Tăng giờ làm thêm và sức khỏe người lao động
Nghị trường của Việt Nam đang nóng lên bởi cuộc thảo luận dự án sửa đổi Luật Lao động về việc có nên hay không nên tăng khung giờ làm thêm trong một năm đối với người lao động.
Làm sao để hài hòa hóa quan hệ lao động vì mỗi người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung trong bối cảnh Việt Nam đang cạnh tranh với quốc tế? Tuần Việt Nam xin mở Diễn đàn về chủ đề này với hi vọng nhận được các ý kiến đa chiều nhân dịp Bộ Luật Lao động được sửa đổi. Xin gửi bài về tuanvietnam@vietnamnet.vn.
Có nhiều ý kiến trái chiều. Vậy cơ sở nào để tăng hay không tăng, thậm chí giảm giờ làm thêm đối với người lao động, đặc biệt trong khối doanh nghiệp?
Chẳng phải ngẫu nhiên mà cả thế giới từ xưa đã nhận thấy, để đảm bảo sức khỏe con người có thể làm việc lâu dài, thời gian làm việc hàng ngày chỉ nên kéo dài 8 giờ/ngày.
Làm việc trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp, có nhiều nghiên cứu và có nhiều dịp đưa sinh viên, học viên đi thực tập đánh giá việc điều kiện an toàn – vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất, tôi xin nêu một số ý kiến liên quan đến chế độ lao động – nghỉ ngơi và sức khỏe của người lao động trong các doanh nghiệp, từ đó có thể nhìn nhận vấn đề tăng hay không tăng giờ làm thêm một cách khách quan và khoa học.
Trước tiên, đó là thời gian làm việc thực tế hiện nay trong các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trung bình 9 – 10 giờ/ngày.
Ví dụ thứ nhất, tại một doanh nghiệp may xuất khẩu tại tỉnh Hà Nam (xin được giấu tên), thời gian làm việc từ 7h30 sáng đến 6h tối, trong đó có 30 phút nghỉ ăn trưa. Tức là người lao động phải làm 10 giờ/ngày.
Nhưng thực tế, nhiều người lại xin làm thêm đến 7h tối. Những lúc thời vụ, họ có thể phải làm đến 11 – 12 giờ/ngày. Có người đến giờ tan ca còn xin làm thêm, không phải vì “thích”, mà chẳng qua chưa làm đủ định mức, hoặc với tiền công ít ỏi được trả, họ chưa đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, nên phải làm thêm.
Ví dụ thứ 2, trong một nghiên cứu của chúng tôi tại các doanh nghiệp cơ khí nhỏ và siêu nhỏ của một huyện ngoại thành Hà Nội, người lao động làm trung bình 9 giờ/ngày, chưa kể thời vụ. Với cường độ làm việc cao, không nghỉ giải lao giữa giờ nên đã có 34,1% số người bị tai nạn lao động.
Tai nạn lao động đồng nghĩa với những tổn thất về sức khỏe và năng suất lao động. Như vậy, hiệu quả lao động thấp ở Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Càng tổn thất khi người sử dụng lao động buộc trả lương thấp và thúc bách người lao động làm thêm giờ...
Còn sức khỏe người lao động ra sao nếu cứ kéo dài thời gian lao động hàng ngày như vậy? Rất nhiều nghiên cứu trong nước về sức khỏe nói chung và sức khỏe tâm thần của người lao động ở Việt Nam đã được đề cập.
Trong kết quả nghiên cứu đề tài nhà nước KC 10–16 của chúng tôi năm 2001 – 2004: “Sức khỏe tâm thần của người Việt Nam trong thời kỳ chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường”, nghiên cứu trong 10 ngành nghề, cho biết tỷ lệ người lao động bị rối loạn tâm thần trung bình là 10,5%. Có ngành tỷ lệ này lên tới 20,5%.
Đó là câu chuyện của gần hai mươi năm về trước [2], [3]. Còn hiện nay, tỷ lệ người lao động bị stress, trầm cảm và lo âu có xu hướng cao hơn. Theo khảo sát của Bệnh viện Bạch Mai, có khoảng 15% dân số (tương đương khoảng 13,5 triệu người) Việt Nam đang mắc các rối loạn tinh thần phổ biến và khoảng 3 triệu người mắc các rối loạn tinh thần nặng.
Nguyên nhân chủ yếu do làm việc suốt ngày đêm, áp lực công việc lớn, căng thẳng... Tỷ lệ công nhân bị stress trong ngành may mặc đã lên đến 71% [2], ở điều dưỡng viên và nhân viên y tế 18,5% - 47% [4], [5], [6], [7]. Tỷ lệ người lao động bị các rối loạn trầm cảm và lo âu trong các nghiên cứu trên tương đương là 18,4% - 26,5% và 14,7% - 33,2%.
Tình trạng stress kéo dài là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo âu. Đây là hai bệnh lý tâm thần phổ biến hiện nay, ảnh hưởng không chỉ chất lượng cuộc sống của người bệnh, mà còn để lại nhiều hậu quả kinh tế - xã hội. Như vậy, vấn đề sức khỏe tâm thần ở Việt Nam đã ở mức cần được đặc biệt lưu ý.
Chúng ta vẫn nói, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Sức khỏe tâm thần là cấu phần quan trọng của sức khỏe. Nhưng chúng ta đang hành động khác nếu như tiếp tục tăng giờ làm thêm đối với người lao động.
Những người nghèo thường là người khó khăn về kinh tế, có sức khỏe kém, chính là những người đang phải lao động quá giờ nhiều nhất. Nếu tăng giờ làm thêm, họ lại là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Chất lượng cuộc sống của họ sẽ ra sao nếu cứ tăng stress công việc bằng tăng giờ làm thêm?
Có một điều phi lý đang tồn tại trong nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Đó là, để có năng suất hơn, đa số người sử dụng lao động chỉ nghĩ đến tăng giờ làm. Họ có biết rằng, thế giới đã chứng minh, nếu doanh nghiệp mất 10–15 phút cho công nhân nghỉ ngắn giữa giờ để tập thể dục hoặc giải lao, năng suất lại tăng và tỷ lệ phế phẩm lại giảm đi.
Bản thân người lao động sẽ kịp phục hồi và minh mẫn, tỉnh táo hơn, tránh được các tai nạn lao động thường xảy ra vào cuối buổi như đã nêu trên. Đó là chưa kể nhiều bất cập trong tổ chức lao động như chiếu sáng không đúng gây sấp bóng, nhìn khó hơn, chóng mỏi mắt hơn nên năng suất kém hơn, và có thể bị tai nạn; thao tác không hợp lý gây tổn thất về thời gian...
Bài học “Kaizen” (cải tiến) nơi làm việc đã tạo nên sức mạnh cho các doanh nghiệp ở Nhật Bản mà cả thế giới đều biết đến. Vậy liệu những người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam có biết đến và áp dụng để tạo ra sức mạnh cho doanh nghiệp và cho chính người lao động, thay vì chỉ biết kéo dài thời gian làm việc?
Tại sao không huy động trí tuệ của người lao động để phát huy sáng kiến, hợp lý hóa tổ chức lao động và thao tác, hợp lý hóa dây truyền sản xuất để có năng suất cao hơn mà không cần tăng giờ làm? Đây cũng chính là lý do tại sao cùng một sản phẩm mà giá thành của nó ở Việt Nam luôn cao hơn các nước khác.
Đầu những năm 2000, Bộ Y tế đã có dự án WISE (Work Improvement for Small Enterprises) giúp cho các doanh nghiệp nhỏ cải thiện điều kiện lao động với công cụ là cuốn “Năng suất cao hơn, nơi làm việc tốt hơn” của Tổ chức Lao động Quốc tế.
Nếu các doanh nghiệp làm tốt theo phương pháp này, sẽ không cần tăng thêm giờ làm đối với người lao động mà năng suất vẫn cao, sản phẩm chất lượng hơn.
Tóm lại, có nhiều cách để tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm, chứ không nhất thiết phải tăng giờ làm thêm. Nếu chúng ta tăng giờ làm thêm, vô hình chung sẽ tăng gánh nặng về thể lực và trí tuệ đối với người lao động.
Thiết nghĩ, đó mới là tư duy hành động của thời đại 4.0 vì sức khỏe của người lao động và tương lai của một dân tộc khỏe mạnh. Chúng ta không nên đánh đổi sức khỏe của người lao động bằng bất kỳ giá nào.
PGS.TS Nguyễn Bạch Ngọc
Chú thích:
1. Nguyễn Bạch Ngọc và cs. (2017). Đặc điểm tai nạn lao động và một số yếu tố liên quan tại các doanh nghiệp cơ khí nhỏ và siêu nhỏ ở một xã ngoại thành Hà Nội năm 2017. Tạp chí Y học dự phòng, Tập 27, số 8, tr. 458 – 464
2. Trần Viêt Nghị, Lã Thị Bưởi, Nguyễn Bạch Ngọc và cs. (2004). Đề tài khoa học cấp nhà nước KC 10 – 16 “Sức khỏe tâm thần của người Việt Nam trong thời kỳ chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường”
3. Lã Thị Bưởi và Trần Viết Nghị (2004). Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ lâm sàng rối loạn lo âu ở công nhân may của công ty Lê Trực và Minh Khai thành phố Hà Nội. Tạp chí Y học Dự phòng. 28(2), tr. 81-86
4. Trịnh Hồng Lân và cs. (2010). Stress nghề nghiệp ở công nhân ngành may công nghiệp tại một số tỉnh phía nam. Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh. 14(1), tr. 3-5. 14(1), tr. 3-5.
5. Ngô Thị Kiều My, Trần Đình Vinh và Đỗ Mai Hoa (2014). Tình trạng stress của điều dưỡng và hộ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng năm 2014. Tạp chí Y tế Công cộng. 34. Tr 57 - 62.
6. Trần Thị Thu Thủy và Nguyễn Thị Liên Hương (2016), "Thực trạng căng thẳng và một số yếu tố nghề nghiệp liên quan đến căng thẳng ở điều dưỡng tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức năm 2015", Tạp chí Y tế Công cộng. 40. Tr.20 – 25.
7. Dương Thành Hiệp, Trần Thanh Hải và Tạ Văn Trầm (2014), "Tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh bị stress nghề nghiệp tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre năm 2014", Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh. 18(5), tr. 190 - 196.