Tạo điều kiện thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia
Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo 'Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia' và Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025...
Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” và Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tại buổi làm việc, ý kiến đại biểu cho rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia đã triển khai từ nhiều năm nay vậy tại sao giờ phải có cơ chế đặc thù, cần xem lại nguyên nhân từ đâu, do năng lực thực hiện hay do quy định của pháp luật.
Đi vào nội dung cụ thể, ý kiến đại biểu để nghị cần quy định chặt chẽ hơn về nội dung mua sắm và phân cấp của hội đồng nhân dân các địa phương.
Nội dung nhận được nhiều ý kiến đại biểu là quy định liên quan đến phân cấp, theo dự thảo, giao cho hội đồng nhân dân phân cấp cho từng dự án, phân bổ cho từng dự án, đại biểu đề nghị cần xem xét lại năng lực thực hiện và tình hình thực tiễn chứ không nên quy định cứng nhắc như dự thảo.
Bà Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội: "Về nguyên tắc thì chúng ta phân cấp phân quyền cho những cái chủ thể mà có đủ năng lực, có đủ khả năng để thực hiện những cái thẩm quyền đó. Thế thì phải đánh giá trên cơ sở thực tế chứ không thể là đưa ra một cái mức quán là cứ mỗi địa phương thì chọn một huyện".
Đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về việc mua sắm tài sản vì hiện nay các sai phạm về tài chính diễn ra phổ biến nên nếu chỉ quy định như dự thảo có hóa đơn là thanh toán thì sẽ dễ dẫn đến buông lỏng quản lý.
Bà Vũ Lưu Mai – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội: "Có những quy định cần cân nhắc đảm bảo tính chặt chẽ như mua sắm tài sản, quy định về đấu thầu. Để có được báo giá thì trong thị trường hiện nay rất đơn giản, khi chúng ta giao việc mua sắm thì cần quy định chặt chẽ, như ở đây chỉ nói có hóa đơn là được thanh toán".
Về mục tiêu lựa chọn địa bàn thí điểm và thời gian thực hiện, đại biểu để nghị cần linh hoạt hơn chứ quy định mỗi địa phương chỉ chọn 1 huyện thí điểm thì sẽ không đảm bảo tính khách quan và hiệu quả bởi mỗi địa bàn có đặc thù khác nhau.
Ông Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội: "Chúng tôi ủng hộ quan điểm thực hiện trong năm 24,25 làm cơ sở áp dụng thực hiện trong giai đoạn sau. Mục tiêu chính lựa chọn đối tượng, đối với địa bàn địa phương cơ bản hoàn thành. Cá nhân tôi thì thí điểm áp dụng địa bàn đã hoàn thành rồi thì không hiệu quả, cần chọn địa bàn còn vướng mắc khó khăn cần tháo gỡ".
Thảo luận tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Ý kiến đại biểu băn khoăn về Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đại biểu cho rằng,việc sử dụng các phương án điện gió, điện mặt trời đang là xu thế nên cần cân nhắc phương án này.
Ông Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội: "Xu thế hiện nay đang khuyến khích sử dụng điện gió điện mặt trời sao lại phải kéo điện"...
Hai nội dung thảo luận tại tổ sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến trong phiên làm việc chiều nay.