Tạo thế cạnh tranh trong phát triển công nghệ cao

Nguồn nhân lực công nghệ cao trở thành lợi thế cạnh tranh của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Sinh viên Học viện Kỹ thuật quân sự. Ảnh: Sỹ Điền

Sinh viên Học viện Kỹ thuật quân sự. Ảnh: Sỹ Điền

Để thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần quan tâm, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển lĩnh vực này.

Bồi đắp kỹ năng

- Theo ông, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ, cần những giải pháp gì?

Cần đẩy mạnh giáo dục STEM từ cấp phổ thông đến đại học, đổi mới đào tạo bậc đại học và cao đẳng, hợp tác chặt chẽ giữa trường học và doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ trong đào tạo, đầu tư vào đội ngũ giảng viên, tăng cường hỗ trợ đào tạo tiến sĩ... Ngoài ra, thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ cao bằng cách: Cấp thị thực và cư trú đặc biệt, tạo môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng nhân tài, triển khai các chương trình đặc thù thu hút nhân tài hàng đầu.

- Trước hết cần nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài tập trung cho người học, cơ sở đào tạo cần được cải thiện. Thứ nữa, người thầy phải nâng tầm. Chúng ta hoàn toàn có thể mời chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, một trong những nguồn mà chúng ta không nên bỏ qua là, lực lượng người Việt Nam sống ở nước ngoài hoặc lực lượng Việt kiều đúng nghĩa. Thực tế, nguồn lực này chúng ta chưa thu hút được nhiều như kỳ vọng. Đây là đội ngũ cần đầu tư, cố gắng thu hút họ trở về nước để hỗ trợ.

- Những kỹ năng nào mà nguồn nhân lực của Việt Nam đang thiếu hoặc chưa thể đáp ứng được yêu cầu các ngành công nghệ cao, thưa ông?

- Nếu nói về ngành công nghệ cao và nguồn nhân lực, theo tôi phải chia thành hai nhóm: Một là, đào tạo nguồn nhân lực để tham gia vào chuỗi dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Nhóm này, có thể thông qua các chương trình đào tạo về kỹ năng và dạy nghề.

Hai là, với các trình độ nhân lực dành cho ngành công nghệ cao phải là người có khả năng đóng góp hàm lượng chất xám vào sản phẩm công nghệ cao. Muốn đào tạo được nhóm này, phải có chính sách toàn diện và tổng thể. Chẳng hạn, nếu muốn tập trung đào tạo trình độ tiến sĩ, hoặc những người vừa tốt nghiệp tiến sĩ, phải tạo điều kiện để họ toàn tâm, toàn ý trong học tập và nghiên cứu. Khi đó mới có thể đạt được trình độ tiệm cận với thế giới theo đúng nghĩa công nghệ cao.

Hiện nay, việc đào tạo tiến sĩ buộc người học vừa đóng học phí, vừa phải lo cơm áo gạo tiền để bảo đảm cuộc sống. Như vậy, các học viên khó có thể tập trung toàn tâm, toàn ý cho học tập và nghiên cứu. Kéo theo đó, chúng ta rất khó để đạt được trình độ so với yêu cầu hội nhập và mức độ cạnh trên trên thế giới.

 Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Tháo “nút thắt”

- Vậy, cần có những giải pháp nào để có thể tháo gỡ “nút thắt” mà ông vừa đề cập?

- Cần tập trung vào nhóm chất lượng cao thực sự. Để tháo gỡ, chúng ta cần xây dựng một số chính sách toàn diện như tôi đã đề cập ở trên. Ngoài ra, có thể xây dựng và phát triển quỹ khoa học quốc gia. Đây có thể coi là quỹ tài năng trẻ hoặc quỹ đào tạo tiến sĩ. Làm sao để quỹ này có thể đảm bảo cho học viên tiến sĩ toàn tâm, toàn ý vào học tập và nghiên cứu. Tức là, họ không phải lo đóng học phí, không phải bươn chải để lo cơm, áo, gạo, tiền. Việc của họ là tập trung vào học tập và nghiên cứu.

Tất nhiên, chúng ta không sử dụng quỹ khoa học quốc gia tràn lan. Việc tuyển chọn cần dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, chọn lựa những người thực sự giỏi, tâm huyết để đào tạo ra chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cao. Với những giải pháp trên, tôi nghĩ hoàn toàn khả thi. Nếu chúng ta đồng lòng, có quyết tâm chính trị và có tầm nhìn dài hạn thì sẽ làm được.

- Còn việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp thì sao? Làm sao để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học?

- Việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp cho quá trình đào tạo mang tính thực tiễn, có ứng dụng cao. Hiện, nhiều chương trình đào tạo vẫn dựa trên kiến thức, chưa dựa trên năng lực. Vì vậy, chương trình đào tạo phải thay đổi. Muốn thay đổi, cần có sự kết hợp với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần những người có năng lực nào thì cơ sở giáo dục đại học phải đào tạo những năng lực đó để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Về phía doanh nghiệp, khi cơ sở đào tạo cung cấp nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu mà họ mong muốn cũng cần có đầu tư ngược lại. Doanh nghiệp cùng phối hợp với cơ sở giáo dục đại học trong công tác đào tạo và hỗ trợ thông qua hoạt động tài trợ dự án nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần có chính sách quốc gia. Làm sao để doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào quá trình đào tạo, hỗ trợ nghiên cứu khoa học…

Hiện, chúng ta đã có chính sách ưu đãi về thuế nhưng chưa đủ hấp dẫn để họ đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu khoa học. Vì thế, cần có chính sách xứng tầm. Chẳng hạn, thay vì đóng thuế, thì đóng góp vào giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đó cũng là cách để thu hút nguồn lực cho đào tạo và nghiên cứu khoa học. Như hiện nay, việc giảm thuế chưa đủ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

- Theo ông, để thu hút lớp trẻ tham gia vào chuỗi phát triển khoa học, công nghệ chất lượng cao, cần những giải pháp gì?

- Đây là bài toán đau đầu với các nhà khoa học. Tôi cho rằng, cần có chính sách ngay từ bậc phổ thông. Muốn vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền về giáo dục, đào tạo STEM. Giáo viên có thể dẫn chứng từ các nhà khoa học có đóng góp vào sự phát triển nhân loại. Hoặc có thể ví dụ từ những thành đạt của các nhà khoa học Việt Nam và trên thế giới, các giải thưởng danh giá cho người làm công tác nghiên cứu khoa học…

Qua đó, khơi gợi niềm đam mê khoa học, giúp học sinh, sinh viên có định hướng về STEM. Thực tế, nhiều bạn trẻ không có nguồn cảm hứng và không có sự định hướng nên thường mong muốn lựa chọn việc thuận lợi trong học tập và cuộc sống.

 Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ trong giờ thực hành. Ảnh: Sỹ Điền

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ trong giờ thực hành. Ảnh: Sỹ Điền

Cần giáo dục và y tế phát triển

- Riêng với lĩnh vực y dược, theo ông phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò như thế nào?

- Lĩnh vực y dược có thể chia làm hai mảng: Kỹ thuật khoa học và Kỹ thuật y sinh. Nếu đầu tư tốt, chúng ta vẫn có nguồn lực lớn, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu về mặt y tế của đất nước. Liên quan đến chăm sóc sức khỏe, nếu đào tạo tốt, sẽ có chất lượng nhân lực y tế tốt, khi đó sẽ có chất lượng hệ thống y tế tốt; mà chất lượng hệ thống y tế tốt mới đảm bảo chất lượng sức khỏe toàn dân.

Một đất nước phát triển thì cần giáo dục và y tế phát triển. Y tế có nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe về mặt thể chất, còn giáo dục đảm bảo phát triển về mặt trí tuệ, tinh thần. Nếu sự phối hợp này tốt, chắc chắn đất nước ta sẽ phát triển trong tương lai.

- Vậy cần những giải pháp nào để đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao?

Theo tôi, cần sớm ban hành Nghị định đào tạo chuyên sâu đặc thù quy định về việc tổ chức đào tạo chuyên khoa trong khối ngành sức khỏe. Để phù hợp với xu thế và thông lệ quốc tế, chúng ta chỉ nên quy định đào tạo chuyên khoa cho bác sĩ và dược sĩ lâm sàng. Các ngành còn lại nên theo hệ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Trong đó, thạc sĩ và tiến sĩ đều có 2 nhánh đào tạo là: Nghiên cứu và thực hành. Tất nhiên, các bác sĩ và dược sĩ lâm sàng có thể lựa chọn học thạc sĩ và tiến sĩ theo hướng hàn lâm.

Ngoài ra, Nghị định 111/2017/NĐ-CP ngày 5/10/2017 quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe bộc lộ một số nhược điểm, làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo thực hành.

Cần sớm điều chỉnh, bổ sung; trong đó chú trọng đến: Mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở thực hành và giáo dục đại học, bài toán tài chính, yêu cầu bắt buộc các cơ sở giáo dục phải có cơ sở thực hành của trường, quy định về số trường tối đa mà một cơ sở thực hành có thể nhận sinh viên từ cơ sở giáo dục đại học, quy định về học tập dựa trên hệ thống, trong đó sinh viên cần được đào tạo thực hành chủ yếu tại hệ thống y tế trên địa bàn của cơ sở giáo dục…

Có như vậy mới có thể đảm bảo được chất lượng giáo dục và đào tạo trong khối ngành sức khỏe. Qua đó góp phần chỉnh đốn hệ thống giáo dục khối ngành sức khỏe, tạo điều kiện cho các trường hàng đầu thực hiện chức năng đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao cho hệ thống chăm sóc y tế.

Ngoài ra, có thể xây dựng mô hình mới đối với đào tạo chuyên khoa (loại hình đào tạo 3 năm dự kiến sắp ban hành trong nghị định đào tạo chuyên khoa đặc thù). Trong đó, cần tổ chức các tổ hợp (consortium) gồm một số trường đại học và bệnh viện hàng đầu tham gia vào dự án trọng tâm, trọng điểm trong đào tạo nhân tài cho hệ thống y tế.

Dự án này không nhất thiết tốn kém về chi phí, mà chỉ cần đạt được sự đồng thuận của các bên về cách tổ chức thực hiện. Theo đó, bệnh viện xem sinh viên, học viên, giảng viên là nguồn lực của mình và nhà trường xem bệnh viện là nơi để hợp tác toàn diện trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Mô hình này được triển khai rất hiệu quả ở các nước trên thế giới và đem lại lợi ích cho các bên, gồm: Người bệnh, người học, bệnh viện và nhà trường.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, nhờ vào tăng trưởng kinh tế, cơ hội hợp tác quốc tế và thời kỳ dân số vàng.

Với việc thực hiện các chính sách phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội này để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. - GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn

Minh Phong (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tao-the-canh-tranh-trong-phat-trien-cong-nghe-cao-post705347.html