Tăng vốn và chuyện đấu thầu bảo hiểm
Năm ngoái lỗi hẹn với cổ đông, nên năm nay, một số công ty bảo hiểm khởi động lại việc tăng vốn, để có cơ hội thắng thầu các hợp đồng bảo hiểm lớn.
Kế hoạch tăng vốn
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đứng thứ 4 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc, nhưng đứng thứ 9 về vốn điều lệ.
Đại hội đồng cổ đông PTI vừa thông qua phương án phát hành gần 40,2 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1, qua đó vốn điều lệ sẽ tăng từ 804 tỷ đồng lên 1.205,9 tỷ đồng.
Tương tự, năm 2024, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) sẽ tăng vốn điều lệ từ 1.726 tỷ đồng lên 2.014 tỷ đồng, thông qua việc phát hành thêm 28 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tại Tổng công ty Bảo Minh, doanh nghiệp này đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 1.096 tỷ đồng lên hơn 1.205 tỷ đồng trong tháng 2/2024 và có kế hoạch tăng lên 1.500 tỷ đồng vào năm 2025.
Bất lợi khi vốn thấp
Việc tăng vốn điều lệ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm 2 mục tiêu chính là tăng cường năng lực tài chính trong hoạt động bảo hiểm để nâng cao năng lực giữ lại (đối với các hợp đồng/nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả) và mở rộng hoạt động đầu tư tài chính.
Thông tư 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, mức trách nhiệm giữ lại trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu đối với nghiệp vụ tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm.
Theo ông Uông Đông Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị MIC, bổ sung vốn giúp doanh nghiệp tăng mức giữ lại đối với các hợp đồng, nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả, qua đó gia tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, MIC đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, cần vốn để đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, các dự án công nghệ, dự án chuyển đổi theo các sáng kiến chiến lược giai đoạn 2022 - 2026.
Ngoài ra, tăng vốn còn nhằm thực hiện xếp hạng tín nhiệm quốc tế (rating), phát triển mạng lưới, tăng cường năng lực đầu tư, sức cạnh tranh, khả năng thắng thầu.
Lãnh đạo PTI cho biết, nếu vốn điều lệ nhỏ, doanh nghiệp bảo hiểm khó có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn, do không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về mức vốn điều lệ.
“Quy mô vốn nhỏ cũng dẫn đến hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Bởi thế, tăng vốn điều lệ giúp tăng năng lực tài chính, PTI có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn, đặc biệt là trong đấu thầu bảo hiểm”, Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI Phạm Minh Hương chia sẻ.
Về đấu thầu bảo hiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị MIC thừa nhận, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong cạnh tranh khi tham gia đấu thầu các dự án lớn, đòi hỏi quy mô vốn lớn, dù MIC hiện đứng Top 5 về doanh thu phí bảo hiểm và quy mô vốn chủ sở hữu. Tăng vốn, ngoài giúp tăng rating, tăng năng lực tài chính còn hỗ trợ MIC đáp ứng các điều kiện cũng như tăng khả năng trúng thầu các dự án.
Không phải đến nay, mà từ những năm trước, tăng vốn nhằm thắng thầu trong các vụ thầu bảo hiểm đã được các doanh nghiệp bảo hiểm với tư cách là nhà thầu đặt ra. Bởi đó không chỉ là chỉ tiêu về vốn, mà còn liên quan đến các yếu tố khác như biên khả năng thanh toán.
Năm 2023, PTI có biên khả năng thanh toán là 190%, đảm bảo mức yêu cầu theo quy định của Bộ Tài chính, trong khi tỷ lệ này tại BIC là 241%, PJICO là 208%. Trong khi đó, biên khả năng thanh toán năm 2023 của MIC là 165%, doanh nghiệp phấn đấu đạt chỉ tiêu này trong năm 2024.
Thực tế, lợi thế về vốn giúp công ty bảo hiểm dễ thắng thầu. Chẳng hạn, Tổng công ty Bảo hiểm PVI có vốn điều lệ lớn nhất trong khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam (hiện là 3.500 tỷ đồng), cùng với xếp hạng năng lực tài chính ở mức A- (Xuất sắc) từ AM Best, nên thắng thầu hợp đồng bảo hiểm trong các dự án trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án xây dựng Nhà ga T3, Sân bay quốc tế Nội Bài, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I.
Tiêu chí rating loại bỏ số đông nhà thầu
Có những doanh nghiệp bảo hiểm có vốn điều lệ cao hơn mức quy định tối thiểu, nhưng vẫn không dễ tiếp cận gói thầu bảo hiểm quy mô lớn.
Theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 500 tỷ đồng (nếu kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh và bảo hiểm sức khỏe).
Có những doanh nghiệp bảo hiểm có vốn điều lệ cao hơn mức quy định tối thiểu, nhưng vẫn không dễ tiếp cận gói thầu bảo hiểm quy mô lớn, do nhiều gói thầu đánh giá nhà thầu còn dựa trên các tiêu chí khác như biên khả năng thanh toán, rating.
Mặt khác, với các dự án lớn, nhà thầu thường yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải có vốn điều lệ cao hơn nhiều vốn pháp định. Năm 2017, Đầu tư Chứng khoán từng phản ánh, gói thầu mua sắm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và các rủi ro đặc biệt cho các tòa nhà cũng như hệ thống tổng kho của một tập đoàn viễn thông yêu cầu vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đấu thầu từ 800 tỷ đồng trở lên, cao hơn 500 tỷ đồng so với vốn pháp định và có một số tiêu chí dự thầu không rõ ràng. Phía tập đoàn viễn thông sau đó điều chỉnh tiêu chí đánh giá năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà thầu, nhưng giữ nguyên tiêu chí vốn điều lệ, vì giá trị gói thầu lớn (hơn 8.000 tỷ đồng), chủ đầu tư cần lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm có tiềm lực tài chính mạnh.
Phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm lớn cho biết, hiện nay, quy định mới về đấu thầu nghiêm cấm các hành vi cản thầu (hạn chế nhà thầu tham gia) và có ngày càng nhiều các cuộc đấu thầu công khai trên mạng, nên các chiêu trò “gài thầu” ít xuất hiện, nhưng ở một vài vụ đấu thầu bảo hiểm gần đây, tiêu chí về rating vẫn được mang ra để cản trở số đông nhà thầu.
Đơn cử, một số nhà thầu là công ty bảo hiểm phản ánh, trong gói thầu bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro đặc biệt năm 2024 do Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc làm chủ đầu tư trực tiếp mời thầu, hồ sơ mời thầu đưa ra tiêu chí “xếp hạng của nhà thầu độc lập hoặc nhà thầu đứng đầu liên danh bảo hiểm (theo đánh giá của tổ chức xếp hạng năng lực tài chính AM Best hoặc tương đương) phải đạt từ B+ trở lên”.
Trong khi đó, trên thị trường hiện tại chỉ có 5/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có rating (gồm Bảo hiểm PVI, Bảo Minh, PJICO, PTI, BIC). Như vậy, có 25 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tuy đáp ứng năng lực tài chính theo tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước, nhưng vẫn bị loại ngay từ “vòng gửi xe” đối với gói thầu trên. Trước thời điểm gói thầu được đóng vào 14h ngày 10/5/2024, thông báo mời thầu vẫn chưa có sự điều chỉnh.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tang-von-va-chuyen-dau-thau-bao-hiem-post345529.html