Tạo cơ chế phát huy tối đa tiềm năng khoa học, công nghệ của Thủ đô

Theo đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi, Hà Nội cần hình thành hệ sinh thái tuần hoàn giữa nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, tái đầu tư vào công tác nghiên cứu, đặc biệt phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn của Thủ đô...

Cho phép cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp

Qua nghiên cứu Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho hay, các quy định về chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Dự thảo Luật đã có bước hoàn thiện đáng kể, bổ sung và cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023 và Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 ngày 26/3/2024.

Theo đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi, Hà Nội cần phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn hiện nay

Theo đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi, Hà Nội cần phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn hiện nay

Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Tạ Đình Thi đóng góp ý kiến, tập trung vào 2 nội dung mới về được bổ sung tại các Điều 23, 25 Dự thảo Luật. Trong đó, đại biểu Tạ Đình Thi hoàn toàn nhất trí việc bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 23 cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn TP Hà Nội được thành lập doanh nghiệp và cho phép viên chức làm việc tại các tổ chức đó được tham gia, quản lý điều hành doanh nghiệp với điều kiện được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.

Quy định này là nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đưa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ nhanh chóng đi vào thị trường, gắn với thực tế đời sống kinh tế - xã hội.

Qua đây hình thành hệ sinh thái tuần hoàn giữa nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, tái đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn của Thủ đô (nơi tập trung 80% cơ sở giáo dục đại học, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, với 70% tổng số cán bộ khoa học có học vị tiến sĩ trở lên của cả nước).

Chính sách này cũng phù hợp với xu thế trên thế giới hiện nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, vòng đời sản phẩm và chu trình sản xuất ngày càng được rút ngắn, sự phát triển và mở rộng ngày càng nhanh quy mô mô hình đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan

Cùng đó, để bảo bảo tính khả thi của chính sách, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị, tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan, nhất là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Nhóm sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội với mô hình xe tự hành

Nhóm sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội với mô hình xe tự hành

Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Đình Thi đồng tình việc luật hóa, bổ sung, làm rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát quy định tại Điều 25 Dự thảo Luật. Có thể thấy, Điều 25 là một trong hai điều dài nhất, quy định chi tiết nhất trong Dự thảo Luật, nhưng điều này là cần thiết nhằm tạo lập cơ sở pháp lý phát huy vai trò tiên phong của Thủ đô trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội.

So với Dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6, Dự thảo Luật lần này đã chỉnh lý các quy định về những vấn đề cốt yếu như khái niệm thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao; các giới hạn thử nghiệm về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng tham gia thử nghiệm (khoản 1); điều kiện và các nguyên tắc để được cấp phép và thực hiện thử nghiệm có kiểm soát (khoản 3); quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức tham gia thực hiện thử nghiệm; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm và các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm của các tổ chức này (các khoản 3 và 7); về quyền hạn và trách nhiệm của HĐND, UBND TP Hà Nội (các khoản 5 và 6).

Tuy nhiên, vẫn còn hai nội dung mà đại biểu Tạ Đình Thi thấy còn một số băn khoăn:

Thứ nhất, về phạm vi đối tượng được thử nghiệm: cần cân nhắc kỹ hơn quy định giới hạn về các lĩnh vực được phép thử nghiệm theo cách liệt kê cụ thể trong dự thảo Luật và về không gian thử nghiệm (quy định chỉ thử nghiệm trong khu công nghệ cao). Thực tế phát triển như hiện nay của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quy định như vậy sẽ nhanh chóng bị lạc hậu.

Thứ hai, về quy định HĐND có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản của Chính phủ, các bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm, phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm (tại khoản 5 Điều 25), quy định này là cần thiết để tạo thuận lợi cho việc thực hiện thành công cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, nhưng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của HĐND, UBND TP Hà Nội trong việc báo cáo các cơ quan có thẩm quyền liên quan về kết quả và quá trình thực hiện.

Vì vậy, các nội dung trên cần nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp. Đồng thời, cần có các nghiên cứu chỉnh lý và đề nghị đưa khoản 1 Điều 25 lên Điều 3 về giải thích từ ngữ để điều này không quá dài.

Thái San

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-co-che-phat-huy-toi-da-tiem-nang-khoa-hoc-cong-nghe-cua-thu-do.html