Tây Ban Nha: Rắc rối với văn hóa ngủ trưa và ăn muộn

Ngày ở Tây Ban Nha nổi tiếng là dài, tận 2 giờ chiều mới bắt đầu bữa trưa và bữa tối sớm nhất lúc 20 giờ 30 phút.

Nhiều người đi chơi đêm đến tận sáng ở Tây Ban Nha. Ảnh: Zowy Voeten/Getty

Nhiều người đi chơi đêm đến tận sáng ở Tây Ban Nha. Ảnh: Zowy Voeten/Getty

Để làm hài lòng khách du lịch muốn trải nghiệm một lối sống khác, nhiều nhà hàng đóng cửa sau nửa đêm và cho nhân viên về nhà vào những giờ đầu tiên của ngày hôm sau.

Phó Tổng thống thứ 2 kiêm Bộ trưởng Kinh tế Xã hội và Lao động của Tây Ban Nha Yolanda Diaz lên án văn hóa ăn khuya của đất nước này là “điên rồ”. “Không có quốc gia nào lại mở cửa nhà hàng của mình đến tận 1 giờ sáng”, bà nói trong một cuộc họp nhóm mới đây tại Quốc hội.

Trong khi đó, Thị trưởng Madrid phản bác lại ý kiến trên khi cho rằng người Tây Ban Nha khác biệt, không nên khiến họ buồn chán và chỉ biết ở nhà. Mặc dù ngày dài, người Tây Ban Nha chỉ làm việc nhiều hơn một chút so với mức trung bình của châu Âu (37,8 giờ/tuần - theo Ủy ban châu Âu). Tuy nhiên, họ ngủ ít hơn hầu hết những người cùng lứa tuổi ở Bắc Âu (7,13 giờ mỗi đêm - theo Bản đồ Y tế Cộng đồng).

Bà Marta Junqué thuộc Viện Sử dụng Thời gian cho biết, người Tây Ban Nha không phải lúc nào cũng thức khuya hay tan sở muộn nhất. “Ông bà tôi làm việc giống như mọi người khác. Họ thức dậy khi mặt trời ló dạng và ngừng làm việc khi ánh sáng đã tắt. Bây giờ trời tối lúc 18 hoặc 19 giờ và chúng tôi vẫn đang làm việc”, bà nói.

Giấc ngủ trưa nổi tiếng

Bà Junqué cho biết, sự thay đổi thời gian có thể bắt nguồn từ thời nhà độc tài quân sự Francisco Franco, lãnh đạo đất nước từ 1936 - 1975. Trong Thế chiến thứ 2, ông Franco đã thay đổi múi giờ của Tây Ban Nha để phù hợp với đồng minh Đức.

Từ đó, thời gian biểu của người dân phải cộng thêm một giờ và điều này đến nay vẫn không thay đổi. Lẽ ra, Tây Ban Nha phải cùng múi giờ với Bỉ hoặc Anh nhưng mùa Đông theo giờ Đức còn mùa Hè giống giờ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tây Ban Nha có giấc ngủ trưa dài nổi tiếng gọi là “siesta”. Bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là “sexta”, nghĩa là giờ thứ 6 sau bình minh, giấc ngủ trưa là thời gian nghỉ ngơi truyền thống của nông dân Tây Ban Nha và Italy. Nó thường diễn ra vào khoảng giữa trưa, khi cái nóng gay gắt của mặt trời Địa Trung Hải bắt đầu lên đến đỉnh điểm.

“Tuy nhiên, ở Tây Ban Nha, giấc ngủ trưa thậm chí còn trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ Franco khi nền kinh tế suy thoái buộc người dân phải đảm nhận nhiều công việc”, bà Junqué nói. Theo đó, mọi người sẽ dậy từ lúc bình minh để làm việc từ 6-8 tiếng, dành 2 hoặc 3 tiếng để nghỉ ngơi, ăn uống và đi làm việc khác.

Sau đó, họ làm việc thêm vài giờ nữa vào buổi tối. Tuy nhiên, ngày nay, theo một cuộc thăm dò năm 2016, chưa đến 18% người Tây Ban Nha thường ngủ trong thời gian đó. Hơn 50% số người được hỏi cho biết họ không bao giờ ngủ trưa.

Mặc dù vậy, giấc ngủ trưa, cùng với sự thay đổi múi giờ của ông Franco, đã khiến nhịp sống của nền kinh tế Tây Ban Nha kéo dài đến tận đêm khuya. Nhiều cửa hàng ở Tây Ban Nha đóng cửa để nghỉ chiều 2 hoặc 3 tiếng và kéo dài thời gian làm việc của nhân viên.

Giấc ngủ trưa ở Tây Ban Nha theo truyền thống. Ảnh: Erich Andres/Getty Images

Giấc ngủ trưa ở Tây Ban Nha theo truyền thống. Ảnh: Erich Andres/Getty Images

Năng suất lao động giảm

Theo Viện Sử dụng Thời gian, 30% phụ nữ Tây Ban Nha phải chăm sóc gia đình hoàn toàn thiếu thời gian dành cho bản thân. Đó cũng có thể là một lý do khiến năng suất lao động của Tây Ban Nha tụt hậu so với các nước khác ở châu Âu.

Theo bà Junquè, tất cả các dấu hiệu cho thấy người lao động càng làm việc thời gian dài thì năng suất càng kém. Việc Tây Ban Nha đề cao văn hóa hiện diện lâu ở văn phòng, cùng với việc thiếu tự chủ trong việc chọn giờ làm, năng suất lao động ở đây trở nên thấp hơn.

Trong nhiều năm, Tây Ban Nha phải vật lộn để tìm cách điều chỉnh thời gian nội bộ của mình. Đó là một vấn đề vượt qua ranh giới của các đảng chính trị. Năm 2016, Thủ tướng bảo thủ Tây Ban Nha Mariano Rajoy thuộc Đảng Nhân dân đã cố gắng điều chỉnh giờ của Tây Ban Nha trở lại múi giờ Anh nhưng không thành công.

Chính phủ hiện nay dưới thời Thủ tướng Pedro Sanchez của Đảng Xã hội chủ trương giảm giờ làm việc và linh hoạt hơn. Họ cũng yêu cầu tăng lương đối với người làm việc từ 6 giờ đến 22 giờ. Điều đó có tác động lớn đến ngành dịch vụ và du lịch của Tây Ban Nha, đặc biệt là hoạt động ăn uống đêm khuya.

Đã có những lời kêu gọi giảm giờ làm việc và tăng lương cho người làm việc ban đêm. Ảnh: Tim Graham / Getty

Đã có những lời kêu gọi giảm giờ làm việc và tăng lương cho người làm việc ban đêm. Ảnh: Tim Graham / Getty

Khó thay đổi

Ở Tây Ban Nha, khách hàng ăn tối chỉ đạt đến đỉnh điểm sau 22 giờ - một chủ nhà hàng tên là Dani Garcia nói. Điều đó có nghĩa là chủ nhà hàng đang phải gánh chịu gánh nặng chi phí.

“Bạn có thể khiến khách du lịch Đức và Anh ăn tối lúc 6 giờ tối, nhưng người dân địa phương sẽ không đến bàn của họ cho đến 22 giờ”, ông nói. Việc thực khách vội vàng dùng bữa sẽ được xem là rất thô lỗ và không giống người Tây Ban Nha.

Ông Garcia cho biết thêm: “Bạn không thể thúc ép khách hàng. Bạn không thể để họ thấy bạn vứt túi rác. Tuy nhiên, nếu họ đến muộn thì chi phí phục vụ nhiều hơn vì không chỉ trả lương mà còn phải trả tiền cho nhân viên đón taxi về nhà lúc 2 giờ sáng.”

Sau nửa đêm ở El Carmen, vẫn còn rất nhiều người ngồi ở bàn ăn. Mặc dù có ít thức ăn hơn, nhiều chai rượu hơn, nhưng vẫn có nhiều tiếng cười vui vẻ và một số điệu nhảy ngẫu hứng.

Mặc dù các chính trị gia có thể tranh cãi về giờ làm việc, nhưng có vẻ như thực khách Tây Ban Nha sẽ không sớm thay đổi thói quen ăn khuya của mình.

Theo CNN

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tay-ban-nha-rac-roi-voi-van-hoa-ngu-trua-va-an-muon-post686651.html