Tăng trưởng suy yếu, Trung Quốc buộc phải cắt giảm lãi suất
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bất ngờ giảm chi phí vay trung hạn lần đầu tiên kể từ tháng 4-2020 giữa lúc số liệu tăng trưởng GDP kém kỳ vọng do sức tiêu dùng trong nước ảm đạm, thị trường nhà đất suy thoái và những tác động tiêu cực khác của đại dịch Covid-19.
Một dự án chung cư thi công dang dở ở TP. Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: NY Times
Hôm 17-1, PBoC thông báo giảm lãi suất 10 điểm cơ bản, từ 2,95% xuống còn 2,85%/năm đối với các khoản vay trị giá tổng cộng 700 tỉ nhân dân tệ (110,19 tỉ đô la Mỹ) có kỳ hạn 1 năm dành cho một số tổ chức tài chính. PBoC cũng hạ lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 2,2% xuống còn 2,1% khi bơm thêm 100 tỉ nhân dân tệ thông qua hợp đồng repo đảo ngược vào hệ thống ngân hàng trong cùng ngày. Hợp đồng repo đảo ngược là một giao dịch mà một ngân hàng trung ương mua giấy tờ có giá của các ngân hàng thương mại, đồng thời cam kết bán lại chúng với một mức giá cụ thể vào một thời điểm trong tương lai.
Động thái trên của PBoC được đưa ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có những dấu hiệu chững lại giữa lúc các mối lo ngại về sức khỏe tài chính của các nhà phát triển bất động sản và đà lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đang phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng.
Hôm 17-1, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết GDP của Trung Quốc trong quí 4-2021 tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, chậm hơn so với mức tăng trưởng 4,9% của quí 3. Tính tổng thể cả năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,1%.
Trong tháng 12, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước đó, tuy nhiên, doanh số bán lẻ chỉ tăng 1,7%, thấp hơn mức dự báo 3,7% của các nhà kinh tế. Thương mại là điểm sáng trong năm ngoái, với xuất khẩu tăng lên mức kỷ lục 3,36 nghìn tỉ đô la do nhu cầu mạnh hàng hóa Trung Quốc từ Mỹ, châu Âu và châu Á đều tăng mạnh.
Thông báo của NBS cho biết: “Chúng ta phải nhận thức rằng môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp và không chắc chắn. Nền kinh tế trong nước đang chịu áp lực gấp ba lần nhu cầu co lại, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu”.
Các nhà phân tích cho biết quy mô và thời điểm giảm lãi suất gây bất ngờ lớn và họ tin rằng Trung Quốc sẽ kích thích tiền tệ hơn nữa trong thời gian tới.
Carlos Casanova, nhà kinh tế ở Ngân hàng Union Bancaire Privee, cho biết mức giảm lãi suất 10 điểm cơ bản là lớn hơn so với kỳ vọng, cho thấy giới chức trách đang rất lo lắng về tình trạng suy yếu của nền kinh tế.
Ông dự báo PBoC sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng thương mại thêm 100 điểm cơ bản nữa trong năm nay.
Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối phụ trách khu vực châu Á tại Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), nói: “Quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của PBOC cho thấy áp lực suy giảm của nền kinh tế gia tăng vào cuối năm 2021 và dư địa để cải thiện trong quí đầu tiên của năm nay là không lớn”.
Nền kinh tế Trung Quốc trải qua nhiều cú sốc vào nửa cuối năm ngoái bao gồm thiếu điện, hàng loạt vụ vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản, các đợt bùng phát dịch liên tiếp.
Triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 của Trung Quốc vẫn không rõ ràng khi cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở vẫn chưa kết thúc, nhu cầu toàn cầu được dự báo chậm lại, biến thể Omicron vẫn đang lây lan nhanh trong và ngoài nước.
Sản lượng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ yếu trong tháng này do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, tình trạng gián đoạn kinh doanh do các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt ở Tây An, Thiên Tân, một số thành phố ở tỉnh Chiết Giang cũng như việc hạn chế sản xuất áp dụng đối với các ngành công nghiệp nặng ở miền bắc Trung Quốc nhằm đảm bảo bầu trời xanh cho Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh sắp tới.
Khi các công ty bất động sản ở Trung Quốc tìm cách bảo tồn tiền mặt, họ xây dựng ít dự án hơn, và đó đã là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế. Ví dụ, giá thép cốt đã giảm 25% trong tháng 10 và tháng 11. Đà sụt giảm giá nhà ở các thành phố nhỏ hơn đã làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản của người dân, khiến họ ít sẵn sàng chi tiêu hơn. Ngay cả ở Thượng Hải và Bắc Kinh, giá căn hộ cũng đang chững lại.
Với tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, nhu cầu suy yếu và nợ trong nền kinh tế vẫn ở mức gần kỷ lục, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể phải đối mặt với một số thách thức kinh tế lớn nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu chính sách mở cách đây 4 thập niên.
Trong một bài phát biểu vào cuối tháng trước, Li Daokui, nhà kinh tế nổi tiếng và cố vấn chính phủ Trung Quốc, cho biết: “Tôi e rằng hoạt động và phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong vài năm tới có thể tương đối khó khăn. Nhìn tổng thể kế hoạch 5 năm, đây có thể là giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi chúng ta cải cách và mở cửa cách đây 40 năm”.
Theo Bloomberg, NY Times
Chánh Tài