Tạo duyên giáo hóa chúng sanh (Phần 1)

Tạo Duyên Giáo Hóa Chúng Sanh mong rằng ngày mai có nhiều người nhờ bộ sách này tìm ra cho mình một đường lối tu tập thích hợp và đúng với chánh pháp của Phật, thì đó là chúng tôi đã mãn nguyện, và cũng là đền đáp ơn đức Phật trong muôn một.

Mục lục bài viết

Tạo Duyên Giáo Hóa Chúng Sanh mong rằng ngày mai có nhiều người nhờ bộ sách này tìm ra cho mình một đường lối tu tập thích hợp và đúng với chánh pháp của Phật, thì đó là chúng tôi đã mãn nguyện, và cũng là đền đáp ơn đức Phật trong muôn một.

Lời nói đầu
PHẦN I – NGƯỜI CHIẾN THẮNGTrích trong quyển tạp bút: “CUỐI HÀNG DƯƠNG”

Lời Giới Thiệu
Thay Lời Tựa

LỜI BẠTTHẦY THÔNG LẠC (1983)Rời khỏi Chân KhôngNhững ngày sống trên Hòn Sơn

Trở về sống bên mẹ

Tạo Duyên Giáo Hóa Chúng Sanh mong rằng ngày mai có nhiều người nhờ bộ sách này tìm ra cho mình một đường lối tu tập thích hợp và đúng với chánh pháp của Phật, thì đó là chúng tôi đã mãn nguyện, và cũng là đền đáp ơn đức Phật trong muôn một.

Lời nói đầu

Khi tu tập làm chủ bốn sự đau khổ: sinh, già, bệnh, chết xong, chúng tôi có những ước nguyện muốn đem những kinh nghiệm tu hành này, dựng lại Chánh pháp của đức Phật, để giúp cho mọi người tu tập không còn lọt vào tà pháp ngoại đạo. Đó cũng là làm sống lại con đường tu tập giải thoát, mà từ lâu đã bị kinh sách phát triển dìm mất. Chính đó là mục đích của chúng tôi và mọi người đang tu hành theo Phật giáo đều mong ước.

Chứng đạt chân lí của Phật giáo là chứng đạt tâm Bất Động, chớ không phải chứng đạt một cái gì khác lạ như mọi người đã từng nghĩ tưởng: nào là Phật tánh, nào là thần thông, phép thuật, tàng hình, biến hóa; nào là phóng hào quang, bay lên trời hay xuống địa ngục v.v… Mà chính tâm Bất Động là tâm vô lậu. Tâm vô lậu tức là chừng quả A La Hán.

Nhưng trước khi muốn chứng quả A La Hán thì chúng ta phải thường học và tập sống đạo đức nhân bản – nhân quả, luôn luôn không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

Đó là một bài tu học đầu tiên của đạo Phật. Một bài học thường đem lại lợi ích rất lớn cho loài người, khiến cho mọi người sống chung nhau biết tùy thuận mọi ý kiến, biết nhẫn nhục làm vui lòng mọi người mà không còn chống trái với nhau, biết bằng lòng mọi hoàn cảnh để tâm mình Bất Động. Nhưng khi chúng tôi bắt tay vào làm việc để dựng lại nền đạo đức này, thì gặp biết bao nhiêu là gian nan, sóng gió, khiến chúng tôi quá mệt mỏi.

Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều: Đúng là chúng sanh chưa đủ duyên nên rất khó độ. Nhưng không lẽ thấy khó mà không giáo hóa chúng sanh thì rất tội nghiệp. Vậy, chúng tôi phải làm sao bây giờ?

Khi chúng tôi tu chứng đạt được chân lí, nhìn lại duyên chúng sinh với mình thì thấy không có đủ duyên để độ họ chứng quả A La Hán. Ngày xưa, khi đức Phật tu xong, Ngài cũng thấy chúng sinh khó độ, vì thế Ngài tạo duyên hóa độ chúng sinh thì chúng tôi bây giờ cũng làm như vậy. Phải hóa duyên độ chúng sinh, nhưng chúng tôi tự hỏi phải làm bằng cách nào?

Khi đặt ra câu hỏi như vậy thì chúng tôi tự trả lời: Phải tạo duyên mới chớ sao? Nhưng tạo duyên mới bằng cách như thế nào? Bắt đầu ở đâu và người nào?

Chúng tôi nhớ lại, chỉ thấy có Hòa thượng Thanh Từ là nơi có thể tạo duyên hóa độ chúng sinh dễ dàng. Vì Hòa thượng là người có uy tín trong hàng tăng, ni và phật tử hiện giờ.

Nhờ khéo tạo duyên mới này mà quý phật tử mới biết đến Người Chiến Thắng và biết cách Trở Về Đạo Phật. Nhất là bộ sách “Tạo Duyên Giáo Hóa Chúng Sinh” đã giúp cho quý phật tử nghiên cứu, suy tìm mới biết rõ đâu là Chánh pháp của Phật, và đâu là tà pháp của ngoại đạo đang ẩn núp và mạo danh là giáo pháp của đức Phật.

Bộ sách khiến cho mọi người đi tìm đường giải thoát không lầm lạc, không lấy tà pháp của Bà La Môn làm Chánh pháp của Phật. Nhìn quí sư thầy tụng kinh, niệm Phật, đọc thần chú, cầu siêu, cầu an, xin xăm, bói quẻ, xem ngày giờ tốt, xấu cất nhà, dựng vợ, gả chồng… quý phật tử nghĩ sao?

Ngày xưa khi thấy những việc làm này của tăng, ni thì quý phật tử cho là đúng chánh pháp của Phật. Nhưng ngày nay, khi đã đọc bộ sách “Linh Hồn Không Có”, thì quý phật tử biết ngay đó là tăng, ni đang sống trong mù quáng, mê tín do kinh sách Phật giáo phát triển đã truyền dạy, dẫn dắt họ đi trong thế giới ảo tưởng, khiến cho tiền mất tật mang, tốn hao công sức và tiền của một cách nhảm nhí.

“Người Chiến Thắng” và “Trở Về Đạo Phật” là những cuộc tiếp chuyện giữa Hòa thượng Thanh Từ và thầy Thông Lạc về Phật pháp. Do nhân duyên này, mà bộ sách Tạo Duyên Giáo Hóa Chúng Sinh mới ra đời. Bộ sách ra đời mới làm sáng tỏ Chánh pháp của Phật. Nhờ đó, quý phật tử mới biết đâu là chánh pháp của Phật; đâu là tà pháp của Bà La Môn.

Đó là chúng tôi cố tạo duyên để mọi người biết chánh pháp của Phật; để mọi người tu tập đừng sai. Nhưng phước chúng sinh quá mỏng, dù có biết nhưng vẫn thích cúng bái cầu tha lực, hơn là tự lực.

Phật pháp tu chứng đạo đâu phải khó khăn. Xưa đức Phật tu tập có 49 ngày thành đạo, còn chúng tôi tuy mười năm tu tập sống độc cư trong thất, nhưng cuối cùng cũng chỉ có sáu tháng với sự quyết liệt, nhiệt tâm chúng tôi đã thành công một cách mỹ mãn.

Qua kinh nghiệm tu hành, chúng tôi dạy và chỉ rõ ràng từ giác ngộ chân lí, đến phần sống buông xả ly dục ly ác pháp để giữ gìn tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, rồi đến các pháp hành tu tập, pháp nào tu trước và pháp nào tu sau, thế mà mọi người tu tập cứ để tâm phóng dật. Tâm phóng dật là tâm sẽ phạm giới, thường dong ruổi chạy theo sáu trần.

Khi tâm phạm giới thì làm sao tâm ly dục ly ác pháp được. Chúng tôi hết sức khuyên dạy cho những ai có duyên gặp chúng tôi. Nhưng những lời dạy của chúng tôi như gió thoảng ngoài tai, như nước chảy qua cầu, ít ai nghe lời chúng tôi dạy.

Dù sao, chúng tôi cũng không nỡ bỏ chúng sinh, vì họ là những người đáng thương, nên chúng tôi cũng thường luôn nhắc nhở: “Bí quyết thành công sự giải thoát của Phật giáo là sống Độc Cư”. Độc cư tức là phòng hộ sáu căn. Thế mà mọi người thường phá hạnh độc cư, thích đi nói chuyện với người này, người khác nên chúng tôi rất mỏi mệt.

Hôm nay, chúng tôi chỉnh và nhuận lại bộ sách Tạo Duyên Giáo Hóa Chúng Sinh, mong rằng ngày mai có nhiều người nhờ bộ sách này tìm ra cho mình một đường lối tu tập thích hợp và đúng với chánh pháp của Phật, thì đó là chúng tôi đã mãn nguyện, và cũng là đền đáp ơn đức Phật trong muôn một. Vì chúng tôi biết rằng mình sẽ không sống mãi trên đời này, rồi cũng phải từ giã cuộc đời này ra đi mãi mãi.

Tuy biết rằng chúng tôi không có thì giờ, nhưng chúng tôi cũng dành thời gian để chỉnh đốn lại tập sách này cho hoàn chỉnh hơn. Vì trước kia thầy Chân Quang ghi tóm lược, không được đầy đủ trong cuộc nói chuyện giữa Hòa thượng Thanh Từ và chúng tôi.

Với việc làm này, chúng tôi chỉ mong sao đem lại lợi ích cho mọi người khi họ đến với Phật giáo và cũng là đền đáp công ơn vô cùng vĩ đại của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni.

Kính ghi

Trưởng lão Thích Thông Lạc

PHẦN I – NGƯỜI CHIẾN THẮNG
Trích trong quyển tạp bút: “CUỐI HÀNG DƯƠNG”

Tác giả: Thích Chân Quang,

viết tại Thường Chiếu, mùa hạ năm 1987

Lời Giới Thiệu

Người Chiến Thắng là câu chuyện ghi lại một quá trình tu tập của thầy Thông Lạc. Người đã để lại một kinh nghiệm bằng máu và nước mắt của mình. Từ lúc tu tập theo pháp môn Đại Thừa và Thiền Đông Độ, nhưng cuối cùng Người buông bỏ xuống sạch các pháp môn này và chuyên cần tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ trong kinh sách Phật giáo nguyên thủy. Cuối cùng, từ trên trạng thái tâm Bất Động của Tứ Niệm Xứ xuất hiện Tứ Thần Túc, nhờ đó Người nhập Tứ Thánh Định rất dễ dàng và thực hiện Tam Minh không có khó khăn.

Dưới đây được thầy Thông Lạc kể lại sự tu hành của mình trong giai đoạn tu tập pháp môn Đại Thừa và Thiền Tông Trung Quốc do Hòa thượng Thanh Từ hướng dẫn. Sau đó, được Hòa thượng Thanh Từ dựa vào tạng kinh Đại Thừa và công án Thiền Tông Trung Quốc, trắc nghiệm và ấn chứng cho thầy Thông Lạc chứng quả A La Hán.

Xin các bạn theo dõi sự trắc nghiệm của Hòa thượng Thanh Từ và hỏi đáp của huynh đệ ở thiền viện Thường Chiếu, để thấy rõ con đường tu tập của Đại Thừa và Thiền Tông chẳng đem đến sự giải thoát thật sự, mà chỉ nhập vào Không Tưởng.

Nếu có đủ duyên, chúng tôi sẽ xin thầy Thông Lạc kể lại kinh nghiệm tu hành theo pháp môn Giới, Định, Tuệ của Phật giáo Nguyên Thủy. Đó là đoạn đường cuối cùng tu tập theo Phật giáo mà thầy Thông Lạc đã trở thành người chiến thắng hoàn toàn giặc sanh tử.

Được thầy Thông Huyễn (Chân Quang) ghi lại như một máy thu băng có những danh từ không được chính xác, khiến cho các bạn khó hiểu, Chánh Quang sẽ cố gắng chú thích để làm sáng tỏ nghĩa trong công cuộc chiến thắng giặc vọng tưởng của thầy Thông Lạc.

Kính ghi

Chánh Quang

Thay Lời Tựa

Đọc Người Chiến Thắng, các bạn mới thấy được thầy Thông Lạc là một người tu pháp môn Thiền Đông Độ và Đại Thừa thật rốt ráo, không thua gì các tổ sư Trung Quốc tu tập ngày xưa.

Đọc Người Chiến Thắng, các bạn mới thấy rõ thầy Thông Lạc là người đã chứng được Thiền Tông và được Hòa thượng Thanh Từ, một thiền sư danh tiếng trong thời đại của chúng ta, dựa vào công án Thiền Tông và kinh sách Đại Thừa ấn chứng.

Đọc Người Chiến Thắng, chúng ta nhận xét lối ấn chứng của Hòa thượng Thanh Từ giống như các tổ Thiền Tông Trung Quốc ngày xưa truyền tâm ấn cho các đệ tử của mình.

Đọc Người Chiến Thắng, chúng ta mới thấy rõ từ công phu tu tập, đến vấn đáp đối với các bạn trong thiền viện Thường Chiếu, chứng tỏ thầy Thông Lạc rất thông hiểu Thiền Tông và kinh sách Đại Thừa một cách am tường, không có chỗ nào mà Thầy không thông suốt. Nhưng thầy Thông Lạc tu hành chứng đắc như vậy, sao lại bác kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông?

Nếu có đủ duyên, các bạn hãy đọc Người Chiến Thắng phần hai. Phần hai này không do thầy Chân Quang ghi lại, mà do một người khác ghi lại. Khi Người Chiến Thắng phần 2 được ra đời, chừng ấy các bạn mới thấu rõ pháp môn Thiền Tông và kinh sách Đại Thừa do bàn tay các tổ sư Trung Quốc nhồi nắn, bóp méo giáo lý chân chính của đức Phật, khiến con đường tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt sinh tử luân hồi của Phật giáo mất dấu.

Sau khi tu tập chứng được Thiền Tông, thầy Thông Lạc không tìm thấy sự làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Nên Thầy bỏ Thiền Tông và kinh sách Đại Thừa, cũng giống như đức Phật ngày xưa khi tu chứng nhập Không Vô Biên Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ xong, mà không tìm thấy sự giải thoát, nên Ngài cũng bỏ những loại thiền tưởng này và bỏ luôn pháp tu khổ hạnh của Bà La Môn. Sau khi bỏ các pháp của ngoại đạo xong, đức Phật bắt đầu tu lại Bốn Thiền Hữu Sắc, do Ngài tạo ra phương pháp tu tập ly dục ly bất thiện pháp cụ thể hơn.

Muốn tu tập nhập Sơ Thiền hữu sắc có kết quả tốt, nên Ngài phải sáng tạo ra pháp môn Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ, và nhờ các pháp môn này, Ngài ly dục ly bất thiện pháp rất dễ dàng, chứng đạt tâm bất động không có khó khăn. Từ trong tâm Bất Động, Bốn Thần Túc xuất hiện, nhờ đó Ngài nhập bốn thiền hữu sắc và thực hiện Tam Minh. Sau khi thực hiện Tam Minh, Ngài thấy biết lậu hoặc đã sạch, không còn một chút xíu nào cả.

Từ khi không tu theo Thiền Đông Độ nữa, thầy Thông Lạc bắt đầu tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần, và cuối cùng thấy tâm Bất Động luôn tỉnh thức trên Tứ Niệm Xứ. Đó là nhờ tu theo kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy, tâm Thầy ly dục ly ác pháp hoàn toàn.

Sau sáu tháng tu tập trên Tứ Niệm Xứ, thầy Thông Lạc là người chiến thắng giặc sinh tử, ca khúc khải hoàn. Chiến thắng giặc sinh tử, ca khúc khải hoàn là một sự thật. Là một sự thật thì phải có phương pháp tu tập hẳn hoi, phải có nội lực điều khiển làm chủ thân tâm, chứ không như Thiền Tông chỉ biết buông vọng không theo.

Do trình bày sự tu chứng và làm chủ sự sống chết, thầy Thông Lạc xin Hòa thượng Thanh Từ nhập Niết Bàn, bằng cách tịnh chỉ hơi thở theo Thiền thứ Tư trong Tứ Thánh Định, nên được Hòa thượng Thanh Từ tuyên bố với phật tử là thầy Thông Lạc chứng quả A La Hán.

Đến đây, chúng tôi xin chấm dứt lời tựa về thầy Thông Lạc hôm nay. Xin các bạn hãy đọc phần hai Người Chiến Thắng trong pháp môn tu tập thiền Phật Giáo Nguyên Thủy. Các bạn còn có dịp rút ra nhiều kinh nghiệm có giá trị rất cao về sự tu tập, trên đường về xứ Phật theo đúng chánh pháp của Phật.

Kính ghi

Mật Hạnh

LỜI BẠT

LỜI BẠT

Sau khi đọc lại “Người Chiến Thắng” của thầy Chân Quang ghi lại, thấy còn thiếu sót rất nhiều, nên chúng tôi cần phải chỉnh đốn lại để cho mọi người khi đọc về thầy Thông Lạc là phải hiểu đúng một sự thật. Do khi chúng tôi tiếp chuyện với Hòa thượng Thanh Từ thì chỉ có hai thầy trò, giữa thầy trò nên không có người thứ ba biết, vì thế thầy Chân Quang không thể ghi đầy đủ những lời đối đáp.

Sách mà viết sai là để lại cho đời những tai hại rất lớn, nhất là sách thuộc về tôn giáo lại còn tai hại cho nhiều thế hệ. Bởi tôn giáo là nhu cầu cần thiết cho tinh thần mọi người.

Kính thưa quý vị! Đừng háo danh, khi tu hành chưa tới nơi tới chốn mà vội viết kinh sách là phải mang tội giết nhiều người, giết nhiều thế hệ như kinh sách phát triển. Quý vị có biết không?

Xin quý vị đừng múa bút viết sách theo kiến giải, khi mình tu chưa xong, sách đó sẽ gây đau khổ cho loài người và tạo thêm tội ác cho mình. Những sách đó chẳng ích lợi gì cho ai cả, chỉ có thể làm thỏa lòng danh lợi của mình mà thôi.

Chúng tôi quyết chỉnh sửa lại cho đúng những gì chúng tôi gặp Hòa thượng Thanh Từ và các bạn ở Thường Chiếu. Sau khi chỉnh sửa xong, chúng tôi mong rằng tập sách mỏng này sẽ mang lại cho quý vị một sự hiểu biết về Phật giáo cụ thể hơn, và không còn bị kinh sách phát triển Đại Thừa lừa đảo, làm phí công, phí của rất nhiều của quý vị.

Nếu tập sách này có điều chi còn sơ sót, chúng tôi mong quý vị bỏ qua và góp ý chỉ điểm những chỗ sai lầm ấy, để kỳ tái bản tới được hoàn chỉnh hơn. Xin thành kính tri ân.

Kính ghi

Trưởng lão Thích Thông Lạc

THẦY THÔNG LẠC (1983)

Thỉnh thoảng, thầy Thông Lạc lại về thiền viện Thường Chiếu thăm Sư phụ (HT. Thanh Từ) và các huynh đệ. Sáng nay, chúng tôi lại trông thấy Thầy từ cuối hàng dương liễu, cùng với cư sĩ Thiện Chí (đệ tử của Thầy), anh Đỗ Đình Đồng và một ưu bà di (cô Diệu Nhiên).

Dáng người Thầy nhỏ nhắn, cặp kính không che dấu được đôi mắt thanh thản, ung dung, chòm râu bạc lơ thơ dưới cằm. Thầy thường mặc chiếc áo tràng màu vàng khi đi đường, và hôm nay cũng vậy. Những đệ tử của tu viện Chân Không và Thường Chiếu ít ai không biết thầy thông lạc.

Thầy là một trong mười thiền sinh đầu tiên của tu viện Chân Không.

Thầy được phân công làm hương đăng cho hợp với tuổi tác và vóc dáng. Kể từ khi Thầy được Sư phụ giảng cho nghe pháp môn tri vọng, Thầy như con đại tượng qua sông không quay lại, đã tinh tấn không phút giây lơi lỏng. Có lần Sư phụ tuyên bố:

Trong pháp hội có người đại tinh tấn.

Và lúc đó ai cũng ngầm hiểu người đó là Thầy.

–o0o–

Rời khỏi Chân Không

Thường thì ít ai biết chịu thua vọng tưởng, nhưng khi nó mời gọi những ý kiến hấp dẫn thì khó tránh khỏi vòng tay của nó.

Vì thế, thầy Thiện Năng và Thiện Ấn bất ngờ đến rủ thầy Thông Lạc rời Chân Không, ra đi giáo hóa sau ba tháng vẻn vẹn học thiền, qua những bài kinh Bát Nhã, cuốn Nguồn Thiền, Thiền Quang Sách Tấn, Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng và kinh Lăng Già Tâm Ấn.

Thầy Thông Lạc không chấp nhận ý kiến phóng dật chạy theo ngũ dục lạc (đi chu du chơi), mà lại mượn danh từ HÀNH ĐẠO để lừa mình, lừa người thật là tội lỗi vô cùng. Thầy Thông Lạc thẳng thắn nói theo tâm nguyện của mình:

“Tôi đã hứa với Sư phụ, là sẽ ở đây học thiền suốt ba năm. Đâu lẽ bây giờ lại ra đi thì lời hứa kia còn ra gì? Xin quý Thầy cứ đi, Thông Lạc xin ở lại đây tu học đến khi nào chứng đạo mới thôi”.

Thầy Thiện Ấn nói khích:

Tôi biết mà – Thầy muốn ở lại để được khen là đại tinh tấn chứ gì.

Như một ngón nhất dương chỉ, điểm đúng vào yếu huyệt sợ danh dự của thầy Thông Lạc.

Sau một đêm suy tư không ngủ, nước mắt thầy Thông Lạc tràn trề. Ở thì không được, vì lời nói của Thầy Thiện Ấn quá cay độc, còn đi thì thương Thầy (HT. Thanh Từ) và thân phận tu hành của mình, không biết rồi sẽ ra sao? Đi về đâu?

Đối với Hòa thượng Thanh Từ, thì thầy trò mới gặp nhau trong ba tháng an cư năm 1970, mà tình nghĩa rất sâu đậm.

Sáng hôm sau, thầy Thông Lạc trả lời đồng ý ra đi.

Sự ra đi đột ngột ấy làm sao thầy Thông Lạc quên được tình nghĩa thầy trò. Những buổi ngồi thiền chung với chúng trong thiền đường, Hòa thượng cầm thiền bản đi tới, đi lui tuần thiền, để xem xét và kiểm tra cách thức chúng ngồi thiền. Trong khi ấy, thầy Thông Lạc ngồi thiền đau chân lắm, Hòa thượng biết được sự đau đớn này nên lấy bàn tay để nhẹ sau lưng của thầy Thông Lạc.

Khi bàn tay Hòa thượng đặt vào sau lưng, thì thầy Thông Lạc cảm thấy mát lạnh, sự đau đớn ấy giảm đi rất nhiều. Tình thương bằng hành động ấy làm sao thầy Thông Lạc quên được; làm sao Thầy Thông Lạc không khóc. Lời nói cay nghiệt của Thầy Thiện Ấn bắt buộc thầy Thông Lạc phải ra đi, phải rời Hòa thượng, một vị Thầy mà trên đời này khó tìm được, tình thương của Hòa thượng Thanh Từ như vậy thì lòng dạ nào không đau sót; thì lòng dạ nào không tan nát. Phải không các bạn? Thầy Thông Lạc khóc nhiều lắm nhưng có ai biết đâu.

Cho nên tối hôm đó, ba người đến đảnh lễ Hòa thượng để sáng sớm hôm sau ra đi, thầy Thông Lạc khóc nức nở nghẹn ngào. Hòa thượng cũng không nói được lời nào, chỉ nhìn những người học trò thân thương của mình quá dại dột:

Hòa thượng nhẹ nhàng nói qua hơi thở, như một lời trách móc:

Thầy sợ mấy chú nông nổi.

Hòa thượng chỉ nói được những lời ấy thôi, rồi im lặng. Trong bầu không khí vắng ngắt, không một tiếng động, trong sự chia lìa thương đau trước cảnh kẻ ở, người đi, thật là đau buồn tê tái, đứt từng đoạn ruột, nói làm sao hết nỗi thương đau này. Các bạn có biết không? Có cảm nhận được sự chia ly đau buồn này không?

Trong tu viện chỉ có 10 huynh đệ, mà bây giờ đi mất ba người, làm sao mà không buồn, không rơi nước mắt được.

–o0o–

Những ngày sống trên Hòn Sơn

Ba người đã ra đi trong sự bất bình của huynh đệ và chính sư phụ cũng không vui.

Ba người xuống đến An Giang, rồi qua Rạch Giá, ra biển đến Hòn Sơn chơi ba ngày lại trở về An Giang, trú nơi tịnh xá Ngọc Vân, xã Mỹ Luông, do sư Định làm trụ trì. Chợt thầy Thông Lạc nhuốm bệnh nặng, 2 thầy kia bỏ đi sang núi Cô Tô, Hà Tiên chơi, nhưng lại nói đi hóa đạo.

Tịnh xá chỉ còn lại hai sư và thầy Thông Lạc. Đó là sư Duyên và sư Định. Sư Duyên săn sóc cho thầy Thông Lạc rất tận tình, thường đi xin phật tử từng bát cháo, từng viên thuốc, từng ly nước. Thật là một tình nghĩa bạn đạo khó quên. Đến khi bệnh tình giảm, thầy Thông Lạc theo sư Định về Sài Gòn, sẵn thầy Thông Lạc về Trảng Bàng thăm lại mẹ và em gái ít hôm.

Sau đó, Thầy lại từ giã ra đi, một mình một bóng trở lại ra Hòn Sơn Rạch Giá, ngồi tu ngót gần một năm trong cái hang đá. Những thợ rừng thỉnh thoảng mang cơm gạo cúng dường Thầy. Thầy cảm thấy không tiện, nên tập ăn rau và lá cây rừng để sống.

Suốt thời gian trên đỉnh Hòn Sơn, trong hang núi Ma Thiên Lãnh, sống bằng lá cây rừng và rau sà lách son, trồng trong ao nước giữa hai tảng đá to lớn, người Thầy xanh và gầy như que tăm.

Nhờ sống được như vậy, nên Thầy tu tập dẹp sạch vọng tưởng, ngồi bất động suốt 3, 4 tiếng đồng hồ dễ dàng.

–o0o–

Trở về sống bên mẹ

Những đêm khuya thanh vắng, tiếng tàu đánh cá ngoài khơi văng vẳng gợi lên lòng nhớ thương mẹ và em nơi quê nhà, trong khi đất nước còn bom cày, đạn xé từng tấc đất yêu thương, thầy Thông Lạc tự hỏi:

Không biết giờ này mẹ mình và em mình ra sao? Có tránh khỏi những làn tên mũi đạn hay không? Có còn bình an ở nơi đó hay không? Hay đã xiêu lạc nơi nào?

Bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu, không sao trả lời được. Bấy giờ pháp tri vọng vô phương, không dẹp được những loạn tưởng này. Thầy Thông Lạc xót xa thương mẹ và đứa em gái, trong khi tuổi còn học trò mà phải lăn xả vào đời, buôn gánh, bán bưng để nuôi mẹ. Mỗi lần em đi buôn bán thì mẹ ngồi tựa cửa trông em.

Nhớ tưởng cảnh ấy, lòng Thầy tê tái thương mẹ, thương em vô cùng. Phải chi thầy Thông Lạc có cánh, thì Thầy sẽ bay về bên mẹ liền tức khắc. Thương em thân gái bé thơ, mà phải chịu gian truân trong cảnh đất nước đang hồi chiến tranh quyết liệt.

Khi nào thấy mặt em về đến nhà thì mẹ mới an tâm. Tội nghiệp mẹ và em lắm. Nghĩ đến đây, Thầy không cầm được những giọt nước mắt, không thể ngồi yên tu hành trên Hòn Sơn được, mà chỉ mong được về bên mẹ, được núp dưới bóng mẹ như lúc còn bé thơ, và sống như vậy mới an tâm tu hành, dù sống bên mẹ có gian khổ như thế nào thì mẹ con đồng chia sẻ với nhau, Thầy an ủi mẹ, mẹ an ủi Thầy, Thầy an tâm tu hành vì có mẹ có em, mẹ an tâm vì có hai con một bên.

Hôm sau, Thầy đón tàu về bên mẹ.

Khi trở về nhà, Thầy nói với mẹ:

Mẹ ráng nuôi con ngày một bữa, để con được an tâm tu hành nghe mẹ! Cuộc đời của con chỉ còn biết tu mà thôi, con thương mẹ lắm, con không thể bỏ mẹ một mình ngồi tựa cửa trông em con.

Nghe thầy Thông Lạc nói như vậy, mẹ Thầy không cầm được nước mắt, những giọt nước mắt rơi xuống nói lên lòng mẹ thương con vô cùng vô tận. Đúng như lời ca Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”.

Thầy quay lại nói với em:

Em ráng nuôi anh tu hành, anh về em phải cực nhọc nhiều hơn. Anh sẽ làm phụ em những gì anh làm được, và anh sẽ tiết kiệm tối đa để em đỡ vất vả, nhất là em yên tâm, nhà có anh bên mẹ và chăm sóc mẹ thay em.

Em Thầy nói:

Thầy cứ an tâm tu tập, có mẹ lo cơm nước cho Thầy, còn em buôn bán đắp đổi qua ngày, Thầy đừng lo, để mặc em.

(Còn tiếp)

Tác giả: Trưởng Lão Thich Thông Lạc Trích sách: Tạo duyên giáo hóa chúng sanh- Nhà xuất bản Tôn giáo

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tao-duyen-giao-hoa-chung-sanh-phan-1.html