Tăng quyền chủ động của công đoàn trong công tác cán bộ

Trước yêu cầu ngày càng cao của việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn, việc sửa đổi, bổ sung quy định tăng quyền chủ động cho Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trong công tác cán bộ như quy định tại Điều 26 dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là cần thiết. Điều này tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn, khắc phục tình trạng cào bằng trong phân bổ biên chế hiện nay.

Bảo đảm công tác tổ chức cán bộ

Trước yêu cầu ngày càng cao của việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, tại phiên thảo luận hội trường Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa qua về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, việc trao quyền chủ động cho Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là lao động hợp đồng trong các cơ quan chuyên trách và ở công đoàn cơ sở nhằm bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng giai đoạn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức công đoàn.

Theo ĐBQH Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh), trong bối cảnh xuất hiện cạnh tranh công đoàn, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ của công đoàn càng đặc thù và nặng nề, nhưng biên chế công đoàn lại rất thấp so với yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Do đó, việc đề xuất tăng thẩm quyền cho Tổng LĐLĐ Việt Nam trong công tác cán bộ tại Điều 26 của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là phù hợp với tinh thần hiện nay và phù hợp định hướng phát triển của công đoàn.

Cán bộ công đoàn khảo sát tình hình lao động, sản xuất của đoàn viên, người lao động. Ảnh: Minh Châu

Cán bộ công đoàn khảo sát tình hình lao động, sản xuất của đoàn viên, người lao động. Ảnh: Minh Châu

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) đề nghị bổ sung quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong đó, tăng quyền chủ động của công đoàn trong việc bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đại biểu, thời gian tới, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở sẽ tiếp tục tăng, nhưng biên chế cho cán bộ công đoàn chuyên trách có giới hạn. Dẫn chứng cụ thể, hiện nay một số công đoàn cấp trên trực tiếp quản lý từ 6.000 đoàn viên trở lên nhưng biên chế chỉ 1 - 2 cán bộ chuyên trách; hay như một số công đoàn khu công nghiệp, LĐLĐ huyện có những đơn vị quản lý trên 130.000 đoàn viên nhưng biên chế cán bộ chuyên trách chỉ từ 8 - 10 người.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy rất khó khăn cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát của hoạt động công đoàn và công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Mặt khác, đại biểu cũng đề nghị, cần quan tâm bố trí cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động chuyên trách theo quy mô, số lượng đoàn viên ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho phù hợp.

Bảo đảm quyền lợi của cán bộ công đoàn

Bên cạnh đề xuất nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn, nhiều ý kiến cũng đề nghị, tại Khoản 2, Điều 28 về bảo đảm quyền lợi cán bộ công đoàn, dự thảo Luật cần sửa đổi theo hướng quy định việc đơn vị sử dụng lao động khi sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải có sự thỏa thuận và ý kiến của công đoàn cấp trên, thay vì quy định phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở.

Theo ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La), thực tiễn việc người sử dụng lao động sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn cần có ý kiến thỏa thuận của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở khó bảo đảm tính thực tiễn, không thực chất. Cán bộ công đoàn cơ sở là người lao động do người sử dụng lao động tuyển dụng, trả lương, bố trí công việc. Do vậy, rất khó để bày tỏ quan điểm trái chiều, nhất là về công tác cán bộ công đoàn. Theo đó, dự thảo Luật nên điều chỉnh theo hướng những vấn đề liên quan đến nhân sự của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở cần có sự thỏa thuận và ý kiến của công đoàn cấp trên. Vì đây là tổ chức độc lập, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên ý kiến của họ sẽ khách quan, toàn diện và thực chất hơn.

Ngoài ra, tại Khoản 3, Điều 28 quy định: “Trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị đơn vị sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì Công đoàn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp; nếu được ủy quyền thì Công đoàn đại diện khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn; đồng thời, hỗ trợ tìm việc làm mới và trợ cấp trong thời gian gián đoạn việc làm theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam”.

ĐBQH Đinh Công Sỹ đề nghị, cần làm rõ cấp công đoàn được quy định trong dự thảo nêu trên, cụ thể là công đoàn cấp nào (công đoàn cơ sở hay cấp trên cơ sở). Bởi, việc quy định không rõ, chung chung sẽ rất dễ dẫn đến việc các cấp công đoàn đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau hoặc không có cơ sở pháp lý để nhận trách nhiệm. Cùng với đó, một số ĐBQH cũng cho rằng, cần có chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn hữu hiệu, tạo được động lực cho cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ. Đây là điều kiện tiên quyết để công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở.

HẢI DƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/tang-quyen-chu-dong-cua-cong-doan-trong-cong-tac-can-bo-i377048/