Tăng khả năng cạnh tranh nhờ vốn khuyến công

Thời gian qua, nguồn vốn khuyến công đã giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nâng cao chất lượng sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Sản phẩm tốt hơn, doanh thu cao hơn

Hợp tác xã Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Quảng Trạch) chuyên sản xuất giống nấm, nấm ăn và nấm dược liệu, xuất khẩu nấm. Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, năm 2021, được chương trình khuyến công hỗ trợ vốn, Hợp tác xã đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ cao và dây chuyền chiết xuất nước mắm nấm. Nhờ vậy, sản xuất sản phẩm cao linh chi Tuấn Linh và nước mắm chay Tuấn Linh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Chương trình khuyến công của Quảng Bình đã đạt 50% kế hoạch đề ra

Chương trình khuyến công của Quảng Bình đã đạt 50% kế hoạch đề ra

Theo ông Hương, chương trình khuyến công đã giúp Hợp tác xã giải quyết một phần khó khăn về tài chính, có dây chuyền công nghệ hiện đại, sản xuất được các sản phẩm có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh và tăng doanh thu.

Hiện tại, Hợp tác xã Tuấn Linh có 17 sản phẩm sau chế biến, trong đó có 9 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, 3 sao; 1 sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia, 3 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hợp tác xã giải quyết việc làm cho 25 lao động thường xuyên và 425 nông hộ trồng nấm với thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Ông Hương mong muốn tiếp tục được khuyến công hỗ trợ để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm mới hướng tới xuất khẩu.

Tương tự, năm 2021, Hợp tác xã Sản xuất tinh dầu Như Oanh (Nam Trạch, Bố Trạch) được chương trình khuyến công hỗ trợ đầu tư máy móc hiện đại. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Thị Như Oanh cho biết, sản phẩm tinh dầu của đơn vị đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn, có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Đức, Hungary… Doanh thu hàng năm đạt 3 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận 1,2 tỷ đồng. Hợp tác xã giải quyết việc làm cho 12 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, riêng lao động đứng xưởng từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Tiếp nối những kết quả tích cực đã đạt được, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình (Trung tâm) cho biết, năm 2022 vốn khuyến công quốc gia cấp cho tỉnh là 1 tỷ đồng cho một mô hình, khuyến công địa phương là 3,5 tỷ đồng. Trung tâm đã cho 18 cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực may mặc, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, trầm hương... Qua kiểm tra sơ bộ khuyến công đợt 1 năm 2022, các đơn vị đã đầu tư máy móc trang thiết bị mới, hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện hỗ trợ. Một số đơn vị sản xuất hiệu quả, chất lượng sản phẩm tốt, khi ra thị trường được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, tạo dựng được thương hiệu.

Sử dụng nguồn vốn hiệu quả

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Lê Mậu Khánh, quá trình triển khai chương trình khuyến công vẫn còn nhiều khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình đầu tư các trang thiết bị, chuyển giao công nghệ. Tiến độ thực hiện các đề án chậm hơn. Bên cạnh đó, một số cơ sở công nghiệp nông thôn vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu hỗ trợ do máy móc thiết bị còn hạn chế, lạc hậu. Quan trọng nhất là các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khuyến công vẫn chưa thực sự đến với các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.

Tới đây, Trung tâm sẽ tiếp tục tư vấn cho các đơn vị, cơ sở công nghiệp nông thôn đạt yêu cầu hoàn tất các thủ tục, hồ sơ liên quan trình Sở Công thương để tiến hành hỗ trợ.Tăng tính liên kết, hợp tác với các làng nghề, các cơ sở với các tổ chức, cá nhân để sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành chuỗi tiêu thụ vững chắc. Cùng với đó,sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn vốn khuyến công, tạo sự lan tỏa trong phát triển sản xuất. Ông Khánh đề xuất Bộ Công thương, Cục Công thương địa phương quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện các đề án khuyến công; phê duyệt các đề án tỉnh đã trình để sớm triển khai; tăng cường trao đổi nâng cao hoạt động khuyến công.

Chánh văn phòng Sở Công thương Quảng Bình Lê Thị Hải Vân cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Sở tiếp tục triển khai các đề án khuyến công quốc gia năm 2022. Bên cạnh đó, xây dựng và đăng ký kế hoạch Khuyến công quốc gia năm 2023 trình Bộ Công thương, Cục Công thương địa phương phê duyệt. Tiếp tục tư vấn, hướng dẫn các đơn vị hỗ trợ vốn khuyến công - xúc tiến thương mại đợt 2 năm 2022.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/tang-kha-nang-canh-tranh-nho-von-khuyen-cong-i291405/