Tăng tốc đàm phán thương mại

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ lợi ích quốc gia trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ

Ấn Độ và Mỹ có khả năng sắp hoàn tất một thỏa thuận thương mại tạm thời trong bối cảnh thời điểm Washington dự kiến dỡ bỏ lệnh tạm hoãn áp thuế (ngày 9-7) đang đến gần.

Theo đài NDTV ngày 3-7, nhóm đàm phán thương mại của Ấn Độ đã kéo dài thời gian lưu lại thủ đô Washington nhằm giải quyết những khác biệt then chốt giữa hai bên.

Mỹ muốn Ấn Độ mở cửa thị trường cho các loại cây trồng biến đổi gien - một "lằn ranh đỏ" lâu nay đối với New Delhi, vốn lo ngại về rủi ro cho nền nông nghiệp trong nước. Mỹ cũng đang thúc đẩy việc tiếp cận thị trường lớn hơn đối với các ngành nông nghiệp và sữa của Ấn Độ.

Trong khi đó, Ấn Độ được cho là đang thúc đẩy việc giảm thuế có ý nghĩa đối với các mặt hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như giày dép, sản phẩm may mặc và da thuộc.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick (trái) và Bộ trưởng Thương mại - Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal tại cuộc gặp ở thủ đô Washington - Mỹ hôm 23-5. Ảnh: THE TIMES OF INDIA

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick (trái) và Bộ trưởng Thương mại - Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal tại cuộc gặp ở thủ đô Washington - Mỹ hôm 23-5. Ảnh: THE TIMES OF INDIA

Trọng tâm của thỏa thuận đã thu hẹp lại, chỉ còn xoay quanh việc cắt giảm hoặc loại bỏ thuế đối ứng khi các quan chức hai nước kêu gọi ưu tiên hạ thấp rào cản thuế quan nói chung. Tổng thống Donald Trump hôm 1-7 tái khẳng định Mỹ và Ấn Độ sẽ sớm đạt được một thỏa thuận thương mại với mức thuế quan "thấp hơn nhiều", cho phép hai nước cạnh tranh. Nếu đàm phán thất bại, hàng hóa xuất khẩu từ Ấn Độ sang Mỹ sẽ phải chịu thuế 26% từ ngày 9-7.

Hàn Quốc và Mỹ cũng đang tiếp tục đàm phán nhằm giảm mức thuế quan đối ứng 25% do chính quyền ông Donald Trump áp đặt.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung ngày 3-7 cho biết chính phủ đã nỗ lực hết sức trong tiến trình đàm phán thuế quan với Mỹ nhưng ông không thể khẳng định liệu đàm phán có thể kết thúc trước thời hạn nói trên hay không. Theo AP, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh hai nước cần đạt được thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.

Trong khi đó, Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Maroš Šefčovič đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer ngày 3-7 trong vòng đàm phán thương mại có thể mang tính quyết định.

Ở chặng cuối của tiến trình đàm phán, theo trang Politico, EU tiếp tục gây sức ép nhằm hạ mức thuế cơ bản 10% mà ông Donald Trump đã áp đặt lên hầu hết đối tác thương mại của Mỹ hồi tháng 4.

Tuy nhiên, EU cũng đã phát tín hiệu rằng họ có thể chấp nhận mức thuế 10% này nếu các điều kiện khác được đáp ứng, như hỗ trợ ngay lập tức một số ngành công nghiệp cụ thể.

Bên cạnh đó, cuộc đàm phán tương tự giữa Mỹ và Nhật Bản đang gặp không ít thách thức. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm 2-7 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ lợi ích quốc gia trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ.

Theo ông Ishiba, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Mỹ và là một trong những nước tạo ra nhiều việc làm nhất tại đó, khiến Tokyo trở thành "một trường hợp khác biệt so với các quốc gia khác". Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ là điều quan trọng nhưng nhấn mạnh rằng đầu tư - chứ không phải thuế quan - mới là giải pháp cốt lõi.

Trước đó một ngày, Tổng thống Donald Trump tỏ ra hoài nghi về khả năng đạt được thỏa thuận với Tokyo và đề cập khả năng tiếp tục tăng thuế lên 30% hoặc 35%. Nhật Bản đang phải chịu mức thuế 25% do Mỹ áp đặt đối với ô tô và linh kiện ô tô, cùng với mức thuế 50% đối với thép và nhôm.

Mỹ - Trung "hạ nhiệt"

Mỹ đã hủy bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với phần mềm thiết kế chip sang Trung Quốc - theo 3 công ty lớn nhất trong lĩnh vực này ngày 3-7. Trong các tuyên bố riêng biệt, Siemens AG, Synopsys và Cadence đều cho biết họ đã nhận được thư từ Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng các biện pháp kiểm soát được dỡ bỏ.

Synopsys và Cadence là công ty Mỹ trong khi Siemens AG là tập đoàn Đức nhưng có công ty con chuyên về phần mềm thiết kế chip (Siemens EDA) đặt trụ sở tại bang Oregon - Mỹ. Ba công ty này được xem là trụ cột trong thị trường tự động hóa thiết kế điện tử (EDA). Đây là thị trường do Mỹ thống trị, với các lĩnh vực bao gồm phần mềm, phần cứng và các dịch vụ thiết yếu để thiết kế chip và thiết bị bán dẫn. Theo Công ty Nghiên cứu TrendForce, trong năm 2024, Synopsys, Cadence và Siemens EDA lần lượt nắm giữ thị phần toàn cầu của mảng này là 31%, 30% và 13%.

Siemens ngày 3-7 cho kênh CNBC biết họ đã "khôi phục quyền truy cập đầy đủ" vào các phần mềm và công nghệ từng bị hạn chế gần đây, đồng thời nối lại hoạt động bán hàng và hỗ trợ cho khách hàng Trung Quốc. Synopsys và Cadence cũng có các bước đi tương tự.

Trước đó, vào ngày 23-5, chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty phần mềm thiết kế chip phải xin giấy phép trước khi xuất khẩu phần mềm và các công nghệ bán dẫn khác sang Trung Quốc. Động thái này nối tiếp các lệnh siết chặt kiểm soát đối với các sản phẩm bán dẫn khác, bao gồm lệnh hạn chế bán các bộ xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến của 2 công ty Nvidia và AMD cho Trung Quốc.

Hồi tuần trước, Trung Quốc xác nhận đã đạt được các thỏa thuận có điều kiện để nối lại một số hoạt động giao dịch liên quan đến đất hiếm và công nghệ tiên tiến với Mỹ.

Hải Ngọc

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tang-toc-dam-phan-thuong-mai-196250703215749996.htm