Tên gọi đô thị: Từ địa danh trong 'Đàn chim Việt' đến các dự án sính tên 'Tây'

Khi mọi thứ đều hướng ngoại, từ tên gọi đô thị đến hình ảnh, có thể vô hình trung làm giảm đi niềm tự hào về tiếng Việt, về con người và văn hóa Việt Nam. Điều này có thể ảnh hưởng đến thế hệ trẻ trong việc định hình giá trị và căn tính dân tộc.

1.

Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp ở miền Bắc, chúng ta đã xây dựng rất nhiều khu tập thể như Văn Chương, Kim Liên, Giảng Võ. Rồi khi đất nước thống nhất, sau năm 1975, chúng ta lại có thêm những Thành Công, Thanh Xuân. Những khu đô thị mới nhưng tên gọi vẫn phảng phất tên làng, tên xóm.

Cách đặt tên này vẫn còn tiếp tục khi Hà Nội bắt đầu xây dựng những khu chung cư hiện đại. Thành phố tiếp tục lại có khu đô thị Linh Đàm, khu đô thị Mỹ Đình. Nhưng cách đặt tên như thế đã nhanh chóng được thay bằng những tên gọi rất kêu. Một trong những khu đầu tiên là Ciputra thập niên 90 thế kỷ trước.

Tên gọi Thành Công nổi tiếng với những nhà tập thể là đơn vị hành chính được thành lập từ năm 1981. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú.

Tên gọi Thành Công nổi tiếng với những nhà tập thể là đơn vị hành chính được thành lập từ năm 1981. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú.

Còn giờ thì kể không hết, nhớ không xuể, bên cạnh những khu đô thị, những tòa nhà mang tiếng Tây cũng nhiều không kể xiết. Sự thay đổi trong cách đặt tên các khu đô thị và tòa nhà ở Hà Nội (và ở rất nhiều địa phương khác) là một bằng chứng rõ ràng cho thấy sự phát triển không ngừng của thành phố, đi kèm với những ảnh hưởng và xu hướng văn hóa mới mẻ. Nó là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc địa phương và hội nhập quốc tế. Nó cũng cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây trong kiến trúc, lối sống và quan niệm về không gian sống hiện đại.

2.

Người viết không còn nhớ lần đầu tiên được nghe bài ca Đàn chim Việt ở đâu, lúc nào nhưng chắc là ngày bé. Giai điệu du dương và đặc biệt là những địa danh mang tên dòng sông ngọn núi mà tôi chưa từng được đặt chân lên đã tạo ra cảm giác hùng vĩ, mênh mang lạ thường.

Nhạc sĩ Văn Cao (15.11.1923 – 10.7.1995). Ảnh: Lao Động

Nhạc sĩ Văn Cao (15.11.1923 – 10.7.1995). Ảnh: Lao Động

Giờ đã đi được một chặng nửa cuộc đời, sau bao nhiêu năm, mới thấm thía và hiểu một phần nào ý tứ sâu xa của Văn Cao. Bài hát vẫn mang một âm hưởng phong vị tiền chiến nhưng nó không còn cái buồn vui nhỏ bé của Bến xuân năm nào. Bài ca không có một động từ nào gọi phải vùng lên phải chiến đấu, phải hi sinh, phải đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ thống nhất đất nước.

Bí ẩn của những địa danh chính là những nốt trầm sâu lắng nhất của bài hát. Đàn chim Việt được Văn Cao sáng tác cổ vũ cho phong trào Việt Minh. Giờ đây cố đô năm nào đã thành Thủ đô. Đàn chim giang hồ thỏa sức bay khắp ba miền Bắc Trung Nam. Chỉ vẻn vẹn 132 từ nhưng tới tám lần những tên địa danh xuất hiện trong bài hát những địa danh như Bắc Sơn, Thái Nguyên, sông Gấm, núi đồi Yên Thế chưa từng xuất hiện trong bài Bến xuân. Nói vậy để thấy rằng những địa danh này đưa vào bài thơ bài ca là hoàn toàn có chủ ý.

Ban đầu nhạc phẩm hợp soạn của nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Phạm Duy vào năm 1942 mang tên Bến xuân, sau này khi tham gia Việt Minh, nhạc sĩ Văn Cao đã viết lời mới Đàn chim Việt năm 1944. Ảnh: TL

Nhưng Văn Cao không phải là nhà thơ chạy theo kỷ lục. Mặc dù cho đến nay cũng chưa một bài ca có một biên độ địa danh rộng lớn như vậy. Với mỗi người con dân đất Việt thì những Yên Thế hay Bắc Sơn đều là những địa chỉ quật cường, là biểu tượng cho ý chí đấu tranh, khát vọng độc lập dân tộc.

Với mỗi người con dân đất Việt thì những Yên Thế hay Bắc Sơn đều là những địa chỉ quật cường, là biểu tượng cho ý chí đấu tranh, khát vọng độc lập dân tộc.

Nhưng nghịch lý lại xảy ra khi đất nước độc lập và đang giàu có hơn xưa rất rất nhiều lần, nhiều khu đô thị mới mọc lên khang trang hiện đại mang hình hài và tên gọi Âu Mỹ. Những cái tên “Tây” thường gắn liền với hình ảnh sang trọng, hiện đại, cao cấp và tiện nghi. Các chủ đầu tư sử dụng những tên gọi này như một chiến lược tiếp thị để thu hút khách hàng có thu nhập cao, những người ưa chuộng lối sống tiện nghi, đẳng cấp quốc tế.

Đành rằng, những kiến trúc đó là đỉnh cao của nhân loại, là thành tựu văn minh của loài người. Những Khải hoàn môn ở Paris, những cổng chào ở Berlin, những đài phun nước ở Venice... đó là những chặng đường mà nhân loại đã đi qua và nó cũng không liên quan gì đến văn hóa của chúng ta. Với tên gọi lạ hoắc để người quê phải đọc méo cả mồm, những khu đô thị Âu Mỹ ấy ngày một nhiều. Đi trên đất Việt thân yêu, từ miền ngược đến biển xuôi từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng thấy.

Những dự án bất động sản mang cái tên mỹ miều, tạo lập những “Manhattan” hay “Paris” thu nhỏ giữa lòng Hà Nội. Ảnh: Đại Đoàn Kết; Tác giả

Những dự án bất động sản mang cái tên mỹ miều, tạo lập những “Manhattan” hay “Paris” thu nhỏ giữa lòng Hà Nội. Ảnh: Đại Đoàn Kết; Tác giả

Không chỉ là kiểu cách kiến trúc, không chỉ là tên gọi khu đô thị mà ngay cả hình ảnh nhân vật xuất hiện hình quảng cáo cho các không gian đô thị đó cũng là người nước ngoài (không Âu Mỹ thì cũng phải Hàn Quốc, Mã Lai). Có bao giờ ta tự hỏi từ bao giờ chúng ta kinh rẻ tiếng Việt để chạy theo tâm lý vọng ngoại. Mặc dù mang lại sự hiện đại, nhưng việc lạm dụng tên nước ngoài đôi khi cũng khiến một số người cảm thấy có sự đứt gãy với bản sắc văn hóa truyền thống, mất đi sự gần gũi, thân thuộc mà những cái tên cũ mang lại.

Chúng ta từng có những quy định cấm quảng cáo sử dụng tiếng nước ngoài và có những chế tài xử phạt. Nhưng tại sao chúng ta lại cho phép sử dụng tràn lan tên gọi các khu đô thị sử dụng tiếng Anh như vậy. Việc các khu đô thị mang tên gọi và kiến trúc "Tây hóa", cùng với hình ảnh người mẫu nước ngoài tràn ngập trên các bảng quảng cáo, thực sự đặt ra câu hỏi về bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc trong quá trình phát triển. Dù chúng ta không thể phủ nhận những tiến bộ và chuẩn mực quốc tế mà các công trình này mang lại, nhưng việc lạm dụng hoặc coi nhẹ những giá trị truyền thống có thể dẫn đến những hệ lụy nhất định.

Một diện mạo đô thị Hà Nội hiện đại, tân tiến, nhưng không khỏi gợi lên những nghĩ suy về bản sắc còn lại. Ảnh: Hà Nội Mới

Một diện mạo đô thị Hà Nội hiện đại, tân tiến, nhưng không khỏi gợi lên những nghĩ suy về bản sắc còn lại. Ảnh: Hà Nội Mới

Mất đi sự gần gũi, thân thuộc, những cái tên xa lạ, khó đọc, cùng với kiến trúc không hòa hợp với cảnh quan và văn hóa địa phương, có thể khiến người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc ở vùng nông thôn, cảm thấy lạc lõng trên chính mảnh đất của mình. Khái niệm “vô gia cư văn hóa” (cultural homelessness) – thường được dùng trong tâm lý học – mô tả trạng thái khi một cá nhân không cảm thấy gắn bó sâu sắc với bất kỳ nền văn hóa nào, dù đó là văn hóa gốc (nơi sinh ra, văn hóa của gia đình) hay văn hóa hiện tại (nơi sinh sống, học tập, di cư đến).

Ở Việt Nam, hiện tượng này ngày càng trở nên rõ nét trong một bộ phận giới trẻ lớn lên giữa làn sóng toàn cầu hóa – những người ngày càng lơ lửng về mặt căn tính, không còn điểm tựa rõ ràng vào không gian văn hóa nơi mình sinh sống. Khi mọi thứ đều hướng ngoại, từ tên gọi đến hình ảnh, có thể vô hình trung làm giảm đi niềm tự hào về tiếng Việt, về con người và văn hóa Việt Nam. Điều này có thể ảnh hưởng đến thế hệ trẻ trong việc định hình giá trị và căn tính dân tộc.

Khu Văn Chương ngày nay nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú

Việc quảng bá quá mức hình ảnh và phong cách nước ngoài có thể củng cố tâm lý “sính ngoại và vong bản”, cho rằng những gì của nước ngoài thì tốt hơn, hiện đại hơn, từ đó vô tình làm giảm giá trị của những gì thuộc về Việt Nam. Nếu nhạc sĩ Văn Cao còn sống đến ngày hôm nay, liệu ông có thấy vui khi đàn chim Việt từ Thái Nguyên vòng qua Yên Thế, đang bay về thủ đô nơi có những tòa nhà chọc trời nhưng toàn tên Tây?!

3.

Hơn 100 năm trước, khi thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Victor Tardieu đã mong ước có một ban Kiến trúc để tạo ra những tòa nhà hiện đại mà không mất đi những đường nét, phong vị Á Đông. Tòa nhà giảng đường chính với diện tích ô cửa kính hiện đại, thuộc diện lớn nhất Đông Dương thời đó vẫn ẩn dưới hàng mái ngói và đặc biệt là hàng hiên bên dưới đậm chất Việt.

“…Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành
Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh
Tới đây chim thấy lòng ngập ngừng
Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế
Kìa nước xa xa sông Gấm còn mịt mùng ngoài bến xuân

Chim đang bay qua Bắc sang Trung
Người Nam còn nghe lời chim nhắn lúc xa
Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến một trời xa”

Đàn chim Việt – Văn Cao

Trần Hậu Yên Thế

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ten-goi-do-thi-tu-dia-danh-trong-dan-chim-viet-den-cac-du-an-sinh-ten-tay-49025.html