Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Barak 8 do Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Israel (IAI) phát triển theo yêu cầu từ Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO).
Tổ hợp Barak 8 được thiết kế để đối phó với nhiều mối nguy hiểm trên không bao gồm tên lửa hành trình chống tàu, bom hành trình, máy bay chiến đấu có người lái và không người lái…
Đạn tên lửa Barak 8 có chiều dài 4,5 m; đường kính thân 0,54 m; sải cánh 0,94 m; trọng lượng 275 kg với đầu đạn nặng 60 kg; tầm bắn tối đa 70 km; độ cao diệt mục tiêu 16 km; tốc độ hành trình Mach 2, có khả năng đánh chặn đối tượng cơ động cao.
Khi lắp thêm tầng đẩy phụ, tên lửa Barak-8 sẽ đạt tới tầm bắn 100 km, nó được tối ưu hóa để bắn hạ mục tiêu đang lao thẳng vào mình cho nên không yêu cầu phải có vận tốc quá lớn.
Về phương thức dẫn đường, sau khi phóng, tên lửa Barak-8 sẽ liên tục cập nhật thông tin dữ liệu mục tiêu từ radar trên đài điều khiển qua kênh liên kết để hiệu chỉnh đường bay.
Khi bước vào pha cuối, tên lửa sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động để tự “tìm - diệt” mục tiêu mà không cần sự can thiệp từ tàu phóng, thuật toán tiên tiến giúp nó lựa chọn góc tiếp cận phù hợp nhất.
Barak 8 được thiết kế để phóng từ hệ thống phóng thẳng đứng (VLS), kết cấu cụm 8 ống phóng có tổng trọng lượng 1,7 tấn. Nhà thiết kế “quảng cáo” rằng Barak 8 có thể dễ dàng tích hợp lên tàu chiến cỡ nhỏ.
Ngoài những bệ phóng trên đất liền bảo vệ những mục tiêu trọng yếu, Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá 777 triệu USD với Tập đoàn IAI để tích hợp hệ thống phòng không Barak-8 lên 7 chiến hạm tiên tiến nhất của hải quân nước này.
Trong nhiều cuộc thử nghiệm, tên lửa phòng không Barak-8 đã bắn hạ thành công bia bay siêu âm mô phỏng tên lửa 3M-55 Yakhont (nguyên mẫu phát triển của tên lửa PJ-10 BrahMos) với xác suất ấn tượng.
Một điểm ưu việt nữa của tên lửa Barak-8 đó là giá thành của nó tương đối rẻ so với các loại tên lửa đánh chặn khác bao gồm 9M96 (của tổ hợp S-350E Vityaz) hay 9M317ME (của tổ hợp Buk-M3) trong khi tính năng ưu việt hơn nhiều.
Yếu tố nữa cũng đặc biệt quan trọng chính là việc phía Israel luôn tỏ ý sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí nói trên cho khách hàng nếu họ cam kết mua với số lượng đủ lớn.
Đây là điều khoản mà Nga không bao giờ chấp nhận khi bán các loại tên lửa phòng không tối tân của mình, thậm chí để lắp ráp thành phẩm ở nước sở tại từ những bộ phận sản xuất tại Nga đưa sang cũng là cực kỳ khó khăn.
Dễ hiểu vì sao trong thời gian qua, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã tỏ ý quan tâm đặc biệt tới hệ thống tên lửa phòng không của Israel, kể cả đó là nước có truyền thông dùng vũ khí hệ Liên Xô/Nga.
Barak-8 cùng với SPYDER-SR/MR hay Iron Dome và David's Sling dự báo sẽ là những tổ hợp tên lửa phòng không của Israel được săn đón nhiều nhất trên thị trường vũ khí trong thời gian sắp tới.