Tập trung ôn tập cho học sinh lớp 9

Năm học 2024- 2025, toàn tỉnh Hà Nam có 12.726 học sinh lớp 9. Theo Quyết định số 619/QĐ-UBND, ngày 6/4/2025 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 trên địa bàn tỉnh, tổng chỉ tiêu vào lớp 10 các hệ là 10.850 học sinh lớp 9, gồm: 350 chỉ tiêu vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông (THPT) chuyên Biên Hòa; 7.380 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT; 1.665 chỉ tiêu vào lớp 10 học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) và trung tâm GDTX - Hướng nghiệp tỉnh Hà Nam; dự kiến có 210 chỉ tiêu tuyển vào lớp 10 Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành; dự kiến có 60 chỉ tiêu tuyển vào lớp 10 Trường THCS và THPT Mensa; dự kiến có 240 chỉ tiêu tuyển vào lớp 10 Trường Tiểu học, THCS & THPT FPT và dự kiến chỉ tiêu liên kết tuyển sinh lớp 10 giữa trung tâm GDTX và cơ sở GDNN là 945 học sinh. Như vậy, vẫn đặt ra rất nhiều áp lực cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025- 2026.

Mọi năm, bước vào tháng 4, tháng 5, không khí ôn thi vào lớp 10 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh thường rất sôi nổi, với các lớp học ôn tập được tổ chức bài bản ngay tại trường. Tuy nhiên, năm nay, việc triển khai Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không tổ chức dạy thêm có thu tiền trong nhà trường phần nào làm thay đổi công tác tổ chức ôn tập cho học sinh. Hiện nay, hầu hết các nhà trường chọn cách tổ chức ôn tập miễn phí ngoài giờ, nhưng hình thức này đòi hỏi giáo viên tự nguyện đứng lớp, học sinh tự nguyện đăng ký học mới tổ chức lớp học. Theo cô giáo Trần Thị Huệ, giáo viên Trường THCS Thanh Tân (Thanh Liêm), hiện đã bước vào giai đoạn ôn thi nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025- 2026. Tuy nhiên, với những học sinh có học lực trung bình, cần kèm cặp sát sao, nếu không được hỗ trợ từ nhà trường và các thầy cô giáo, các em gần như phải tự lực cánh sinh trong việc ôn tập.

Nhiều học sinh lớp 9 của Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) có bố mẹ là lao động tự do hoặc công nhân nên rất khó có điều kiện để ra trung tâm học ôn tập. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Liên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm nay là năm đầu tiên các cháu thi tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018, có nhiều điểm mới trong cấu trúc đề thi cũng như việc tổ chức thi. Không chỉ gia đình, ngay cả các thầy cô giáo cũng rất lo lắng cho các em trước kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Vì thế, ngay từ cuối tháng 2, nhà trường đã tổ chức ôn tập miễn phí cho học sinh, mỗi tuần 2 tiết/môn. Giáo viên hoàn toàn tự nguyện, nhà trường bố trí phòng học, kế hoạch và giám sát chặt chẽ. Việc dạy ôn được tổ chức trên cơ sở phân loại học sinh theo năng lực để có biện pháp ôn tập phù hợp.

Giờ ôn tập môn Toán của học sinh lớp 9B, Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Giờ ôn tập môn Toán của học sinh lớp 9B, Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Không chỉ gặp khó về điều kiện ôn tập, học sinh lớp 9 năm nay còn phải đối mặt với một thay đổi quan trọng khi đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có sự điều chỉnh lớn về cấu trúc, theo định hướng phát triển năng lực. Nếu như trước đây, đề thi môn Ngữ văn thường gồm ba phần: đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học, thì năm nay cấu trúc đề thi theo Chương trình GDPT 2018 sẽ mới, gồm hai phần lớn, mỗi phần 5 điểm. Trong đó, phần 1 là đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn (khoảng 200 chữ); phần 2 là đọc hiểu văn bản nghị luận hoặc thông tin và viết bài văn nghị luận xã hội. Ở phần 1, bài đọc hiểu chiếm 3 điểm, còn đoạn văn (2 điểm) sẽ yêu cầu thí sinh bày tỏ cảm nhận về đoạn thơ, bài thơ, hoặc phân tích chủ đề, nghệ thuật và hiệu quả thẩm mỹ của văn bản. Ở phần 2, câu đọc hiểu chiếm 1 điểm, còn lại 4 điểm là cho bài văn nghị luận xã hội (có thể yêu cầu thí sinh nêu ý kiến về một vấn đề đời sống hoặc đề xuất giải pháp khả thi- PV).

Một điểm đáng chú ý là toàn bộ ngữ liệu đọc hiểu sẽ nằm ngoài sách giáo khoa, độ dài không quá 1.300 chữ, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng đọc hiểu nhanh, tư duy phân tích và tổng hợp. Đề thi được xây dựng theo định hướng tích hợp, nghĩa là phần viết sẽ liên quan đến văn bản ở phần đọc hiểu, yêu cầu năng lực liên môn, sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn.

Theo nhận định của cô giáo Trần Thị Huệ, giáo viên Trường THCS Thanh Tân (Thanh Liêm): Cấu trúc đề mới rất hay nhưng cũng rất khó. Học sinh vùng nông thôn ít có cơ hội tiếp xúc với dạng đề tích hợp, thiếu kỹ năng viết lập luận, phản biện. Nếu không được rèn luyện kỹ, dễ bị điểm thấp ở phần này.

Điều đáng nói lúc này tại địa phương chưa có đề minh họa chính thức cho các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 như nhiều tỉnh, thành phố. Hầu hết giáo viên dạy ôn tập lớp 9 tự chủ động tìm kiếm tài liệu phục vụ ôn tập cho học sinh. Một học sinh lớp 9 Trường THCS Hòa Hậu (Lý Nhân) bày tỏ lo lắng: Em thấy đề văn năm nay khó đoán. Phần viết đoạn văn đòi hỏi phải phân tích sâu, còn bài văn nghị luận xã hội thì cần dẫn chứng thực tế. Nếu không được giáo viên hướng dẫn trực tiếp, em không biết thể hiện thế nào...

Còn em Nguyễn Thế Mạnh, học sinh lớp 9 Trường THCS An Đổ (Bình Lục) chia sẻ: Năm nay tỉnh chỉ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT trên địa bàn, điểm 3 môn thi đều hệ số 1, điểm xét tuyển là tổng điểm của 3 môn này. Vì thế, chúng em cần học đều để có tổng điểm cao, không còn chuyện điểm môn nọ bù điểm môn kia về nhân hệ số như các năm trước. Thời điểm này, ngoài tài liệu ôn tập của các thầy cô giáo trên lớp, chúng em nhờ bạn bè học ở trung tâm hỗ trợ tài liệu, kiến thức hoặc khai thác trên mạng internet để tự giải, tự ôn. Bản thân em cảm thấy lo lắng khi gặp khó khăn trong việc học ôn, nhất là với những đổi mới trong thi cử.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nam sẽ chính thức diễn ra từ ngày 6 đến 8/6/2025. Hiện, học sinh lớp 9 các trường THCS đã hoàn thành chương trình năm học 2024-2025, đang tập trung cho việc ôn tập thi vào lớp 10. Cùng với những đổi mới trong tuyển sinh, tỷ lệ phân luồng học sinh THCS ở Hà Nam vẫn tiếp tục duy trì ở mức tăng cao, do đó áp lực đối với học sinh và giáo viên trước kỳ thi rất lớn.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/tap-trung-on-tap-cho-hoc-sinh-lop-9-160616.html