Tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quy hoạch đô thị và nông thôn

Bộ Xây dựng đề xuất bảo đảm việc phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, chính quyền địa phương trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn trên cả nước.

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 trên quan điểm bảo đảm việc phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, chính quyền địa phương trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết kể từ khi Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 được ban hành và có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền các nghị định quy định về công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 4/7/2010, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015).

Tới nay, qua một thời gian dài triển khai áp dụng, các nghị định trên đã cho thấy một số bất cập, chồng chéo, vướng mắc.

Cụ thể, trình tự, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị còn nhiều hạn chế do cách hiểu về quy định còn khác nhau, chưa rõ ràng, chưa thống nhất, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương và các chủ thể liên quan quy hoạch đô thị và nông thôn trong triển khai thực hiện.

Nội dung quy định về quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch tại các nghị định hiện hành cũng có sự chồng chéo với pháp luật về quản lý đô thị.

Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025, do vậy, cần phải sửa đổi, thay thế Nghị định số 37/2010/NĐ-CP, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với một số nội dung mới được bổ sung, sửa đổi trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024.

"Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung hiện hành để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc quản lý quy hoạch,” đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng nhằm kịp thời khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tế, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các pháp luật liên quan và có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, dự thảo nghị định được xây dựng trên quan điểm bảo đảm việc phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, chính quyền địa phương trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Theo Bộ Xây dựng, trong những năm qua, tổ chức bộ máy trong quản lý quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch nông thôn và quy hoạch đô thị đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy phát triển tại khu vực đô thị và nông thôn. Vì vậy, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ không làm tăng biên chế, không tạo ra yêu cầu về bổ sung nguồn nhân lực cho bộ máy nhà nước, không tạo ra sự cồng kềnh trong tổ chức, biên chế của Nhà nước và các tổ chức thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành.

Về thời gian lập quy hoạch chung, Bộ Xây dựng đề xuất đối với thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan địa giới hành chính của từ 2 tỉnh trở lên, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 3 tháng, thời gian lập quy hoạch không quá 15 tháng.

Đối với thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới không thuộc trường hợp thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới và khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 2 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng. Thị trấn và xã, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 1 tháng, thời gian lập quy hoạch không quá 9 tháng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tang-trach-nhiem-cua-chinh-quyen-dia-phuong-trong-quy-hoach-do-thi-va-nong-thon-post1011064.vnp