Tạo cơ sở pháp lý cho đổi mới, sắp xếp bộ máy nhà nước
Sáng 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cùng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51466058/0fd574ea44a4adfaf4b5.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Trước đó, trong phiên họp chiều 12/2, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra của 2 dự án luật và dự thảo Nghị quyết này.
Qua thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc Quốc hội xem xét cũng như tính cấp thiết của việc ban hành hai dự án Luật và Nghị quyết trên như các tờ trình và báo cáo thẩm tra nêu. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả.
Chủ động, kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn
Thảo luận cụ thể với dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), các ý kiến phát biểu đã phân tích, chỉ ra một số điểm mới của dự án Luật so với Luật hiện hành.
Các quy định mới này là cần thiết để đảm bảo tính gắn kết giữa Luật Tổ chức Chính phủ với Luật Tổ chức Quốc hội, đồng thời đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Tổ chức Chính phủ với các Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các luật liên quan đến trình tự tố tụng như Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Dân sự và các luật khác có liên quan. Điều này cũng phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Về phân cấp và ủy quyền tại Điều 8, Điều 9 của dự thảo Luật, một số đại biểu cho rằng việc quy định phân cấp, ủy quyền tại dự thảo luật đã góp phần hoàn thiện các nội dung mang tính nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương. Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ làm rõ được chủ thể phân cấp, ủy quyền, cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp, ủy quyền, đồng thời quy định rõ về cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp, ủy quyền hoặc không được phân cấp, ủy quyền tiếp nhận nhiệm vụ và quyền hạn mà mình đã được phân cấp ủy quyền trước đây.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đánh giá cao dự thảo Luật đã có các quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, qua đó đảm bảo Chính phủ thực hiện chức năng của các cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; chủ động, linh hoạt và tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch cũng như kế hoạch.
Tham gia thảo luận về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua nhiều lần thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ đã thống nhất quan điểm phải phân cấp mạnh cho Chính phủ để Chính phủ chủ động, kịp thời quyết định, điều hành, xử lý các vấn đề thực tiễn, giải quyết các điểm nghẽn, rào cản để khơi thông nguồn lực phát triển.
Tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực
Về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các ý kiến thảo luận cho rằng, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; đồng thời tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực, tạo ra động lực mới cho sự phát triển.
Góp ý cụ thể với dự thảo Luật, một số đại biểu đề nghị cần có những quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ hơn về tổ chức, hình thức hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp cũng như mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân cùng cấp, nhất là cơ chế phân cấp, ủy quyền; các quy định về miễn nhiệm những người giữ các chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, một số đại biểu đề nghị việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra đối với cơ quan được hình thành hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm tính tiếp nối, không bỏ trống hoặc trùng lắp về phạm vi thẩm quyền giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chịu sự giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra.
![Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Phạm Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51466058/efd86ee65ea8b7f6eeb9.jpg)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Phạm Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phát biểu lưu ý sắp tới ngành công an sẽ không còn công an cấp huyện, vậy việc xét xử, kiểm sát các vụ việc thuộc cấp huyện sẽ như thế nào? Góp ý cụ thể về Điều 4 và Điều 6 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu rõ, theo Kết luận số 121-KL/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý với chủ trương sắp xếp theo hướng không tổ chức công an cấp huyện. Trên thực tế lực lượng Công an đã triển khai thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung tại Điều 6 để xác định việc thực hiện tố tụng hình sự, thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ do cơ quan nào đảm nhiệm để tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Liên quan đến tổ chức thực hiện Nghị quyết, một số đại biểu lưu ý, Nghị quyết có thời hạn thi hành ngắn nên đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch thực hiện cụ thể; đồng thời đề nghị quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay khi Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý "càng sớm càng tốt" cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Thông tin các nội dung liên quan đến dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành các văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội và định kỳ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội là điểm mới trong dự thảo Nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, tới đây, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy còn nhiều việc phải làm; trong đó có khoảng 5.000 văn bản liên quan (hàng trăm luật), nghị định, thông tư..., nên không thể chỉ trong một Kỳ họp bất thường 6,5 ngày có thể xử lý được hết mà phải tiếp tục thực hiện. Do đó, cần có cơ chế cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành các văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh, để từ ngày 1/3/2025 tới, các cơ quan theo tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động.