Tây Ninh đề xuất cơ chế thí điểm thu hút 'đại bàng' về Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
Tây Ninh vừa trình Chính phủ đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách thí điểm đột phá cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài l, mong muốn biến khu vực cửa ngõ biên giới quan trọng này thành một trung tâm kinh tế đa ngành, hiện đại và bền vững, sẵn sàng thu hút những 'đại bàng' đầu tư lớn.

Tổng quan quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh
UBND tỉnh Tây Ninh vừa trình Chính phủ tờ trình xin áp dụng các chính sách đặc thù cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Theo định hướng, Mộc Bài sẽ ưu tiên chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tiên tiến, bền vững, tập trung thu hút vốn từ các doanh nghiệp hàng đầu, các tập đoàn lớn để trở thành một trung tâm công nghiệp – đô thị – dịch vụ – logistics đẳng cấp với những cơ chế vượt trội.
Để hiện thực hóa tham vọng này, Tây Ninh đề xuất ban hành danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, bao gồm: các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu, trung tâm logistics, cảng cạn, cùng với các dự án khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp.
Tỉnh dự kiến xây dựng các tiêu chí chặt chẽ để xác định nhà đầu tư chiến lược, dựa trên năng lực tài chính vững mạnh và kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự. Đổi lại, các "đại bàng" này phải cam kết giải ngân vốn đầu tư trong vòng 5 năm và sẵn sàng ứng kinh phí cho công tác bồi thường, tái định cư.
Nhằm tăng tốc quá trình triển khai, Tây Ninh đề xuất phân cấp mạnh mẽ trong quản lý nhà nước về quy hoạch. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ được phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị đối với các khu vực dưới 500ha hoặc các điều chỉnh không làm thay đổi lớn định hướng phát triển, sau khi được Chính phủ chấp thuận. Đây là động thái cho thấy sự quyết tâm của tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được đặc biệt chú trọng. Theo đó, miễn thị thực cho người nước ngoài du lịch vào Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với thời hạn tạm trú 30 ngày; miễn giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại khu kinh tế này trong 5 năm, có xem xét gia hạn.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị được giữ lại 100% nguồn thu phải nộp vào ngân sách Trung ương, bao gồm cả nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Khoản thu này sẽ được tái đầu tư trực tiếp vào hệ thống hạ tầng phát triển và hạ tầng kỹ thuật kết nối với khu kinh tế, đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững.

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài dự kiến khởi công cũng sẽ là động lực để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Tây Ninh - Campuchia
Được thành lập từ năm 1998 với diện tích 21.284ha, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hiện mới chỉ khai thác được 15% diện tích. Tính đến tháng 3/2025, khu kinh tế đã thu hút 60 dự án (26 FDI và 34 trong nước) với tổng vốn đăng ký hơn 470 triệu USD và hơn 8.500 tỉ đồng.
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài là một mắt xích quan trọng kết nối Việt Nam - Campuchia, nằm trên trục đường Xuyên Á, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 70km và thủ đô Phnom Penh của Campuchia khoảng 170km. Đây là cửa ngõ du lịch quốc tế lớn, với trung bình trên 2 triệu lượt người qua lại mỗi năm, và đóng góp hơn 36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Mặc dù sở hữu vị trí chiến lược và tiềm năng to lớn, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hiện chỉ áp dụng các cơ chế, chính sách chung theo Nghị định của Chính phủ, chưa đủ sức tạo ra sức hấp dẫn đột phá, đặc biệt đối với các nhà đầu tư chiến lược.
Những đề xuất thí điểm lần này của Tây Ninh được kỳ vọng sẽ tạo ra "cú hích" mạnh mẽ, đánh thức toàn bộ tiềm năng của Mộc Bài, biến nơi đây thành một điểm sáng đầu tư mới của khu vực phía Nam.