Tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô Hà Nội

Tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, sáng 20.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã cho ý kiến với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long

Quy hoạch có tính đại diện và hội tụ cao

Cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo của Hội đồng thẩm định, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các ĐBQH khẳng định, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là hai bản quy hoạch rất quan trọng. Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được xây dựng công phu, khoa học, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là một quy hoạch đặc biệt, quy hoạch cho Thủ đô của cả nước. Do vậy, bản quy hoạch này phải mang tất cả những yếu tố hội tụ và có tính đại diện cho sự phát triển của cả nước. Quá trình lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã nhận được sự quan tâm và thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học trên cả nước thuộc tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là có nhiều chuyên gia của tổ chức quy hoạch lớn trên thế giới tham gia.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cơ bản đồng tình với các nội dung dung chủ yếu về Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, phạm vi quy hoạch đối với diện tích đất tự nhiên còn có sự chênh lệch so với nhiệm vụ quy hoạch và thời gian lập quy hoạch không đáp ứng tiến độ.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về đánh giá thực trạng, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị làm rõ thêm kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, phát triển hệ thống đô thị và nông thôn so với mục tiêu, chỉ tiêu tại Quyết định số 1081 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, những chỉ tiêu nào đạt và không đạt. Đồng thời, đánh giá lại các tiêu chí về kinh tế - xã hội xem còn tiêu chí nào chưa đạt theo Nghị quyết số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đối với đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, làm rõ nguyên nhân để rút ra bài học cho công tác lập và điều chỉnh quy hoạch.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng cho rằng, cần làm rõ kết quả thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 từ năm 2011 đến nay; báo cáo về khả năng hoàn thành Quy hoạch này… để có cơ sở xác định khả năng hoàn thành các mục tiêu, quan điểm quy hoạch được đặt ra cho giai đoạn mới.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, thời hạn quy hoạch quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 700 của Thủ tướng Chính phủ là ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Tuy nhiên, thời gian quy hoạch này chưa phù hợp với thời kỳ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, trong khi khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch đã quy định rõ “quy hoạch đô thị quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch tỉnh”. Do vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát thống nhất thời hạn quy hoạch giữa hai bản quy hoạch này.

Hiện tại, điều chỉnh Quy hoạch chung được lập theo Luật Quy hoạch đô thị, trong khi Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để thay thế Luật Quy hoạch đô thị. Do vậy, theo đại biểu Trần Văn Tiến, việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải bám sát Quy hoạch Thủ đô và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để tránh tình trạng quy hoạch chung mới được điều chỉnh, lại phải điều chỉnh theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Để Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô được triển khai bám sát những quan điểm, mục tiêu đặt ra, đại biểu Hoàng Văn Cường đưa ra ba vấn đề cần quan tâm chú trọng triển khai.

Thứ nhất, thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng cần phối hợp để tập trung giải quyết “nút thắt” lớn nhất của Thủ đô hiện nay là vấn đề giao thông ùn tắc. Để thực hiện yêu cầu này, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trọng tâm cần đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị như trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã vạch ra.

Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ trở thành một mạng lưới đồng bộ, đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân có thể di chuyển đến bất kỳ địa điểm nào trên địa bàn Thủ đô. Khi phương tiện vận tải công cộng phát triển thì sẽ giảm tỷ trọng sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân và như vậy những vấn đề về ùn tắc giao thông hay là ô nhiễm môi trường của Thủ đô hiện nay cũng sẽ được giải quyết thông.

“Khi mạng lưới đường sắt phát triển cũng sẽ kết nối với các vùng ngoại thành, nên tự động sẽ giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở khu vực nội đô hiện nay sang các vùng đô thị mới. Đặc biệt, hệ thống đường sắt này còn kết nối với các địa phương lân cận Thủ đô, đưa các địa phương này trở thành “đô thị vệ tinh”, tạo sự kết nối phát triển cho cả vùng miền”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Thứ hai, vấn đề cốt lõi là phải đầu tư xây dựng được một hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa, cũng như xây dựng, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung để nước thải sinh hoạt khi đưa ra hệ thống thoát nước đã trở thành nước sạch, không còn ô nhiễm.

Đồng thời với việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ và tập trung thì cũng cần xây dựng hai đập tràn dâng nước ở trên sông Hồng và trên sông Đuống. Cho biết, hai đập tràn dâng nước này đã có trong quy hoạch thủy lợi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất nhiều lần, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ rõ, nếu xây dựng được hai đập này thì mặt nước sông Hồng vào mùa cạn sẽ dâng cao lên và đẩy nước vào các sông Đáy, Nhuệ, hệ thống sông Bắc Hưng Hải, tự động làm các dòng sông này sống lại, đặc biệt là giúp tiếp kiệm lượng nước cần điều hòa từ các hồ thủy điện, góp phần giải đáp bài toán cung cấp nước cho sinh hoạt, canh tác và thiếu nguồn nước phát điện vào mùa khô.

Cùng với việc xây dựng hai đập dâng tràn nước nêu trên cũng có thể xây dựng hai con đường di sản hai bên sông Hồng, tạo không gian phát triển các hoạt động khai thác không gian du lịch, không gian văn hóa, cũng như tổ chức nhiều hoat động thương mại dịch vụ ở bên sông.

Thứ ba, rất cần phải có một cơ chế để hỗ trợ cho người dân ở khu vực phố cổ theo hướng không thu hồi nhà ở trong khu vực này, song vẫn bố trí nơi ở mới thuận tiện cho người dân. Khi được hỗ trợ chỗ ở mới thì người dân có thể dành không gian sinh sống hiện nay trở thành không gian kinh doanh thương mại, chủ động đầu tư cải tạo các nhà cổ. Qua đó, tạo điều kiện phát triển được một không gian kinh tế về đêm cho Hà Nội rộng hơn, không giới hạn quanh Hồ Gươm như hiện nay, thậm chí có thể mở rộng đến cả khu vực Hồ Tây trở thành không gian kinh tế đêm.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhìn ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lưu ý, đây là quy hoạch không chỉ cho Thủ đô mà cho vùng miền, cho cả quốc gia vì hầu hết bệnh viện lớn đầu ngành đều tập trung ở Hà Nội. Do vậy, tại Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung cần chú ý bố trí tập trung ở Thủ đô các bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên khoa; xem xét sự phối hợp giữa các trung tâm y khoa, viện chuyên khoa. Đồng thời, chú ý sắp xếp, bố trí để bảo đảm có đủ các bệnh viện đa khoa dưới 500 giường ở các quận, huyện; bố trí phòng khám đa khoa ở khắp các khu dân cư, càng gần dân càng tốt…

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm. Ảnh: Hồ Long

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh là những quy hoạch quan trọng nên đã được lập thận trọng và công phu. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có nhiều đổi mới, với nhiều tư duy hết sức đột phá, chú trọng đến tính liên kết vùng, với các địa phương xung quanh, Hà Nội giữ vai trò trung tâm, là động lực để phát triển cho vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực của phía Bắc, là một trong hai cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt quan trọng về kinh tế - xã hội của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm. Ảnh: Hồ Long

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có nhiều điểm khác biệt so với một số quy hoạch khác như: đã chú trọng đến các vấn đề về văn hóa, về di sản, xác định là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước, là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo và phát huy được các tiềm năng con người, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy hoạch cũng đã thể hiện được định hướng phát triển là thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm với Thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và thế giới về mọi lĩnh vực và tiếp cận với các xu hướng mới về phát triển xanh hay là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, qua thảo luận, các đại biểu thống nhất hai nhiệm vụ quy hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô cả trước mắt và lâu dài. Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình với Thủ đô, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để hoàn thiện hai nhiệm vụ quy hoạch.

Thống nhất với nhiều nội dung nhưng các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm 2 quy hoạch tuân thủ Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị; phù hợp với chủ trương của Đảng, có tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội; tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại cả trước mắt và lâu dài. Hai quy hoạch này cần thống nhất đồng bộ, không chồng chéo mâu thuẫn giữa hai nhiệm vụ quy hoạch với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, tương thích với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét thông qua.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tao-ra-co-hoi-moi-gia-tri-moi-trong-phat-trien-thu-do-ha-noi-i376257/