Tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng gấp 1,24 lần bình quân cả nước
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của vùng Đồng bằng sông Hồng đứng thứ 3/6 vùng kinh tế, gấp 1,24 lần so với bình quân chung cả nước...
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo về tình hình triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy, qua hơn 1 năm triển khai Nghị quyết về phát triển, vùng Đồng bằng Sông Hồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 21 chỉ tiêu phát triển, 36 nhiệm vụ và 20 dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của vùng cần thực hiện đến năm 2030, đến nay đã hoàn thành 3 nhiệm vụ; phê duyệt quy hoạch 9/11 tỉnh trong Vùng; các đề án lớn đang được các bộ, địa phương chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan triển khai theo tiến độ.
Về 20 dự án quan trọng, liên kết vùng đã khởi công 7 dự án; đang triển khai các thủ tục đầu tư 8 dự án; dự án còn lại được các bộ, ngành, địa phương xây dựng lộ trình nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngay sau khi Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 được ban hành, các bộ, ngành, địa phương trong vùng đã khẩn trương quán triệt các nội dung, ban hành kế hoạch hành động, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết và đạt kết quả tích cực sau hơn 1 năm triển khai.
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Vùng đạt tới 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng trên vùng Đông Nam Bộ), gấp 1,24 lần so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%). Quy mô kinh tế giá hiện hành đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm gần 30,1% GDP cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Đông Nam Bộ 30,2%); GRDP bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ 166 triệu USD).
Đáng chú ý, thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất nước ước đạt 17,382 tỷ USD, trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 720 nghìn tỷ đồng, đứng đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế GRDP của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế của toàn vùng.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trong quý I/2024, GRDP bình quân của Vùng đạt 6,3% (bình quân cả nước 5,66%), thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 94 nghìn tỷ đồng, bằng 37% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công của Vùng ước 4 tháng đạt hơn 25.128 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch năm (cả nước 17,5%).
Bổ sung cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển vùng
Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, vùng Đồng bằng Sông Hồng vẫn còn một số khó khăn về hạ tầng đô thị, các vấn đề về môi trường có tính liên vùng; khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên nhân của những khó khăn trên là do thời gian thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ được hơn 1 năm, trong khi các nhiệm vụ, giải pháp đề ra có tính dài hạn, thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chưa bảo đảm do Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao từ năm 2021, trước khi Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và đầu tư của Vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; trong đó gồm các công trình giao thông đường bộ quan trọng của Vùng được áp dụng một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương.
Đồng thời trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4, trong đó áp dụng cơ chế đặc thù riêng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án và trình Chính phủ cho phép kéo dài thời gian áp dụng chính sách.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án về đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn; Nghị định về hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ cao; các chính sách quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát...để áp dụng chung cho Vùng.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong vùng rà soát và đề xuất cơ chế chính sách đặc thù về phát triển Vùng để sớm hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, UBND TP. Hà Nội đã hoàn thiện Hồ sơ tổng kết, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai 10 nhiệm vụ đã giao năm 2023 và đề xuất nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với cảng biển, trung tâm logistics; nội dung liên quan đến thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút nhân tài cho Vùng.
Với các dự án quan trọng, liên kết vùng: Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công. Đối với dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai, các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục cần thiết (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư) để sớm khởi công dự án; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và thành viên Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng góp ý cho các cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng, đây là nhiệm vụ cần sự nghiên cứu, phối hợp với cơ quan liên quan, có thời gian triển khai trong năm tiếp theo.
Chất lượng cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Hồng ngày càng được cải thiện, 4/11 địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước; trong đó, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, Hà Nội đứng thứ 4, Hải Phòng thứ 7, Bắc Ninh thứ 8.