Tây Ninh: Chủ động phòng, chống bệnh cúm gia cầm H5N1
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian gần đây, Vương quốc Campuchia ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm gia cầm A (H5N1) tại tỉnh Prey Veng, trong đó, có một trường hợp tử vong.
Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới dài gần 240km giáp nước bạn Campuchia, trong đó có tỉnh Prey Veng. Vì vậy việc chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch cúm gia cầm xâm nhập là rất cần thiết.
Người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh
Bà Lê Thị Hồng Thu, ngụ ấp A, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu nuôi hơn 1.000 con gà thịt khoảng 3 tháng tuổi cho biết, được sự hướng dẫn của cán bộ Thú y địa bàn, từ khi nhập gà con về nuôi, bà đã tiêm ngừa tất cả các loại bệnh thường gặp như: tụ huyết trùng (chết toi gà); cầu trùng, đậu gà, Gumboro (viêm túi huyệt truyền nhiễm); Newcastle (gà rù); Bệnh cúm gia cầm… Bên cạnh đó, bà thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi. Hơn 3 năm chuyển sang nuôi gà, đàn gia cầm gia đình bà luôn khỏe mạnh.
Theo bà Thu, trong chăn nuôi, điều quan trọng nhất vẫn là khâu phòng ngừa dịch bệnh, một khi đàn vật nuôi xảy ra bệnh thì việc điều trị sẽ rất khó. Thêm vào đó, khi sử dụng nhiều thuốc điều trị, gà chậm lớn, việc chăn nuôi tốn kém nhiều hơn.
Trong suốt thời gian chăn nuôi, ngoài việc tiêm phòng vaccine tất cả các loại bệnh theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y, mỗi tuần bà đều phun thuốc sát trùng xung quanh nhà.
Khá lo lắng trước thông tin một tỉnh của Campuchia giáp Tây Ninh có ca mắc bệnh cúm gia cầm A (H5N1) đã tử vong, bà N.T.X, ngụ xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành cho rằng, sau khi dịch Covid-19 ổn định, các cửa khẩu được mở cửa, hoạt động giao thương, qua lại của người dân hai nước được nối lại, nguy cơ mầm bệnh cúm gia cầm xâm nhiễm vào nước ta rất cao, nhất là khu vực biên giới.
Bà X cho biết đang nuôi khoảng 200 con gà thả vườn, bà đã tiêm ngừa một số bệnh thường gặp trên đàn gà, duy chỉ có vaccine ngừa bệnh cúm gia cầm là chưa tiêm, vì giá thành khá cao. “Trước đây, mỗi tuần tôi phun thuốc sát trùng một lần, nhưng trong vòng một tuần qua, trước thông tin bệnh cúm gia cầm xảy ra ở Campuchia tôi đã tăng số lần phun lên 2 lần/tuần. Đồng thời, đặt mua vaccine về tiêm”- bà X nói thêm.
Tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh khu vực biên giới
Ông Huỳnh Văn Đấu- Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bến Cầu cho biết, hiện tổng đàn gia cầm chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện khoảng 120.000 con (gà, vịt, ngan) và 300.000 con chăn nuôi tập trung, trang trại (chủ yếu tại hai xã Long Khánh và Long Phước). Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, đặc biệt là khu vực biên giới, thời gian qua, ngành Thú y đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và các hộ chăn nuôi, chủ trang trại tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Thú y, thường xuyên vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại và quanh khu vực chăn nuôi.
Chủ động tiêm các loại vaccine ngừa các loại bệnh truyền nhiễm trên gia cầm, trong đó, 100% gia cầm trang trại trên địa bàn huyện được tiêm ngừa đối với bệnh cúm gia cầm H5N1, riêng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tỷ lệ tiêm ngừa cũng đạt trên 75% tổng đàn được tiêm ngừa đầy đủ các loại bệnh.
Theo ông Đấu, nguy cơ xâm nhập của virus gây bệnh cúm trên đàn gia cầm tại huyện Bến Cầu là rất thấp, vì trên địa bàn huyện chủ yếu chỉ có hoạt động giết mổ gia cầm tại địa phương, sau đó được xuất sang Campuchia. Tuy nhiên, trước thông tin có trường hợp dương tính với virus cúm A (H5N1) tại tỉnh Prey Veng, bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Thú y huyện phối hợp với lực lượng Biên phòng tăng cường công tác kiểm soát gia cầm qua biên giới.
Ông Nguyễn Thành Thúc - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đơn vị đã tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật, ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia, súc, gia cầm trái phép trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Thúc, từ năm 2018 đến nay, tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra các ổ dịch lớn. Trong đó, dịch cúm gia cầm gần như không xảy ra. Tuy nhiên, để bảo đảm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, từ ngày 1.3, Chi cục triển khai đợt vệ sinh, tiêu độc sát trùng đợt 1 năm 2023, tập trung công tác vệ sinh thú y và tiêm ngừa các loại bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là các địa phương khu vực biên giới. Đồng thời, phối hợp với lực lượng biên phòng, hải quan, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động qua biên giới.
Theo ông Nguyễn Thành Thúc, Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới dài giáp Campuchia, các hoạt động giao thương qua lại của người dân diễn ra thường xuyên, trong đó có việc vận chuyển động vật qua biên giới nên nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào tỉnh là rất lớn.
Do đó, ngoài công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo lực lượng Thú y địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới hiểu rõ tác hại của việc để mầm bệnh xâm nhập và lây lan. Đồng thời, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine và thường xuyên vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, không để phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi.