Tăng cường quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 1.506 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống. Trong đó, năm 2019 chuyển sang 1.077 người, số tăng trong kỳ 429 người, số giảm trong kỳ 473 người, số hiện quản lý 1.033 người (nam 913 người, nữ 120 người). Tổng số đối tượng tái phạm tội, vi phạm pháp luật 45 người, gồm xử lý vi phạm hành chính 6 người, xử lý hình sự 39 người.

Huyện đoàn Tân Lạc và Cơ quan thi hành án hình sự huyện hỗ trợ gà giống, giúp thanh niên yếu thế ở xóm Báy, xã Phú Cường đã chấp hành xong án có điều kiện phát triển kinh tế.

Huyện đoàn Tân Lạc và Cơ quan thi hành án hình sự huyện hỗ trợ gà giống, giúp thanh niên yếu thế ở xóm Báy, xã Phú Cường đã chấp hành xong án có điều kiện phát triển kinh tế.

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng (HNCĐ), lập hồ sơ HNCĐ để quản lý theo quy định. Trực tiếp tư vấn, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù làm các thủ tục cấp chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe và các thủ tục hành chính theo thẩm quyền.

Sở Tư pháp đã cập nhật 3.219 thông tin lý lịch tư pháp (LLTP) về án tích, lập mới 633 bản LLTP điện tử, 1.716 phiếu cung cấp thông tin LLTP bổ sung, cung cấp 207 thông tin LLTP cho Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trong cả nước xác định không có án tích, để người bị kết án phạt tù xin việc làm, giải quyết công việc cá nhân và phục vụ cho các đơn vị có liên quan kết thúc hồ sơ quản lý theo quy định. Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các đơn vị cấp huyện, xã tiến hành phối hợp các đơn vị có liên quan giải quyết việc làm, tư vấn việc làm, hỗ trợ vay vốn cho người tái HNCĐ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Các sở, ban, ngành, đơn vị lực lượng vũ trang phối hợp các đoàn thể tiếp tục thực hiện công tác phối hợp giáo dục, cải tạo phạm nhân, trại viên; phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật hỗ trợ cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù tái HNCĐ...

Trong quá trình thực hiện đã có nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù của địa phương, đơn vị. Như Hội Nông dân thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) đã giúp đỡ 9 đối tượng hết thời hạn chấp hành án phạt tù trở thành hội viên; bảo lãnh vay vốn cho 7 người để phát triển kinh tế. Hội Nông dân huyện Cao Phong, Lạc Thủy bảo lãnh cho 10 người vay vốn để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, phòng chống tái phạm tội và vi phạm pháp luật (Cao Phong 2 người, Lạc Thủy 8 người).

Để tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình về công tác tái HNCĐ, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội phối hợp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi, người chấp hành xong án phạt tù chưa tiến bộ tại cộng đồng dân cư; xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, điển hình tiêu biểu. Đưa nội dung thực hiện biện pháp bảo đảm tái HNCĐ đối với người chấp hành xong án phạt tù vào chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác dân vận của các lực lượng. Hiện, các đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động 10 mô hình về tái HNCĐ. Một số địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả, tiêu biểu như: Mô hình "Phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái HNCĐ” của xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) đã giúp đỡ tái HNCĐ cho 2 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống; mô hình "Cảm hóa, giáo dục đối tượng chấp hành xong án phạt tù” của Công an phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 27 lượt người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống... Bên cạnh các mô hình điển hình xuất hiện các cá nhân tiến bộ tiêu biểu, điển hình tiên tiến như: Anh Nguyễn Tiến Đoàn, trú tại tổ 7, phường Tân Thịnh, UV BCH Hội Cựu chiến binh phường thực hiện tốt công tác tái HNCĐ, trực tiếp tạo việc làm cho 1 người tái HNCĐ; anh Bùi Thành N, trú tại tổ 13, phường Tân Thịnh sau khi chấp hành xong án phạt tù về địa phương kinh doanh sửa chữa điện thoại di động, tạo việc làm cho 5 lao động, có thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng; anh Nguyễn Mạnh Th, trú tại tổ 16, phường Tân Thịnh sau khi chấp hành xong án phạt tù về địa phương kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho 3 lao động, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng...

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, công tác tái HNCĐ cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống được thực hiện nghiêm túc, sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm, hành động cụ thể của chính quyền các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và Nhân dân. Tình hình ANTT được giữ vững, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

V.H

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/150036/tang-cuong-quan-ly,-giao-duc,-giup-do-nguoi-chap-hanh-x111ng-an-phat-tu-tro-ve-dia-phuong.htm