhà cung cấp phân bón hữu cơ để cho bà con thu mua. Làng nghề truyền thống cốm Mễ Trì liên kết và bao tiêu các vùng nguyên liệu do HTX ký kết hợp tác.
Các khâu chế biến đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. HTX đã áp dụng công nghệ chống hàng giả Việt Nam, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đường đi sản phẩm đến tay người tiêu dùng qua tem chíp chống giả công nghệ (TrueData).
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Mễ Trì Đỗ Thị Liên, để bảo đảm ATTP, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về tầm quan trọng của ATTP; cung cấp cho người dân kiến thức, kỹ năng về ATTP một cách bài bản, khoa học. Cùng với đó, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ATTP trên địa bàn; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác này.
Còn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phú Đô Ngô Thị Ngọc cho biết, nhận thức được tầm quan trọng việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hằng năm Hội phụ nữ thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các hộ thực hiện các quy định về ATTP.
Không chỉ vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường còn tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh trên địa bàn lựa chọn sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng ATTP; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, không vì lợi nhuận mà mua bán thực phẩm kém chất lượng.
Đặc biệt, nhiều hoạt động hưởng ứng vì ATTP với những chương trình, kế hoạch cụ thể như: Vận động hội viên phụ nữ và các hộ sản xuất kinh doanh cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát ATTP trên địa bàn phường...
Bên cạnh việc tuyên truyền, các quận, huyện, thị xã cũng đã và đang đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTP bằng việc tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm. Tại quận Bắc Từ Liêm, theo Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thuận, qua kiểm tra, đã xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ quy định về ATTP. Nhờ đó, nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị cho sản xuất kinh doanh thực phẩm, ý thức đảm bảo ATTP có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thời vụ, thường xuyên biến động nên việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm này tại tuyến phường quản lý còn gặp nhiều khó khăn.
Để công tác bảo đảm ATTP của quận đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương đề nghị các đơn vị, phòng, ban tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm về ATTP của Ban Chỉ đạo ATTP quận và phường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động liên ngành trong công tác bảo đảm ATTP; phòng chống ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra cần xử lý nghiêm những vi phạm nhằm cảnh báo cho cộng đồng.