Tập đoàn AES (Mỹ) ký thỏa thuận trị giá 2,8 tỷ USD với PetroVietnam Gas
Tại ngày đầu tiên của Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2020 (IPBF), các đối tác Việt Nam và Mỹ đã ký những thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD liên quan đến khí hóa lỏng (LNG).
Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2020 (IPBF) khai mạc sáng nay 28/10 diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường chống lại ảnh hưởng của các công ty nhà nước Trung Quốc trong khu vực. Diễn đàn có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Tại diễn đàn, tập đoàn AES (có trụ sở tại bang Virginia, Mỹ) cho biết sẽ ký thỏa thuận trị giá 2,8 tỷ USD với PetroVietnam Gas (PV GAS) để xây dựng cảng nhập khẩu nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG) và một nhà máy điện khí ở Việt Nam.
AES là tập đoàn năng lượng có trụ sở tại Bang Virginia, Hoa Kỳ. Tập đoàn này có tên trong danh sách 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ do tạp chí Fortune bình chọn và là một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng.
AES có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối điện trên thế giới và có kinh nghiệm trong việc xây dựng hạ tầng trong ngành công nghiệp khí.
Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, AES đã đầu tư trực tiếp vào dự án Nhà máy điện than Mông Dương 2 với công suất 1150 MW tại Quảng Ninh.
Hiện AES đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận cho phép làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ 2 sử dụng LNG và cùng PV GAS tham gia góp vốn vào Công ty Kho cảng LNG Sơn Mỹ.
Việt Nam đang xây dựng nhiều nhà máy điện dùng LNG. Nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Theo Reuters, đây là động thái đầy tham vọng, có thể đưa LNG trở thành nguồn năng lượng chính cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam.
Phần lớn LNG sẽ được nhập khẩu từ Mỹ, quốc gia này đang muốn thu hẹp thâm hụt thương mại với Việt Nam. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã tăng từ 33,96 tỷ USD 3 quý đầu năm 2019 lên 44,3 tỷ USD trong 3 quý đầu năm nay.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPBF) rằng "Việt Nam đã bật đèn xanh cho tập đoàn AES để tiến hành dự án". Ông Pompeo nhấn mạnh thỏa thuận mỗi năm sẽ mở đường sự nhập khẩu hàng tỷ USD giá trị LNG từ Mỹ đến Việt Nam, và khẳng định cả Mỹ lẫn Việt Nam đều có lợi trong lĩnh vực hợp tác này.
"Các công ty Mỹ tuân thủ pháp quyền, tính minh bạch và có tiêu chuẩn chất lượng rất cao đối với sản phẩm của họ. Điều này hoàn toàn trái ngược với những doanh nghiệp nhà nước được Trung Quốc hậu thuẫn", ông Pompeo nói.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết 3 tập đoàn Bechtel, General Electric và McDermott đã ký thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD được công bố trước đó để phát triển nhà máy điện LNG công suất 3.200 MW tại tỉnh Bạc Liêu.
Theo Báo Chính phủ, đây là dự án điện quy mô lớn đầu tiên do nhà đầu nước nước ngoài đầu tư theo hình thức dự án điện độc lập.
Dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu có tổng công suất 3.200 MW, là dự án điện quy mô lớn lần đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức IPP (dự án điện độc lập), theo Báo Chính phủ.
Dự án có nhà đầu tư chính là Delta Offshore Energy, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD và dự kiến lượng nhập khẩu lên đến 3 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm, được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Luật Đầu tư của Việt Nam.
Trung tâm điện khí dự kiến được khởi công vào quý II/2021 và hoàn thành 36 tháng, vận hành tổ máy đầu tiên vào năm 2024 và hoàn thành đủ công suất 3.200MW năm 2027.
Khi đưa vào hoạt động, trung tâm sẽ đóng góp sản lượng điện lên đến khoảng 20 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia, giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch, ổn định và giá cả cạnh tranh phục vụ cho đất nước cũng như nền kinh tế đang trên đà phát triển.
"Đây là mô hình tiêu biểu cho quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ về thương mại, đầu tư và an ninh năng lượng, mở ra một chân trời mới cho các hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Việt Nam", theo đại sứ quán Mỹ.