Tăng ưu đãi, giảm thủ tục, lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Chiều 5/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tăng cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách, gồm: Nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nhóm chính sách về quản lý đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nhóm chính sách về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nhóm chính sách chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Đặc biệt, dự thảo Luật cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính. Theo đó, giảm 50% thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng và cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng.

Thẩm tra về dự án Luật này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra

Về quy định dán nhãn năng lượng, dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng dán nhãn năng lượng là vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nội dung này không tương thích với tên của Điều 37; đồng thời cũng chưa được bổ sung đồng bộ tại một số điều khoản khác trong dự thảo luật. Việc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng chưa thực sự phổ biến, có thể khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu chưa thường xuyên thử nghiệm và dán nhãn vì chi phí thử nghiệm cao, trước đây chưa có yêu cầu bắt buộc; một số đơn vị lợi dụng dán nhãn để cạnh tranh không lành mạnh, gây nhiễu loạn thị trường… Có ý kiến đề nghị làm rõ theo quy định sửa đổi khoản 3 Điều 39 của Luật hiện hành thì chỉ có các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, kinh doanh “trên nền tảng thương mại điện tử” mới phải thực hiện công bố, dán nhãn năng lượng.

Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ tính khả thi của quy định này; rà soát, bổ sung các đối tượng dán nhãn để phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế trong thương mại; rà soát các điều, khoản nêu trên để chỉnh lý phù hợp, bảo đảm tính thống nhất giữa các điều, khoản trong dự thảo Luật và với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, để thuận tiện cho việc hợp nhất văn bản.

Về quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cơ quan thẩm tra có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định nêu trên vì lý do Quỹ thúc đẩy Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là tổ chức tài chính nhà nước, được thành lập ở trung ương, giao Bộ Công Thương quản lý, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành một phần do nhà nước cấp (vốn mồi); các nguồn khác từ việc tiếp nhận, quản lý từ các nguồn tài trợ, đóng góp, nguồn cho vay, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hoạt động của Quỹ sẽ theo phương thức quỹ ủy thác thực hiện việc huy động và giải ngân (từng phần hoặc toàn phần) cho một trong số các ngân hàng thương mại nhà nước, nguyên tắc hoạt động phải bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý…

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là có sơ sở nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về nội dung “Xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế việc làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế và thực hiện chính sách về tiêu chuẩn tỉ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu đầu tư và cung cấp năng lượng”. Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ và cụ thể hơn đối với một số nội dung cơ bản liên quan đến việc thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ trong dự thảo Luật làm căn cứ để Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện.

Đối với quy định về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi sang các công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính (điểm 4 khoản 17 Điều 1 dự thảo Luật - bổ sung khoản 4 Điều 41 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả): Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, quy định này còn chung chung và cũng không giao Chính phủ quy định cụ thể nên sẽ khó thực hiện.

Do vậy, đề nghị nghiên cứu rà soát các quy định trong dự thảo Luật, các luật có liên quan, đề xuất hỗ trợ tín dụng tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới dễ dàng hơn; đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-uu-dai-giam-thu-tuc-lap-quy-thuc-day-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua-d278259.html