Tập đoàn Dệt may Việt Nam: (VGT): Hy sinh lợi nhuận để đảm bảo việc và lương cho người lao động
Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã cổ phiếu VGT) cho biết đã phải chấp nhận đơn hàng giá thấp để đảm bảo việc và duy trì lương cho người lao động.
Chấp nhận các đơn hàng giá thấp để đảm bảo việc cho người lao động
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã cổ phiếu VGT - sàn UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 cho thấy tình trạng thiếu đơn hàng tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Cụ thể, doanh thu thuần của Vinatex trong quý 3/2023 giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.088 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ mức 11% xuống còn 10% trong quý 3/2023.
Doanh thu hoạt động tài chính của Vinatex cũng giảm 23%, còn 63 tỷ đồng, chủ yếu do lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Vinatex báo lãi ròng đạt hơn 80 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ 5 liên tiếp, tập đoàn đầu ngành dệt may Việt Nam ghi nhận lợi nhuận suy giảm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Vinatex ghi nhận tổng doanh thu thuần 12.186 tỷ đồng và lãi trước thuế 288 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 76% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Vinatex đã hoàn thành 70% mục tiêu doanh và 78% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Theo chia sẻ của ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Vinatex, những khó khăn của thị trường dệt may toàn cầu từ cuối năm 2022 kéo dài sang đầu năm 2023, đã khiến các doanh nghiệp thuộc tập đoàn tiếp tục phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do nhu cầu thấp.
“Đơn hàng thiếu hụt, người lao động thiếu việc làm. Để đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp của Tập đoàn buộc phải nhận những đơn hàng giá thấp song vẫn cố gắng đảm bảo mức lương cho người lao động bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng. Trong khi với mức giá của các đơn hàng nhận được thì mức lương bình quân chỉ đạt dưới 6 triệu đồng/người/tháng. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận hợp nhất của Vinatex, đặc biệt là ngành dệt may có đặc thù sử dụng số lao động rất lớn”, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết.
Các khó khăn với ngành dệt may có thể kéo dài đến năm sau
Về tình hình đơn hàng, hồi giữa tháng 10/2023, lãnh đạo Vinatex cho biết, đa số các đơn vị thuộc tập đoàn vẫn đang chưa nhận đủ đơn hàng cho quý 4/2023 nhưng khách hàng đã tăng cường trao đổi. Đối với ngành sợi, giá bông đầu vào trong quý 3 và quý 4/2023 đã thấp hơn so với nửa đầu năm nay, tạo điều kiện nâng cao biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp. Đối với ngành khăn - gia dụng, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì được lợi thế về giá nguyên liệu và thị trường đầu ra; ngành dệt - nhuộm không có nhiều thay đổi trong 9 tháng vừa qua.
Chia sẻ về triển vọng ngành hàng dệt may thời gian tới, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá các khó khăn hiện nay có thể còn kéo dài đến năm 2024. Về tổng thể thị trường 2024 có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn 2023, tuy nhiên mức độ cải thiện nhỏ, tổng cầu 2024 dự kiến vẫn thấp hơn năm 2022 từ 5 - 7%. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tính toán kỹ kế hoạch kinh doanh sắp tới.
Xem thêm: "Vinatex (VGT): Duy trì thận trọng trong năm 2024, tổng cầu dệt may có thể chỉ cải thiện nhẹ" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Vinatex đạt 18.916 tỷ đồng, giảm 6% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, tổng giá trị tiền mặt và các khoản tiền gửi đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho đã giảm mạnh 34%, còn 3.081 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Về phía nguồn vốn, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn & dài hạn của Vinatex đã giảm hơn 7%, còn 6.722 tỷ đồng, chiếm 35% tổng nguồn vốn.
Trong một diễn biến liên quan, HĐQT Vinatex vừa quyết định thông qua phương án thoái sạch hơn 1 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 35%) tại Công ty Cổ phần Vinatex OJ theo hình thức chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư có sự cạnh tranh về giá.
Thương vụ này dự kiến sẽ được triển khai ngay trong quý 4/2023 với mức giá khởi điểm 22.400 đồng/cổ phiếu. Công ty Cổ phần Vinatex OJ là đơn vị chuyên cung cấp các phụ tùng, thiết bị may và tư vấn việc thiết lập chuyền may cho các nhà máy. Nếu giao dịch thành công, Vinatex có thể thu về khoảng 22,7 tỷ đồng từ thương vụ trên.