Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Chiều 17-6, Quốc hội (QH) nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi).

Nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật là sửa đổi quy định "hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống" thành "hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm dưới mức do Chính phủ quy định" thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Việc này nhằm bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, Chính phủ trình Quốc hội bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định tăng thuế suất thuế GTGT với phân bón nhập khẩu lên 5% sẽ gây bất lợi cho sản xuất. Ảnh: HUY THANH

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định tăng thuế suất thuế GTGT với phân bón nhập khẩu lên 5% sẽ gây bất lợi cho sản xuất. Ảnh: HUY THANH

Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Tại Việt Nam, mỗi ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok... "Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp nhằm mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh ngân sách hạn chế như hiện nay" - ông Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Quan tâm quy định áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón, đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái) đề nghị QH hết sức cân nhắc nội dung này. Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định tăng thuế suất thuế GTGT với phân bón nhập khẩu lên 5% có thể góp phần hạn chế nhập khẩu nhưng bán cao sẽ rất bất lợi cho sản xuất. "Coi trọng nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế thì phải tạo điều kiện phát triển nông nghiệp" - đại biểu Cường lưu ý. Chung quan điểm, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP HCM) đề nghị áp dụng thuế suất thuế GTGT với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là 0% như hiện hành bởi nếu tăng thuế sẽ tạo áp lực lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Thảo luận tại tổ cùng ngày, liên quan dự thảo nghị quyết của QH về giảm thuế GTGT, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị thực hiện chính sách này trong một thời gian dài, có thể đến hết năm 2025 hoặc đến khi Luật Thuế GTGT (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực. Đồng thời, cần xem xét tất cả hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất thuế GTGT 10% được giảm 8%.

Hôm nay, 18-6, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Nguyễn Thế - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tao-moi-truong-kinh-doanh-binh-dang-196240617222213098.htm