Tay trắng khởi nghiệp, hiện 8x Quảng Nam sở hữu khối tài sản tiền tỷ
Sau 7 năm khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay 8x Quảng Nam này đang sở hữu một xưởng sản xuất được đầu tư cả tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho cả chục lao động tại địa phương.
Sinh ra trong gia đình nông dân bên dòng sông Vu Gia tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), từ nhỏ chị Bùi Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1982) đã thường xuyên tiếp cận với cây nhàu. Chị nhận thấy cây nhàu có sức sống mãnh liệt, trồng được từ đồng bằng đến miền núi hay hải đảo, vùng ẩm thấp hoặc đất sỏi. Qua tìm hiểu, chị biết được nhiều nước phát triển trên thế giới từ lâu đã chế biến quả nhàu ra các sản phẩm để chăm sóc sức khỏe nhưng trong nước ta thì dường như bị lãng quên.
Thấy tài nguyên trời cho bị lãng phí, năm 2017 chị quyết định bỏ ngang công việc kế toán tại một doanh nghiệp, bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu và bắt đầu hành trình khởi nghiệp với mong muốn nghĩ ra một cách nào đó để giúp nông dân tiêu thụ được loại quả này.
Chị Bùi Thị Tuyết Nhung cho biết trong quả nhàu có rất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe
Để thực hiện ý tưởng, chị Nhung đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về công dụng và những sản phẩm có thể tạo ra từ quả nhàu. Chị còn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và mô hình kinh doanh khác, tham gia tập huấn về khởi nghiệp do UBND, Hội LHPN TP.Tam Kỳ tổ chức.
8x Quảng Nam cho biết trong quả nhàu có rất nhiều loại axít hữu cơ, tinh dầu, axít amin, caroten, vitamin C, sắt, Mg, Ca, K, Na đều là dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, có tác dụng trị nhức mỏi xương khớp, hoạt huyết thông kinh, giảm đau, nhuận tràng, an thần, trợ tiêu hóa, trị tăng huyết áp, chóng mặt, mất ngủ…
Chị cho biết, cây nhàu rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không bị sâu bệnh hại, khoảng 1 năm thì ra trái và có thể thu hoạch nhiều đợt quanh năm. Vì vậy, ai cũng có thể trồng, chăm sóc loài dược liệu này.
Đến cuối năm 2019, sau hàng trăm lần bỏ đi làm lại, sản phẩm đầu tiên là nhàu lát khô làm trà đã được ra đời và những đơn hàng đầu tiên. Chị cho biết, trong những ngày đầu khởi nghiệp, đối mặt với vô vàn khó khăn khi trong tay không có vốn, muốn mua một cái máy chỉ 50 triệu đồng cũng phải suy nghĩ nâng lên đặt xuống, chị luôn lo ngại sản phẩm của mình làm ra có có bán được hay không.
Chị Nhung đã đầu tư mua cây giống, phân bón đưa đến cho nông dân trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm
Chị Nhung cho biết để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, ban đầu chị trồng vườn nhàu của riêng mình và kết hợp thu mua nhàu tươi của người dân trong vùng. Khi sản phẩm được biết đến nhiều hơn, chị Nhung đã đầu tư mua cây giống, phân bón đưa đến cho nông dân trồng, chăm sóc và bao tiêu cho họ theo giá thỏa thuận. Từ đó, vừa tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào vừa giúp "đánh thức" giá trị của cây nhàu, giúp nó không bị lãng quên.
Nữ giám đốc HTX 8x gọi việc liên kết với nông dân trồng nhàu là tạo nên "vùng nguyên liệu hạnh phúc" vì nó đem đến nụ cười cho nhiều người. "Mình cung cấp cây giống, hướng dẫn cho bà con cách trồng, chăm sóc với mong muốn lan tỏa đến mọi người giá trị của cây nhàu, giúp đỡ cho những người xung quanh có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ loài cây xù xì này" - chị Nhung bày tỏ.
Đồng thời chị cũng đầu tư để xây dựng các trang thông tin riêng của thương hiệu như: Facebook, YouTube, website để truyền thông cho sản phẩm của mình.
"Hạnh phúc vì quả nhàu đã không bị lãng quên trên chính mảnh đất của nó" - chị Nhung tâm sự. Chị cho biết mục tiêu dài hạn là "vùng nguyên liệu hạnh phúc" này có thể được phát triển rộng hơn, phủ xanh những ngọn đồi trọc, dọc những vùng ven biển ngập mặn để tạo thêm sinh kế cho người lao động cũng như nông dân.
Đến nay, sau một thời gian triển khai, chị Nhung đã liên kết cùng bà con trồng hơn 4 ha nhàu tại TP Tam Kỳ, huyện Đại Lộc, giúp tạo việc làm, thu nhập cho nông dân. “Tham vọng lớn nhất của tôi là xây dựng thị trường tốt, quay lại giúp đỡ người nông dân trồng cây nhàu trên vùng đất cằn cỗi, nhiễm mặn, bao phủ các đồi trọc thành những đồi nhàu, bao phủ vùng đất nhiễm mặn ven biển thành vườn nhàu cho ra nguồn thu nhập cho bà con nông dân. Cũng từ đó tạo ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người một cách tốt nhất”, nữ giám đốc 8x chia sẻ.
Riêng tại phân xưởng chế biến của mình, chị Nhung đã đầu tư hàng loạt máy móc trị giá hàng tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho cả chục lao động, đồng thời liên kết tạo việc làm thêm cho phụ nữ khuyết tật. Sản phẩm của chị hiện đã có nhà phân phối độc quyền tại Hà Nội, nhiều cửa hàng tại TP HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, các thành phố lớn trên cả nước.
Chị cũng đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm khác nhau để đáp ứng nhu cầu của khách hàng
HTX còn liên kết với các làng nghề để tạo chuỗi du lịch trải nghiệm cho khách du lịch đến tham quan vườn nhàu, thăm cơ sở sản xuất, làng nghề mắm, nghề làm chiếu cói…
Chị cũng đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm khác nhau như nhàu lát khô, bột nhàu, trà nhàu túi lọc, viên nhàu, nhàu tươi ngâm mật ong, nước cốt nhàu, nước cốt nhàu vị dứa, rượu nhàu, muối chườm thảo dược... Trong đó, sản phẩm bột nhàu đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Chia sẻ về hành trình 7 năm khởi nghiệp của mình, nữ 8x Quảng Nam cho biết "Khởi nghiệp là làm những cái điên rồ trong mắt người khác. Làm những cái chưa ai làm và không làm nên thật sự tôi không lạ lẫm gì với câu nói khó lắm, khổ lắm, cực lắm. Nhưng nếu lùi bước sẽ không bao giờ tận hưởng được cái cảm giác hạnh phúc khi từng bước, từng bước chinh phục và đi đến đích!"
"Làm phụ nữ khởi nghiệp không phải là khó, mà là quá khó! Bởi phụ nữ có thiên chức làm vợ, làm mẹ. Nhưng lại khởi nghiệp với cây nhàu thì đúng là hóc búa. Bạn của tôi hay bảo, chọn cái sản phẩm khởi nghiệp chi mà khó khăn quá, không ai biết đến chi trơn! Toàn câu bạn tôi nói là như vậy! Nhưng tôi chưa bao giờ nản lòng, sao mình không nghĩ rằng khi người tiêu dùng chưa biết đến cây nhàu thì thị trường các sản phẩm từ cây nhàu còn nhiều. Chỉ cần mình làm tốt truyền thông, marketing thì mình tin sản phẩm về cây nhàu sẽ được thị trường đón nhận và phát triển tốt", 8x người Quảng Nam chia sẻ thêm.