Tập trung chăm sóc cây mắc-ca

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 7.420ha cây mắc-ca được trồng ở các địa phương trong tỉnh. Thời điểm này, mắc-ca nở hoa rộ, đậu quả non, nông dân đang tích cực chăm sóc với hy vọng đạt sản lượng cao trong mùa thu hoạch tới.

Có dịp đến thăm vườn cây mắc-ca của gia đình anh Phê A Vừ ở bản Hồi Lùng (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) vào một ngày cuối tháng 4. Với 200 gốc mắc-ca trồng từ năm 2014, gia đình anh Vừ là hộ có diện tích nhiều nhất xã. Và, anh rất mừng khi cây mắc-ca thích nghi, phát triển tốt trên đất nương và vườn nhà. Chăm sóc mắc-ca trên đất đồi dốc hay bị xói mòn rửa trôi vào mùa mưa, ngay từ những năm đầu, anh Vừ thực hiện theo hướng dẫn, tư vấn từ cán bộ cơ quan chuyên môn của thành phố nên vườn mắc-ca phát triển, sinh trưởng tốt. 3 năm nay, diện tích mắc-ca đều đạt sản lượng trên 1 tấn quả, giá bán từ 25 - 30 nghìn đồng/kg. Mắc-ca đang thời kỳ ra hoa và đậu quả non, gia đình anh tập trung nhân lực chăm sóc.
Anh Vừ chia sẻ: Trước khi cây ra hoa khoảng 1 tháng, gia đình tôi dọn cỏ vườn, xới đất, cắt cành bị sâu gây hại, tạo tán cây và phun thuốc bảo vệ thực vật để hoa trổ đồng loạt, phòng trừ rệp sáp. Thời kỳ mắc-ca ra hoa, đậu quả thì tiến hành bổ sung phân bón tăng dinh dưỡng cho cây trồng, giúp nhân hạt chắc. Phun thuốc bảo vệ thực vật tránh rụng quả.
Hiện đang thời điểm quan trọng chăm sóc mắc-ca, do đó, với diện tích 111,2ha cây mắc-ca được trồng rải rác ở các bản, xã Sùng Phài đẩy mạnh công tác tuyên truyền nông hộ chú trọng thực hiện. Đồng chí Tẩn A Páo - Phó Chủ tịch UBND xã Sùng Phài cho biết: Sau nhiều năm trồng, cây mắc-ca từng bước khẳng định phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo hướng phát triển kinh tế mới, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng cao thu nhập. Với diện tích mắc-ca sẵn có, xã khuyến cáo người dân chủ động chăm sóc, chằng chống cây khi mùa mưa sắp đến, liên kết với các đại lý, doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm quả. Gia đình nào có nhu cầu mở rộng diện tích cần lựa chọn mua cây giống ở cơ sở có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ đảm bảo năng suất, sản lượng quả sau này.

Vợ chồng anh Phê A Vừ ở bản Hồi Lùng (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) chăm sóc vườn cây mắc-ca.

Vợ chồng anh Phê A Vừ ở bản Hồi Lùng (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) chăm sóc vườn cây mắc-ca.

Tại vườn mắc-ca của gia đình anh Chang A Kỷ ở Chin Chu Chải (xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường) đang ra những chùm hoa dày, xen lẫn quả hứa hẹn có thêm mùa vụ thắng lợi. Với 100 gốc mắc-ca, vợ chồng anh tích cực chăm sóc, quét vôi gốc cây, tưới nước, bón phân nhằm tăng vi lượng cho đất giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng nuôi quả và phun thuốc phòng trừ một số loại côn trùng như: kiến, bọ xít, bọ trĩ.
Anh Kỷ tâm sự: Để mắc-ca ra hoa, đậu quả với tỷ lệ cao, tôi tuân thủ kỹ thuật chăm sóc theo hướng dẫn được tập huấn tại địa phương. Qua theo dõi, quả non bị rụng rất ít. Đến kỳ thu hoạch, cây mắc-ca sẽ đều trái, quả to được thương lái đến tận vườn thu mua, gia đình không mất công vận chuyển ra chợ bán.
Các hộ trồng mắc-ca thông tin, đây là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, ít bị sâu bệnh. 3 năm đầu cây chưa khép tán, có thể trồng xen canh ngô, chè để tăng thu nhập. Nhờ bán quả với giá cao, lại ổn định, nhiều hộ thu về hàng chục triệu đồng, mở ra hướng thoát nghèo ở địa phương.
Trên địa bàn tỉnh trồng chủ yếu là các giống mắc-ca: 695, OC, 741, 800, 900, 816, 842, 246... Hiệu quả kinh tế cây mắc-ca phụ thuộc vào việc lựa chọn giống, địa điểm, khí hậu nơi trồng, khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Theo anh Đào Mạnh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu, để mắc-ca đạt năng suất cao, hạn chế tối ưu tình trạng rụng quả non, bà con nên chăm sóc ngay từ đầu vụ như: dọn sạch cỏ dại, phát quang vườn trồng, cắt tỉa tạo tán đảm bảo thoáng gió. Áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Thời kỳ cây trổ hoa, đậu quả thường xuyên thăm vườn phát hiện các loại côn trùng, sâu hại để phun thuốc phòng trừ. Khi hoa đã nở, có thể phun phân bón lá có các yếu tố vi lượng, thuốc trừ sâu bệnh để tăng tỷ lệ đậu hoa, quả. Đồng thời, tưới nước đầy đủ, kịp thời để hạn chế hiện tượng quả non rụng sớm.
Tin rằng với việc chủ động, tích cực chăm sóc, mùa thu hoạch mắc-ca sắp tới, nông dân trong tỉnh sẽ đạt doanh thu như mong đợi.

Ngọc Bảo Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-te/tap-trung-cham-soc-cay-mac-ca-900151