Tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên mạnh mẽ

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719). Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 1719, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Chị Thạch Sà My được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo động lực để gia đình chị phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Bình

Chị Thạch Sà My được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo động lực để gia đình chị phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Bình

Ông Kiên Ninh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Thực hiện Chương trình 1719, năm 2024, tỉnh Trà Vinh bố trí nguồn vốn trên 260 tỷ đồng thực hiện các dự án với nhiều tiểu dự án nhằm nâng cao mức sống cho đồng bào DTTS, chủ yếu là người Khmer. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 200 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 35 tỷ đồng, vốn vay tín dụng chính sách trên 25 tỷ đồng.

“Trong số này, tỉnh bố trí trên 18 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ DTTS; dành 12,6 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS... Ngoài ra, Trà Vinh còn bố trí hơn 113 tỷ đồng đầu tư xây dựng 104 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS (trong đó có 17 công trình chuyển tiếp của năm 2023 sang năm 2024, xây mới 87 công trình)” - ông Kiên Ninh chia sẻ.

Khi hoàn thành đưa vào sử dụng, các công trình đã phát huy hiệu quả rõ rệt, người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại và giao thương hàng hóa, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS từng bước được khởi sắc, góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Mặt khác, qua công tác tuyên truyền, ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư ở các xã vùng đồng bào DTTS có chuyển biến tích cực, thể hiện bằng việc làm cụ thể như hiến đất, cây trái, hoa màu và ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới.

Ông Thạch Xuân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần thông tin, Chương trình 1719 đã thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer; kịp thời giúp đỡ nhiều gia đình Khmer nghèo có đất ở, nhà ở ổn định, an tâm phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống; bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Gia đình tôi sẽ tiếp tục cùng với địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật....

Chị Thạch Sà My, ở ấp Chông Bát, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay. Do không có vốn làm ăn, thiếu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi... nên hoàn cảnh khó khăn cứ đeo bám gia đình chị. Đầu năm 2023, gia đình chị My được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn nhân rộng mô hình giảm nghèo, được tham gia học kỹ thuật sản xuất, chị đầu tư cải tạo đất rẫy trồng các loại rau, mỗi vụ thu nhập trên 15 triệu đồng. Đây là động lực để gia đình chị phát triển kinh tế.

Thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình 1719, từ năm 2022 đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh Trà Vinh đã chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, tạo sinh kế, giúp đồng bào Khmer tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh.

Cầu Ngang là huyện có gần 35% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Anh Danh Khenl, ở ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn có 0,4ha đất sản xuất độc canh cây lúa, từ khi chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, đời sống gia đình anh ngày càng ổn định. Với diện tích trên, anh chuyển đổi 0,3ha sang đào ao nuôi tôm, còn 0,1ha trồng cỏ nuôi bò.

Được tham gia lớp tập huấn và đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi, anh Danh Khenl đã chủ động trong việc chăn nuôi và phòng bệnh cho vật nuôi. Ảnh: Phan Bình

Được tham gia lớp tập huấn và đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi, anh Danh Khenl đã chủ động trong việc chăn nuôi và phòng bệnh cho vật nuôi. Ảnh: Phan Bình

Theo anh Danh Khenl, sau khi được tham gia lớp tập huấn và đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi, anh tiếp cận kiến thức, kỹ thuật mới trong cách chăm sóc đàn bò, đặc biệt là cách nhận biết những dấu hiệu bệnh thường xảy ra trên đàn bò và có biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn. Đối với bò sinh sản, việc chăm sóc càng vất vả hơn, nhất là khi bò bị bệnh, khó tiêm thuốc điều trị. Do đó, phải thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của bò cũng như vệ sinh chuồng trại.

Ông Thạch Ra Đa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cầu Ngang cho biết, thời gian qua, Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức 38 lớp đào tạo nghề cho 887 học viên là người dân tộc Khmer về kỹ thuật xây dựng, điện lạnh, máy nổ, sửa xe gắn máy, chăn nuôi, trồng trọt, thú y, chế biến món ăn. Qua các lớp đào tạo nghề ngắn hạn (3 tháng) sẽ giúp các học viên nắm bắt được các quy trình kỹ thuật trong từng ngành nghề theo học; người lao động được nâng cao tay nghề, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 67,5%.

“Qua Dự án hỗ trợ đào tạo nghề nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng nghề từ đơn giản đến chuyên sâu, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người học sau đào tạo nghề có cơ hội tìm được việc làm hoặc tự tổ chức sản xuất, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững...” - ông Ra Đa nói.

Đi đôi với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, các cấp, các ngành còn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đem lại thu nhập khá cao, giúp các hộ nghèo tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Phan Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tao-dong-luc-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vuon-len-manh-me-post486819.html